Theo dõi phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 28-3 và nội dung trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ về các giải pháp chống lạm phát, người dân chúng tôi tuy còn nhiều lo âu nhưng cũng tạm yên tâm với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đó là chưa tăng giá 10 mặt hàng thiết yếu, trừ khi có trường hợp đột biến về giá. Các mặt hàng thiết yếu này bao gồm: xăng dầu, điện, than, nước sạch, vé xe buýt, vé tàu hỏa, vé máy bay, xi măng, sắt, thép, học phí, viện phí.
Điều này cũng thể hiện sự chỉ đạo kịp thời và sâu sát của Chính phủ để giúp người dân, nhất là nông dân, người dân nghèo, người có thu nhập thấp chống chọi, vượt qua “cơn bão giá” hiện nay. Tuy nhiên, cùng với giải pháp cấp thời để bình ổn nền kinh tế, chống lạm phát, đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng phải tiếp tục thực hiện “lời hứa” kiểm soát giá vẫn đang leo thang từng ngày trên thị trường.
Đúng là trên thực tế có nhiều ngành hàng không bị tác động của giá đầu vào nhưng lợi dụng “cơn bão giá” nổi lên cũng “té nước theo mưa”, tạo thêm áp lực cho người tiêu dùng. Chính vì thế Chính phủ phải yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra các đơn vị đầu mối, doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hoặc sản xuất những mặt hàng thiết yếu, phải niêm yết giá cả và bán đúng giá. Việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh hứa trước Quốc hội và các đại biểu chất vấn là “sẽ báo cáo kết quả sau khi kiểm tra” cho thấy một khi ngành tài chính chưa kiểm soát chặt giá cả trên thị trường thì nhiều mặt hàng “té nước theo mưa” tiếp tục tăng giá.
Hy vọng những biện pháp chỉ đạo kịp thời chống lạm phát, bình ổn nền kinh tế của Chính phủ sẽ có tác dụng để người dân sẽ bớt lo âu và cơn “ bão giá” giá sẽ tan dần.
LÊ HƯƠNG (TPHCM)