Xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi người lao động

Ngày 14-6, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM (HTV) tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi – tháng 6-2020, với chủ đề “Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHTN) – Quyền lợi người lao động”. Trong chương trình, các đại biểu đã hiến kế nhiều giải pháp để xử các hành vi nợ đọng, trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHTN nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

 Vào ít, ra nhiều

Thông tin về tình hình tham gia BHXH, BHTN trên địa bàn TPHCM, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Trần Ngọc Sơn cho hay, Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị giao chỉ tiêu đến năm 2021 cả nước (trong đó có TPHCM), có tỷ lệ người lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 50%, tham gia BHTN là 35%.

Xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi người lao động ảnh 1 Quang cảnh chương trình

Thực tế, thời gian qua TPHCM đã đạt và vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết 21 đề ra (năm 2019 có 2,5 triệu người tham gia BHXH, tỷ lệ 54%, vượt 4%; có 2,4 triệu người tham gia BHTN, tỷ lệ 50,6%, vượt 15,6%). Tuy nhiên, bước sang năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người lao động TPHCM tham gia BHXH chỉ đạt khoảng 2,3 triệu (49,3%) và 2,2 triệu người tham gia BHTN (48%).

Trong khi đó, số người nhận BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, năm sau đều cao hơn năm trước. Nếu như năm 2018 có gần 115.500 người thì sang năm 2019 có gần 116.400 người nhận BHXH một lần.
Xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi người lao động ảnh 2 Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM báo động về tình trạng người nhận BHXH một lần gia tăng

“Điều đó đồng nghĩa với việc số người rời khỏi hệ thống và sẽ bị giảm, hoặc không còn cơ hội được hưởng lương hưu, gia tăng. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp giảm dần công nhân lao động do đầu tư nhiều máy móc thiết bị mới, hiện đại nên buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động hoặc không tái ký hợp đồng sau khi hết hạn. Nhiều người phải nghỉ việc ở độ tuổi 35-40 nhưng lại không có trình độ, không có điều kiện chuyển đổi nghề. Do đó, sau khi không có việc làm, họ thường chọn nhận BHXH một lần chứ không đóng tiếp BHXH để hưởng lương hưu”, ông Trần Ngọc Sơn nhận xét.

Lý giải về tình trạng “vào ít, ra nhiều”, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM, Tăng Hữu Phong nhận xét, độ bao phủ BHXH tăng chậm, số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Bên cạnh đó, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Toàn thành phố hiện có hơn 89.500 đơn vị sử dụng lao động đang tham gia BHXH, thì có đến 42.680 đơn vị nợ, chiếm gần 48%, cho thấy mức độ phổ biến của nợ đọng BHXH. Theo BHXH TPHCM, số nợ BHXH tạm tính đến ngày 31-5 là gần 3.000 tỷ đồng.
Ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM nhận xét độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi người hưởng BHXH một lần tăng nhanh

Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Trần Ngọc Sơn cho biết, đa số doanh nghiệp nợ kéo dài thường không có khả năng thanh toán hoặc chiếm dụng số tiền đóng BHXH để làm việc khác, khi bị xử phạt thì không có khả năng đóng phạt và đóng tiền nợ BHXH. Trong khi đó, việc cưỡng chế các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn đang là khó khăn chung nhiều năm, chưa có hướng tháo gỡ nhằm đảm bảo số tiền xử phạt được thu hồi vào Kho bạc nhà nước cũng như việc cưỡng chế thu hồi số tiền nợ BHXH vào Quỹ BHXH. Hiện nay, Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng đối với doanh nghiệp không chấp hành.

Ông Trần Ngọc Sơn đúc kết: “Nợ lớn và kéo dài, xử phạt nhưng không có khả năng đóng phạt. Doanh nghiệp không tham gia đủ BHXH cho số người lao động. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không tham gia BHXH. Các hình thức xử lý chưa mang tính răn đe”.

Trao đổi về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, đồng tình với phân tích của Sở LĐTB-XH TPHCM.
Xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi người lao động ảnh 4 Phó Giám đốc BHXH TPHCM Trần Dũng Hà cho rằng còn nhiều bất cập trong chế tài xử lý các doanh nghiệp chây ì, không đóng BHXH, BHTN

Ông Trần Dũng Hà bổ sung, còn nhiều bất cập trong chế tài xử lý đối với các đơn vị chây ì không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN cho người lao động. Các đơn vị không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau 1 năm mới có thể chuyển hồ sơ xử lý hình sự. Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn quy trình xử lý doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH kéo dài hoặc chủ bỏ trốn và quy trình chuyển hồ sơ doanh nghiệp này sang cơ quan chức năng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Vì sao khởi kiện đòi nợ BHXH không hiệu quả?

Sau khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, toàn bộ hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH trên địa bàn TPHCM (trước đây cơ quan BHXH thực hiện khởi kiện – PV), được chuyển giao sang Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM để tiến hành khởi kiện theo quy định. Tuy nhiên, cũng từ đó, việc khởi kiện thu hồi nợ BHXH không đạt hiệu quả như trước. Là tổ chức có trách nhiệm đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH ra tòa, vì sao LĐLĐ TPHCM lại khởi kiện được quá ít doanh nghiệp?

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho hay, trong năm 2019, LĐLĐ TPHCM trực tiếp tham gia phiên tòa bảo vệ quyền lợi cho 225 người lao động, tại Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 710, Công ty TNHH Bum Jin Vina, Công ty TNHH Sunlight, với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết thủ tục ủy quyền của người lao động để công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH đang rất phức tạp

LĐLĐ TPHCM hỗ trợ và hướng dẫn LĐLĐ các quận, huyện cử cán bộ đại diện theo ủy quyền cho 300 trường hợp người lao động tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH…. Đến nay, cơ quan thi hành án đã tổ chức việc bán tài sản để trả lương cho người lao động và chốt sổ BHXH cho người lao động.

Ông Phạm Chí Tâm giải thích, trong thực tế, tổ chức Công đoàn (cán bộ Công đoàn) khi tiến hành khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật BHXH phải có sự ủy quyền của người lao động. Nhưng với doanh nghiệp hàng trăm người lao động, để có được sự ủy quyền của toàn bộ người lao động bị ảnh hưởng, là điều không hề đơn giản. Thủ tục ủy quyền gây tốn kém tiền bạc và thời gian. Đa số khởi kiện nợ BHXH do chủ doanh nghiệp vắng mặt, tài sản không còn, mặt bằng thì đi thuê, thuê máy móc sản xuất… Do đó, việc thi hành án khó thực hiện sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, dù có bản án có hiệu lực nhưng vẫn khó thi hành để trả lương, chốt sổ BHXH cho người lao động.

Các đại biểu tham gia chương trình "Lắng nghe và trao đổi"

Về phía người lao động, nhiều người không có chứng cứ nào chứng minh có quan hệ lao động (hợp đồng lao động), hoặc không có cơ sở xác định số tiền người lao động bị nợ lương, nợ BHXH…. (bảng lương, danh sách nộp BHXH…) trong khi chủ doanh nghiệp lại vắng mặt (hoặc không cung cấp chứng cứ). Vì thế, yêu cầu khởi kiện của người lao động gặp rất nhiều khó khăn và phải kéo dài thời gian.

Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM đề nghị, tòa án cần áp dụng thủ tục xét xử rút gọn đối với vụ án lao động, nợ BHXH…

“Khi có chứng cứ đơn giản, rõ ràng, giá trị tài sản thấp, cùng nội dung khởi kiện, cùng một doanh nghiệp với nhiều người khởi kiện… thì cần áp dụng thủ tục xét xử rút gọn nhằm giảm bớt thời gian cho người lao động và kịp thời ngăn chặn hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản”, ông Phạm Chí Tâm góp ý.

Ông Phạm Chí Tâm cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử phạt nặng kể cả xử lý hình sự những trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài; có biện pháp ngăn chặn cụ thể những trường hợp có khả năng chủ doanh nghiệp tìm cách bỏ trốn (khi có tin báo từ người lao động trong công ty), tẩu tán tài sản. Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp chủ bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH bằng các nguồn do Chính phủ quyết định. Về lâu dài, kiến nghị Quốc hội ban hành Luật Tố tụng lao động nhằm thuận tiện trong quá trình xét xử các vụ án lao động.

Trước tình trạng chưa thống nhất việc ủy quyền khởi kiện gây khó khăn cho người lao động, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM đề nghị BHXH TPHCM cần chủ trì cùng với lãnh đạo cơ quan LĐLĐ TPHCM, Sở LĐTB-XH TPHCM, Công an TPHCM và Tòa án nhân dân TPHCM, ngồi lại để thống nhất thực hiện Luật BHXH năm 2014. Cụ thể là khi doanh nghiệp nợ BHXH trên địa bàn TPHCM thì thống nhất mẫu ủy quyền của người lao động cho công đoàn khởi kiện đòi quyền lợi BHXH và thu hồi nợ cho quỹ BHXH. Đồng thời, quyết liệt xử lý hình sự các doanh nghiệp gian lận, trốn đóng BHXH, BHTN.
Xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi người lao động ảnh 7 Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị cần xét xử theo thủ tục rút gọn đối với các vụ án công đoàn khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH

Đồng tình với đề nghị của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho hay, BHXH TPHCM đã lập hồ sơ kiến nghị Công an TPHCM khởi tố 37 chủ doanh nghiệp. Trong đó, có 32 trường hợp ngành công an đã phản hồi tiếp nhận và có văn bản đề nghị cung cấp thêm tài liệu hồ sơ để phục vụ cho công tác điều tra.

Ông Trần Dũng Hà cho biết về giải pháp giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động tại các doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN đang trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể hoặc đơn vị không còn tồn tại, không còn hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định; từ đó, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận đến thời điểm đã đóng. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

“Mặc dù giải pháp này chưa phải là giải pháp triệt để nhưng trước mắt cũng bảo đảm quyền lợi của người lao động”, ông Trần Dũng Hà chia sẻ.

Xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi người lao động ảnh 8 Chương trình "Lắng nghe và trao đổi" thảo luận các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực BHXH, BHTN

Chi trả trợ cấp qua bất cứ ngân hàng nào, không riêng Đông Á

BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm. Đây được xem là chính sách an sinh xã hội hữu ích, một chiếc phao cứu sinh cho người lao động lúc khốn khó. Tuy vậy, việc có được chiếc phao này phải trải qua rất nhiều khâu và mất nhiều thời gian.

Cử tri Võ Thị Dung, Chuyên viên Hành chính nhân sự Công ty TNHH KAMO, quận 2, góp ý, việc chỉ được nhận trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á là cứng nhắc, làm khó người lao động. Có người lao động chưa có thẻ ATM Đông Á, khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đã phải dừng làm hồ sơ, đi làm thẻ, có số thẻ mới điền vào trong đơn, tiếp tục làm hồ sơ. Riêng việc này có khi mất cả ngày. Quá trình chuẩn bị hồ sơ, nếu thiếu giấy tờ nào đó như CMND, hộ khẩu, thì người lao động phải trở lại địa phương thường trú để làm giấy tờ, có khi quay lại TPHCM thì hết thời gian làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (chỉ được làm trong vòng 3 tháng kể từ khi nghỉ việc - PV).

Cử tri Võ Thị Dung (quận 2, TPHCM) đề nghị thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cần đơn giản và giải quyết hồ sơ gửi qua online, bưu điện

Cử tri Võ Thị Dung đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tăng nhận hồ sơ online, nhận hồ sơ qua bưu điện, và khi nhận được hồ sơ, cơ quan chức năng cần thông báo trực tiếp tới người lao động là hồ sơ đã đủ chưa, để người lao động an tâm. Việc cải tiến này giúp thủ tục hành chính bớt rườm rà, trung tâm cũng không bị quá tải người trực tiếp đến làm thủ tục thất nghiệp.

Giải thích về việc này, bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho hay, việc nhận hồ sơ online đã được nghiên cứu nhưng quy định hiện nay là nhận trực tiếp. Ý nghĩa của việc nhận trực tiếp là để gặp gỡ người lao động, lắng nghe tâm tư, tư vấn về việc làm mới, khi không tìm được việc làm thì mới giải quyết BHTN.

Bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM trả lời trước các kiến nghị của cử tri 

Tại sao thẻ ATM nhận trợ cấp thất nghiệp là Ngân hàng Đông Á, bà Lê Thị Kiều Phượng trần tình, Đông Á là ngân hàng đầu tiên tới trung tâm để mở thẻ ATM miễn phí cho người lao động và việc phối hợp thời gian qua trả trợ cấp thất nghiệp qua ngân hàng này rất thuận lợi. Một số ý kiến người lao động đề nghị trả qua ngân hàng khác, Trung tâm phối hợp với BHXH TPHCM sẽ chuyển tiền vào tài khoản ở ngân hàng khác theo yêu cầu của người lao động.

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM cũng khẳng định, BHXH TPHCM sẵn sàng chi trả vào tài khoản của bất cứ ngân hàng nào mà người lao động yêu cầu, miễn là Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM lập hồ sơ đầy đủ thông tin của người hưởng.

Cũng liên quan đến trợ cấp thất nghiệp, theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm, điều kiện hưởng là: “Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này”.

Vì thế, nhiều trường hợp người lao động lớn tuổi đóng BHTN gián đoạn trong nhiều năm và thời gian BHTN nghiệp cộng dồn đủ 12 tháng trở lên nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Còn theo Điểm b Khoản 4, Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH “Từ tháng thứ 2 trở đi người lao động thực hiện thông báo hàng tháng về việc tìm kiếm việc làm trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

Xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi người lao động ảnh 11 Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp đang học nghề do Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM phối hợp tổ chức

Theo bà Lê Thị Kiều Phượng, thời gian 3 ngày làm việc ngắn nên nhiều trường hợp người lao động không sắp xếp được thời gian đến thông báo việc làm kịp thời, dẫn đến không được hưởng trợ cấp thất nghiệp của tháng đó. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đề xuất chính sách: người lao động đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên (được cộng dồn trong nhiều năm) trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc vẫn đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; cần tăng thời gian thông báo việc làm từ 3 ngày làm việc thành 5 ngày làm việc để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thời gian đến trung tâm thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.

Trong năm 2019, BHXH TPHCM phối hợp với Sở LĐTB-XH TPHCM và các đơn vị sử dụng lao động giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, chi trả BHTN đảm bảo lợi ích cho người thụ hưởng. Việc giải quyết các chế độ BHXH, được thực hiện với thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi thông qua 3 hình thức: qua tài khoản ATM của người hưởng, qua người sử dụng lao động, chi tiền mặt qua bưu điện. Trong năm 2019, BHXH TPHCM đã chi trả gần 28.000 tỷ đồng với các chế độ lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, dưỡng sức...  

* Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức: Giảm thanh kiểm tra, tạo điều kiện doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi người lao động ảnh 12 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu

Sở LĐTB-XH TPHCM, BHXH, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cần tiếp thu một cách cầu thị các ý kiến góp ý của khán giả, chuyên gia, để có thể tham mưu, tổ chức các giải pháp khắc phục, điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHTN. Đồng thời, xử lý hành vi gian lận, trục lợi BHXH, BHTN.

Sở LĐTB-XH TPHCM và BHXH TPHCM cần rà soát, thực hiện theo hướng giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra mà chuyển sang hậu kiểm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, trừ các trường hợp có các cấp thẩm quyền giao thực hiện, hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHTN; kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm, nhất là trốn đóng, nợ đọng, trục lợi BHXH, BHTN.

Trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, cần chú trọng đến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, để vận động người lao động ở các DN này tham gia; cải tiến quy trình thủ tục, tăng thực hiện giao dịch điện tử, giao dịch qua bưu chính cho người dân, doanh nghiệp; gắn giải quyết chế độ BHTN với đào tạo nghề, giới thiệu việc làm giúp người lao động sớm tái tham gia thị trường lao động.


Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam CỦ PHÁT NGHIỆP: Cần thiết kế chính sách hưu trí linh hoạt

Xử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi người lao động ảnh 13 Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đề nghị có chính sách hưu trí linh hoạt

Hưu trí là chính sách an sinh xã hội đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi về già, vừa có lương hưu hàng tháng vừa có thẻ BHYT để khám bệnh lúc đau ốm. Tuy nhiên, có công nhân đi làm sớm thì hơn 40 tuổi đã đóng đủ 20 năm, chờ đến 60 tuổi mới được hưởng lương hưu là quãng thời gian chờ đợi rất dài, mà hơn 40 tuổi là công nhân trực tiếp sản xuất thì rất khó xin việc trở lại, rất khó đi làm tiếp tục.

Thực tế cũng có trường hợp tham gia BHXH trễ thì đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ 20 năm. Vì vậy, chế độ hưu trí nên được thiết kế linh hoạt hơn để nhiều người lao động lựa chọn hưởng chế độ hưu trí thay vì nhận trợ cấp 1 lần. Mức hưởng lương hưu của công nhân ở doanh nghiệp nước ngoài rất thấp, khoảng 2-3 triệu đồng/người/tháng, có trường hợp chỉ 1,6-1,7 triệu/người/tháng. Đề nghị cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ thêm cho những trường hợp hưởng mức lương hưu thấp.

Tin cùng chuyên mục