Xu hướng ly khai EU trỗi dậy

Mối quan hệ giữa Ba Lan với Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới một cuộc chiến tranh lạnh sau khi Bộ trưởng Tư pháp mới của Ba Lan, ông Zbigniew Ziobro, ví Chính phủ Đức như Đức quốc xã và phản bác mọi chỉ trích về kế hoạch của Ba Lan siết chặt kiểm soát phương tiện truyền thông. Ông Ziobro đã phá vỡ những điều cấm kỵ bất thành văn khi đề cập đến sự chiếm đóng của Đức tại Ba Lan trong Thế chiến thứ hai.

Mối quan hệ giữa Ba Lan với Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới một cuộc chiến tranh lạnh sau khi Bộ trưởng Tư pháp mới của Ba Lan, ông Zbigniew Ziobro, ví Chính phủ Đức như Đức quốc xã và phản bác mọi chỉ trích về kế hoạch của Ba Lan siết chặt kiểm soát phương tiện truyền thông. Ông Ziobro đã phá vỡ những điều cấm kỵ bất thành văn khi đề cập đến sự chiếm đóng của Đức tại Ba Lan trong Thế chiến thứ hai.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi ủy viên truyền thông của EU, ông Gunther Oettinger (người Đức) cảnh báo rằng Ba Lan có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt khi áp dụng luật mới tăng quyền kiểm soát của chính phủ đối với đài truyền hình và hãng tin nhà nước Ba Lan cũng như hạn chế quyền của tòa án lẫn các tổ chức truyền thông độc lập.

Trước việc báo chí Đức im lặng trong nhiều ngày về một số vụ tấn công tình dục đêm giao thừa vừa qua tại các thành phố của Đức, theo Báo The Wall Street Journal, Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro đã viết thư tới ông Oettinger, trong đó viết: “Tôi đã chờ đợi trong vô vọng phản ứng cứng rắn từ giới truyền thông của các ngài trước hành động vi phạm trắng trợn các quyền của công dân. Nhưng tôi đã đi đến kết luận cay đắng rằng thật dễ dàng khi các ngài nói về các mối đe dọa hư cấu về tự do báo chí tại các nước khác hơn là sự kiểm duyệt ngay tại đất nước của các ngài”.

Ba Lan vào ngày 10-1 cũng đã triệu tập đại sứ Đức tại Ba Lan về những lời chỉ trích mạnh mẽ từ Đức. Đây được xem là dấu hiệu mới làm căng thẳng quan hệ giữa những người hàng xóm.

Vào ngày 13-12, Ủy ban truyền thông EU sẽ tranh luận về luật truyền thông mới của Ba Lan. Cuộc họp có thể đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình biểu quyết của EU bãi bỏ quyền bầu cử của Ba Lan trong EU. Các quan chức EU xem luật truyền thông mới đi ngược lại hiến pháp Ba Lan và các cam kết dân chủ mà Ba Lan đã đồng ý khi gia nhập EU vào năm 2004.

Căng thẳng gia tăng giữa Ba Lan và nhiều nước thành lập EU kể từ khi đảng thiên hữu Luật và đảng Công lý (PiS) thắng cử vào tháng 10-2015. Điều đáng nói là các nhà lãnh đạo Ba Lan đang được sự hậu thuẫn của Hungary, cụ thể là từ Tổng thống Viktor Orban. Theo Báo The Independent, ông Orban cho biết ông sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của EU với Ba Lan.

Nhiều nhà quan sát nhận định, luật kiểm soát truyền thông chỉ là bước đầu trong chính sách xa rời EU của chính phủ mới tại Ba Lan. Sau 8 năm lực lượng ôn hòa cầm quyền, nay sự thay đổi đảng phái đã đưa Ba Lan ra xa quỹ đạo của EU theo cách tăng cường quan hệ với Anh và Hungary. Anh cũng đang có kế hoạch trưng cầu dân ý rời EU và Hungary trong suốt thời gian qua và đã có các chính sách đi ngược lại các quyết định của EU nhất là trong vấn đề tiếp nhận dòng người di cư từ Trung Đông. Hơn thế nữa, Hà Lan cũng đang thu thập chữ ký phản đối Hiệp định tự do thương mại giữa EU và Ukraine.

Theo các nhà phân tích, sau hàng loạt khó khăn từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đến khủng hoảng di dân, sự gắn kết trong EU bắt đầu lỏng lẻo dần và thể hiện nhiều bất đồng giữa các nước giàu và nghèo trong EU. Vì thế, từ sự bất mãn của công dân các nước thành viên EU, lá phiếu của họ đã giúp những đảng phái thiên hữu mạnh hơn, bảo vệ cho quyền lợi quốc gia nhiều hơn lên cầm quyền và dĩ nhiên sẽ dẫn đến sự thay đổi chính sách theo hướng xa rời hơn EU.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục