Xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức

Dù lần đầu tiên mới xảy ra trường hợp một người đứng đầu một tỉnh công khai việc có người hối lộ để chạy chức nhưng có lẽ không ai không tin rằng nạn chạy chức đã và đang diễn ra ở nước ta. Vẫn một câu rất quen thuộc “chứng cứ đâu?” nên hầu như không có trường hợp nào chạy chức bị phanh phui, dù trên diễn đàn Quốc hội đã có không ít ý kiến đề cập vấn nạn này. Khi chức vụ luôn gắn liền với quyền và lợi, thay vì chỉ đặt nặng trách nhiệm và bổn phận, người ta vẫn còn “chạy”!

Tức là người ta tiếp tục “chạy” khi còn “chạy” được! Sự việc này ngay lập tức được “chứng minh” bởi trường hợp một lãnh đạo ở tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lô Ích Giang công khai việc sử dụng tiền biếu xén của mình vào mục đích xã hội. Không ai nói rõ những người tặng quà cho vị lãnh đạo này nhằm mục đích gì nhưng chắc không phải vì lý do “thân tình”, vì có lẽ không ai vì thân tình lại biếu xén nhiều tiền đến thế!

Có thể khen ngợi vị lãnh đạo này trung thực, không vụ lợi. Nhưng cũng thấy rằng dù là lãnh đạo một tỉnh nhỏ và nghèo, trong hơn một năm, số tiền biếu xén đã lên đến gần 1 tỷ đồng thì thử hỏi ở những địa phương khác ra sao? Hoặc những trường hợp chưa công khai? Tức là, có phải chức vụ luôn tạo ra quyền lợi quá lớn nên người ta không ngần ngại để “chạy”? Có thể thấy rằng việc biếu xén lãnh đạo là “chuyện thường ngày ở Việt Nam”.

Lý do thì vô kể: mừng thăng chức, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, đám cưới, mừng thọ…, kể cả những “dịp” hết sức đặc biệt như thăm bệnh, đầy tháng của cháu, tìm được con chó quý… Hình thức thì cũng rất phong phú: tiền mặt, quà cáp, ưu đãi mua hàng “độc” giá rẻ, vé du lịch nước ngoài, tiền điện thoại… Đã gọi là biếu xén thì hầu như không ai đặt vấn đề sẽ được nhận lại lợi ích gì. Nhưng người biếu và người nhận có thực “vô tư”? Có phải thực sự là “tình cảm” như có người đã bào chữa như thế? Dân gian nói rất hay: “Không ai cho không ai cái gì”, “bánh ít đi thì bánh quy lại”. Xét cho cùng, việc biếu xén có phải là hình thức hối lộ và người nhận có phải là người nhận hối lộ?

Ngoài ra, có những việc biếu tặng không cần dịp gì cả, mà như là một sự “biết ơn” của đơn vị, cá nhân được hưởng lợi từ một quyết định của người có trách nhiệm. Những trường hợp này, pháp luật khó sờ đến, nhưng rõ ràng người có trách nhiệm đã được hưởng lợi từ chức vụ, quyền hạn của mình.

Thực tế đó cho thấy, người ta đã xem có chức vụ là có đặc quyền, quyền lợi. Đã vậy, trách nhiệm, bổn phận của người có chức vụ chưa được đề cao một cách đầy đủ và cần thiết. Chẳng hạn, khi có sai phạm, người ta vẫn hay vịn vào lý do “đã có công lao đóng góp” để xin giảm nhẹ trách nhiệm. Trong khi đó, thay vì phải tăng thêm trách nhiệm, phải làm gương, và lẽ ra “người chấp pháp không được phạm pháp”.

Từ đó, cần thiết xem xét vấn đề “trách nhiệm” đối với những người có chức vụ, quyền hạn. Nên tăng trách nhiệm đồng thời giảm đặc quyền, đặc lợi. Bên cạnh tăng cường việc xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức chạy quyền, thì cũng xây dựng một “môi trường chức vụ” mà người ta không nhìn thấy chỉ có “chùm khế ngọt”! 

TRỊNH MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục