Xử nghiêm nếu phát hiện cá nhân, tổ chức “chống lưng” xe quá tải

Ngày 9-4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) quý 1, nhiệm vụ công tác quý 2-2021.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý 2-2021
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý 2-2021

30 tỉnh có số người chết do TNGT tăng

Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, quý 1, tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra, làm chết nhiều người; tình hình vi phạm về tải trọng xe vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn chưa được giải quyết và có xu hướng gia tăng.  

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phê bình 30 tỉnh có số người chết do TNGT tăng so với quý 1-2020, nhất là 5 tỉnh có số người chết tăng trên 70% trở lên (Lâm Đồng, Hà Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Quảng Bình), đồng thời yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh nêu trên phải chỉ đạo sâu sát, quyết liệt hơn đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng lưu ý tình hình ô tô chở quá tải trọng cầu đường đang tái diễn tại nhiều địa phương. Rất nhiều tuyến đường vừa được đầu tư cả ngàn tỷ đồng đã bị xuống cấp. Chở hàng hóa quá tải gây hư hỏng cầu đường là hành vi phá hoại tài sản quốc gia. Ngành công an cần vào cuộc điều tra, làm rõ có hay không tình trạng cán bộ, cơ quan chức năng “chống lưng” cho xe quá tải hoạt động. Nếu phát hiện có cán bộ vi phạm, phải xử lý thật nghiêm.

Đồng chí Trương Hòa Bình cũng đề cập đến TNGT và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nhức nhối, do đó hạ tầng giao thông cần được cải thiện. 

Ứng dụng công nghệ trong đảm bảo giao thông

Trong quý 1-2021, cả nước xảy ra 3.206 vụ TNGT, làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 263 vụ (giảm 7,58%), giảm 183 người bị thương, nhưng số người chết tăng 33 người (tăng 2,1%).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức kiến nghị các cơ quan, bộ ngành cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng quy định về “xử phạt nguội” hoàn toàn tự động, không thực hiện bước xác minh hành vi vi phạm, do thủ tục này gặp nhiều khó khăn. Kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố thí điểm “xử phạt nguội” đối với hành vi vi phạm tải trọng thông qua trạm kiểm tra tải trọng xe tự động theo hướng tập trung xử phạt chủ phương tiện; trường hợp xác định được người điều khiển phương tiện không phải là chủ phương tiện thì xử phạt thêm đối tượng là người điều khiển phương tiện. Phạt nguội ô tô kinh doanh vận tải thông qua hệ thống camera ghi hình và cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình ô tô kinh doanh vận tải.

Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1-2021, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho hay, thành phố xác định mục tiêu tập trung kéo giảm ít nhất 5%-10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương so với năm 2020; kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông; từng bước tạo chuyển biến trong quản lý trật tự đô thị, quản lý và sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2021, TPHCM đã xây dựng 7 nhóm giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc, TNGT. Trong đó, tập trung giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái thông qua việc phát huy hiệu quả của các nhóm phản ứng nhanh. Song song đó, TPHCM tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành giao thông đô thị.

Cụ thể, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân địa bàn thành phố; thực hiện Đề án Thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố; ban hành khung kiến trúc vé điện tử cho hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư mở rộng mạng lưới camera giám sát giao thông trên địa bàn thành phố, triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đầu tư mở rộng hệ thống điều khiển giao thông thích ứng theo thời gian để từng bước nâng cao hiệu quả công tác điều hành, phân luồng nhằm tối ưu hóa dòng giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông... 

Tin cùng chuyên mục