Xuất bản nắm bắt cơ hội để vượt khó

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt các phố sách, cửa hàng sách bị đóng cửa, hội sách bị dời ngày, hủy lịch tổ chức… đã khiến cho việc phát hành sách truyền thống rơi vào khó khăn.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho ngành xuất bản
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho ngành xuất bản

Doanh thu giảm sâu

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến cuối tháng 3-2020, hoạt động xuất bản, thị trường phát hành sách truyền thống dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở 2 thị trường lớn Hà Nội và TPHCM. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng báo cáo của các đơn vị phát hành sách lớn như: FAHASA, Phương Nam, Nhân văn... và các công ty sách, nhà sách tham gia liên kết xuất bản như: Thái Hà book, Nhã Nam... doanh thu giảm khoảng 30%-40% so với cùng kỳ; dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4-2020. Việc hủy Hội sách TPHCM năm nay (định kỳ 2 năm/lần) và nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm khác dự kiến diễn ra trong dịp Ngày sách Việt Nam 21-4 tới đây cũng khiến các nhà làm sách mất nguồn thu lớn. 

Việc Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ cùng nhiều thị trường sách lớn đang căng mình đối phó với dịch, buộc nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng cũng tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền của nhiều đơn vị trong nước, ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung bản thảo. Các hoạt động liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu in xuất bản phẩm cũng gặp khó khăn. 

Bên cạnh đó, chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng của các đơn vị phát hành, công ty sách trở thành gánh nặng lớn trong điều kiện đơn vị sụt giảm hoặc không có doanh thu. Thống kê qua 3 tháng đầu năm, lượng nộp lưu chiểu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của lãnh đạo cục, với quy mô, tiềm lực của toàn ngành còn nhỏ bé, những khó khăn trước mắt do thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp và đặc biệt khó khăn lâu dài khi sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp, hệ lụy từ việc mất việc làm của một bộ phận người lao động trong thời gian tới làm ngành xuất bản, doanh nghiệp phát hành, nhà sách đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc.

Biến thách thức thành cơ hội

Bên cạnh những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 cũng đã xuất hiện những thời cơ mới cho hoạt động xuất bản, nếu biết tận dụng. Theo ghi nhận của Tiki, đơn vị lớn nhất trong hệ thống bán sách online hiện nay, 2 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số đơn vị khác như: Fahasa, Nhã Nam, Thái Hà book đều ghi nhận sự tăng trưởng với mức từ 20%-30%, một số đơn vị như Phương Nam tăng trên 70%. Cùng thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), doanh thu của đơn vị tăng khoảng 20%-30%. 

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học cho biết, trước đây, NXB chưa quan tâm đến phát hành online thì giờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn vị buộc phải chuyển hướng, phát triển mạng lưới bán hàng online của riêng mình nhằm đối phó với sự sụt giảm của thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường sách điện tử cần một thời gian tương đối dài với sự hỗ trợ của Nhà nước. Hàn Quốc cần quãng thời gian 5-7 năm với sự hỗ trợ, kích cầu của Chính phủ qua cơ chế tài trợ giá. Với Việt Nam, sách điện tử chưa được các NXB, nhà sách mặn mà quan tâm. Lý do chính là doanh thu còn thấp, nguy cơ xâm hại bản quyền cao.

Cục Xuất bản đã đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, cục nghiên cứu đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị hoạt động cả trong lĩnh vực xuất bản và phát hành; nghiên cứu các chính sách giảm giá thuê nhà, hỗ trợ vốn vay để sản xuất và trả lương người lao động; chế độ để lại phần lợi nhuận, phần trích nộp ngân sách nhằm tái đầu tư.

Liên quan tới hình thức xuất bản, phát hành trực tuyến, Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên cũng cho rằng, để loại hình này phát triển lấp đi khoảng trống từ phát hành truyền thống, rất cần sự chung tay của các đơn vị mạng viễn thông, như: giảm phí thu từ bán sách điện tử hoặc thay vì giảm thu phí, hỗ trợ cung cấp một số gói quy đổi lợi ích khác. Một số giải pháp lâu dài được đưa ra như: xây dựng luật cơ chế giá sách; đẩy mạnh công tác bảo vệ bản quyền nhằm duy trì động lực phát triển của ngành; tăng cường hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn hành vi bán sách lậu online, đặc biệt là việc phát huy vai trò của các sở và cơ quan liên quan trong phòng chống in lậu. 

Tin cùng chuyên mục