Sáng ngày 12-5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có phiên họp toàn thể lần thứ 28. Phiên họp được tiến hành bằng hình thức trực tuyến.
Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số chính sách đặc thù khác (nếu có).
Tại phiên họp, trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công an Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.
Theo đó, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Dự thảo Luật cũng đã quy định về các nội dung liên quan đến quyền tự do cư trú của công dân; nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú; bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú; trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú…
Thảo luận về Tờ trình của Chính phủ, các thành viên Uỷ ban Pháp luật cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú. Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng nhận xét, việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy, thay đổi phương thức quản lý cư trú bằng công nghệ thông tin là hoàn toàn phù hợp với lộ trình đã xác định trong quá trình ban hành chính sách, quy định liên quan đến quản lý hộ tịch, căn cước; trong đó Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Về mặt kinh tế, việc thay đổi này rất phù hợp với chủ trương hiện nay là triển khai Chính phủ điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, kinh tế số…
“Một số hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước nếu khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý hộ tịch, hộ khẩu thông qua hệ thống điện tử, công tác điều tra dân số sẽ rõ ràng, thuận lợi hơn nhiều”, ông Hồng nói.
Về quy định đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đào Tú Hoa đề nghị cân nhắc thận trọng khi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương của Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô.
Theo bà Đào Tú Hoa, nguy cơ nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn vẫn đang hiện hữu và hiện nay chưa có đủ cơ sở để quyết định bỏ điều kiện riêng.
Một vấn đề khác nhận được nhiều ý kiến quan tâm là việc bổ sung các trường hợp xóa đăng ký thường trú nhằm khắc phục tình trạng quản lý cư trú “ảo”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị cân nhắc quy định “công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú thì bị xoá đăng ký thường trú”.
Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng trường hợp này nên được phân loại riêng để có biện pháp quản lý phù hợp, chứ không nên áp dụng xóa đăng ký thường trú và có hậu quả pháp lý tương tự như trường hợp người đã chết hoặc mất tích.
Liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và việc bỏ sổ hộ khẩu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung lưu ý, điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật có quy định “Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này” là chưa phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là cơ quan soạn thảo không thể ủy quyền cho các cơ quan khác rà soát và đề nghị sửa đổi các luật có liên quan đến nội dung sửa đổi của Luật này. Trong khi đó, qua rà soát hiện nay có đến 27 thủ tục hành chính được quy định ở các văn bản dưới luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì các nội dung này sẽ được xử lý như thế nào để đảm bảo sự đồng bộ và tính khả thi khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Ý kiến của Phó Chủ nhiệm Trần Thị Dung đã được Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc tiếp thu.
Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.