Xử lý tro xỉ của nhà máy nhiệt điện: Có thể áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước tiên tiến

Ngày 5-1, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao, xỉ lò… của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất. 

Theo báo cáo của Bộ Công thương do Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng trình bày, lượng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 12,2 triệu tấn/năm, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 60% tổng lượng thải), miền Trung chiếm 21% và miền Nam chiếm 19% tổng lượng thải.

“Trong năm 2017, lượng tro xỉ tiêu thụ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% lượng phát sinh, trong đó miền Bắc tiêu thụ khoảng 3,25 triệu tấn. Đối với chất thải từ các nhà máy hóa chất, phân bón, hiện đã có một vài đơn vị thành công trong xử lý chất thải phosphogypsum (gyps) của một nhà máy hóa chất phân bón thành thạch cao nhân tạo, có khả năng thay thế thạch cao tự nhiên, làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang hoạt động cầm chừng, hoặc chậm triển khai dự án do đầu ra tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cung cấp thông tin.

Toàn cảnh phiên giải trình 
 Đại diện Bộ Công Thương nhận định, việc tiêu thụ và xử lý tro xỉ gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân và liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và kiến nghị sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để bảo đảm an ninh năng lượng.

Theo đó, đề nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết về việc phát triển nhiệt điện để bảo đảm an ninh năng lượng gắn với công tác bảo vệ môi trường; bổ sung trách nhiệm của Chính phủ ban hành nghị định về phát triển ngành công nghiệp môi trường, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển ngành công nghiệp này, cũng như hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị xử lý môi trường; đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 38/2015 theo hướng bổ sung công cụ pháp lý cho các bộ, ngành trong việc quản lý tro, xỉ; quy định đặc thù về quản lý loại chất thải này, góp phần tháo gỡ rào cản về giấy phép trong nghị định này. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách nhằm hạn chế sử dụng gạch nung tại các địa phương, khu vực đặt các nhà máy nhiệt điện, để giảm sử dụng đất sét, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tro, xỉ từ mỗi nhà máy…

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến nêu rõ, trên thế giới, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao gyps và xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất đều được sử dụng phổ biến cho các ngành khác. Do vậy, các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến việc chậm trễ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong vẫn đề này cần phải giải trình nguyên nhân, trách nhiệm, qua đó tìm giải pháp khắc phục hiệu quả.

Được mời giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến tháng 12-2018 đã có 17 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện, và Bộ đang giao các đơn vị nghiên cứu một số đề tài để hoàn thiện toàn bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan. Tuy nhiên, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay hoàn toàn có thể hướng dẫn các địa phương sử dụng tro xỉ từ nhà máy điện nhiệt than cho sản xuất vật liệu xây dựng. Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất giải pháp sử dụng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện vào công tác san lấp mặt bằng.

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hoan nghênh Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức phiên giải trình về một vấn đề đang rất bức xúc, cần có giải pháp xử lý kịp thời.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: “Nếu không sớm có giải pháp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, tác động không nhỏ đến sản xuất, đầu tư của địa phương, khu vực, và cả nước”.

Để sớm ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển gợi ý có thể áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước tiên tiến…

Tin cùng chuyên mục