Xu hướng thuần chay ở Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, các món thịt nướng hay gà rán thường phổ biến trong thực đơn tại nhà ăn của các công ty, buộc những người ăn chay phải lựa chọn các món ăn kèm thành món chính như món hầm tương đậu nành và mì kiều mạch lạnh. Xu hướng ăn chay đang dần trở nên phổ biến tại Hàn Quốc, khiến các công ty thực phẩm ngày càng quan tâm tới thị trường đầy triển vọng này.
Một gian hàng bán thức ăn chay ở chợ Gwangjang, Seoul
Một gian hàng bán thức ăn chay ở chợ Gwangjang, Seoul

Theo Yonhap, việc thiếu các món chay trong thực đơn bữa ăn của các công ty khiến những người ăn chay thường bị cho là “kén ăn” hoặc “nhạy cảm”.

Cô Yoon Sun-ah, 36 tuổi, theo chế độ chỉ ăn rau, trứng, các sản phẩm từ sữa thực vật hơn 10 năm qua kể từ khi cô ý thức hơn về bảo vệ quyền của động vật. Cô cho biết: “Về cơ bản, không có nhiều thực đơn thuần chay ở Hàn Quốc. Khi tôi đi du lịch ở châu Âu thì dễ dàng hơn nhiều, vì hầu hết các nhà hàng đều có các món chay”.

Cô chia sẻ: “Nếu ngày càng có nhiều quán ăn cung cấp các món chay và việc ăn thực phẩm thuần chay trở nên phổ biến hơn, những người ăn chay sẽ không còn cảm thấy ái ngại và khó xử khi từ chối ăn một số món trong thực đơn”.

Sự quan tâm về sức khỏe cũng như nhận thức về biến đổi khí hậu và môi trường gia tăng trong ý thức của người dân Hàn Quốc một phần được truyền cảm hứng từ những nhân vật nổi tiếng như diễn viên Im Soo-jung và ca sĩ Lee Hyo-ri - những người cổ vũ ăn chay và bảo vệ quyền của động vật. Điều này cũng đã tạo nên tâm lý xem việc ăn chay là một lựa chọn thời thượng.

Trước thực tế này, các công ty thực phẩm và nhà bán lẻ đã nhanh nhạy bắt kịp xu hướng khi cho ra mắt các sản phẩm thực phẩm phong phú có nguồn gốc thực vật. Trong báo cáo được công bố hồi tháng 5, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) dự báo thịt chay sẽ chiếm 30% thị trường thịt toàn cầu vào năm 2030 và tăng lên hơn 60% vào năm 2040.

Nhà nghiên cứu cấp cao của KITA Kim Bo-kyung cho biết, chi phí sản xuất thịt chay giảm và nhu cầu ngày càng tăng ở thị trường Trung Quốc sẽ là “chất xúc tác cho việc mở rộng thị trường”.

Bên cạnh đó, các cửa hàng nhượng quyền thương mại của các thương hiệu thực phẩm toàn cầu ở Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm các món ăn có nguồn gốc từ thực vật. Burger King và Lotteria đã giới thiệu bánh mì kẹp nhân đậu, trong khi Starbucks ra mắt bánh hạnh nhân đậu phụ và hộp bữa ăn với giăm bông giả thịt. Các tập đoàn bán lẻ thực phẩm như Shinsegae Food, Dongwon F&B, Nongshim cũng điều hành các thương hiệu dành riêng cho các sản phẩm thuần chay như Better Meat, Beyond Meat và Veggie Garden.

Với các khẩu hiệu tiếp thị ngụ ý ăn chay tốt hơn ăn thịt, các thương hiệu này bán các sản phẩm như bánh bao chay, cốm đậu phụ và xúc xích làm từ thực vật. Người tiêu dùng Hàn Quốc cũng đón nhận xu hướng mới.

Một cuộc khảo sát của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Consumers Korea có trụ sở tại Seoul cho thấy 63,2% trong số 500 người được hỏi cho biết họ đã thử ăn thịt chay. Hơn 70% trong số họ bày tỏ ủng hộ hoặc hài lòng với trải nghiệm này. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 50% người được hỏi hy vọng xu hướng thực phẩm mới này sẽ có lợi cho sức khỏe của họ và 72,6% nói rằng điều này sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

Đối với những người ăn chay lâu năm, xu hướng này được xem là bước đệm cho những người thích ăn thịt nhưng muốn thử ăn chay. Điều này cũng giúp đa dạng hóa văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, cũng như thúc đẩy một lối sống lành mạnh hơn.

Tin cùng chuyên mục