Xuất bản ra “biển lớn”

Xuất bản... chậm chân!
Xuất bản ra “biển lớn”

Những năm gần đây, nhất là từ khi vấn đề bản quyền được thực thi nghiêm túc sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne, WTO… ngành xuất bản Việt Nam đã có nhiều biến động và ngày càng phức tạp. 

Xuất bản... chậm chân!

Các bạn trẻ chọn mua sách ở Nhà sách Fahasa. Ảnh: AN DUNG

Các bạn trẻ chọn mua sách ở Nhà sách Fahasa. Ảnh: AN DUNG

Sự biến động mạnh mẽ của xuất bản đã buộc các cơ quan chức năng quản lý cũng phải có sự thay đổi. Một trong những sự thay đổi rõ ràng nhất là việc mở cửa cho các nhà xuất bản (NXB) chủ động trong kế hoạch xuất bản và chịu trách nhiệm trực tiếp đối với xuất bản phẩm mà điển hình là thông qua Luật Xuất bản 2004.

Sự thay đổi này có mặt tích cực. Số lượng xuất bản phẩm tăng nhanh, chất lượng được cải thiện. Bắt đầu xuất hiện nhiều mô hình nhà xuất bản hoạt động hiệu quả, cập nhật nhanh các nhan đề sách mới của thế giới. Tuy nhiên, chính việc mở cửa cũng là cơ sở làm nảy sinh nhiều vấn đề trong lĩnh vực xuất bản. Từ việc tư nhân lũng đoạn các NXB, đến những sai sót về mặt nội dung khiến nhiều đầu sách bị buộc phải thu hồi đã diễn ra ngày càng nhiều.

Không ít ý kiến cho rằng các NXB trong nước tuy đã được mở rộng hoạt động và có sự thông thoáng nhất định nhưng vẫn còn lúng túng, chậm chân trong quá trình hội nhập. Về vấn đề này, trong hội nghị “Xây dựng mô hình NXB trước yêu cầu mới”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa đã nêu lên 3 khúc mắc cơ bản của các NXB hiện nay là: quan hệ giữa  NXB với cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản; quan hệ giữa các bộ phận kết thành bộ máy trong  NXB và quan hệ giữa các NXB.

Mô hình công ty: Liệu có nhanh nhạy?

3 khúc mắc trên chính là phần gây trở ngại nhất trong việc chuyển đổi mô hình từ đơn vị sự nghiệp có thu qua mô hình công ty TNHH một thành viên. Một mô hình được cho là ưu việt hơn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để các NXB nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng thị trường.

Vấn đề đầu tiên chính là mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và NXB mà yếu tố quan trọng hàng đầu là vốn. Theo quy định của Luật Xuất bản thì cơ quan chủ quản phải cấp vốn ban đầu và đảm bảo các điều kiện cần thiết để NXB hoạt động nhưng không phải cơ quan chủ quản nào cũng đủ khả năng cung cấp vốn. Để có thể tồn tại, các NXB đành phải tự vận động và khó tránh khỏi bị tư nhân lũng đoạn, chi phối.

Luật Xuất bản mới đã góp phần tăng cả chất và lượng sách trên thị trường. Ảnh: T.V.

Luật Xuất bản mới đã góp phần tăng cả chất và lượng sách trên thị trường. Ảnh: T.V.

Một vấn đề khác cũng gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi mô hình là độ chênh của luật. Theo ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản, hiện nay theo Luật Xuất bản, tổng biên tập, giám đốc NXB chịu trách nhiệm về hoạt động của NXB. Nhưng theo Luật Doanh nghiệp thì người chịu trách nhiệm của công ty xuất bản lại phải là Chủ tịch hội đồng quản trị thuộc đơn vị chủ quản của NXB.

Mối quan hệ giữa các NXB cũng trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh mới. Lấy ví dụ như trường hợp sách văn học đang có hàng loạt NXB có cùng chức năng xuất bản như NXB Hội Nhà văn, NXB Văn học, NXB Văn nghệ… đó là chưa kể các NXB địa phương cũng tham gia. Trong bối cảnh đó, việc các NXB không đủ sức cạnh tranh cảm thấy hụt hơi, đuối sức là điều dễ hiểu.

Chính vì thế, việc chuyển đổi mô hình trong tình hình hiện tại đang nhận được những ý kiến trái ngược nhau của chính những người trong cuộc. NXB Hà Nội nằm ngay tại thủ đô đã chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên từ 4 năm trước nhưng thực tế theo lời trần tình của giám đốc NXB thì đó chỉ là sự thay đổi tên gọi, còn thực tế mọi việc vẫn như cũ.

Phía ủng hộ cũng có lý lẽ rất xác đáng. Bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc NXB Trẻ, một trong những đơn vị làm việc khá thành công sau khi chuyển đổi mô hình, nhấn mạnh: “Chỉ có sự chuyển đổi sớm mới có thể tạo nên những NXB nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu thị trường từ đó xây dựng được những NXB vững mạnh”. Ý kiến này cũng được ông Nguyễn Kiểm ủng hộ khi khẳng định: “Nếu lại chuyển các NXB trở lại đơn vị sự nghiệp có thu thì sẽ là một sự thụt lùi trong bối cảnh cả xã hội tiến lên”.

Vai trò của quản lý

Trước mắt để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang mô hình hoạt động có hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự can thiệp sâu rộng của Nhà nước nhằm tái cấu trúc ngành xuất bản. Cũng có lời bàn, Nhà nước cần cấp đủ vốn và cơ sở vật chất để các NXB có điều kiện hoạt động ổn định và hiệu quả. Giải quyết sự chồng chéo giữa Luật Xuất bản và Luật Doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đưa vào nhóm hoạt động văn hóa, mức thuế 10% thay cho 20% hiện nay…

Nhưng không phải các biện pháp trên sẽ giải quyết được hoàn toàn vấn đề phát triển các NXB trong tình hình mới. Hiện nay, có đến 55 NXB là quá nhiều, nhất là trong đó có nhiều NXB hầu như không có cơ sở tài chính, vật chất hay năng lực để tồn tại. Đã đến lúc chỉ duy trì các NXB có năng lực thật sự hoặc tiến hành sáp nhập các NXB với nhau nhằm tăng sức cạnh tranh. Chỉ có như vậy mới có thể xây dựng được một hệ thống các NXB thực sự đủ năng lực “tiến ra biển lớn”, hội nhập xuất bản toàn cầu.

Tường Vy

Cuộc thi sách hình minh họa nổi
Truyện thiếu nhi và sách thời trang đoạt giải nhất

Sáng 14-6, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi “Sản xuất sách hình minh họa nổi 2009” do thư viện tổ chức sau 3 tháng phát động. Mục đích cuộc thi nhằm tìm kiếm và tăng cường vốn tài liệu dành cho người khiếm thị. Đã có 59 tác phẩm gửi về tham dự, chủ yếu là tác phẩm thiếu nhi, với chất liệu làm sách rất phong phú. Đây là những tác phẩm có thể giúp người khiếm thị thông qua xúc giác hình dung được hình ảnh của những tranh vẽ minh họa.

Kết quả: 2 giải nhất là tác phẩm Truyện Sẻ con của đơn vị mái ấm Nhật Hồng và tác phẩm Thời trang (cuốn 1) của cô Nguyễn Thị Hưng, Trung tâm Kỹ thuật Tổng cục Đo lường Chất lượng 3.

T.Vy

Tin cùng chuyên mục