Xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu theo từng lần bán hàng: Băn khoăn trước giờ “G”

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 12-2023, các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải hoàn thành việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Tuy nhiên, giờ “G” đã điểm mà doanh nghiệp xăng dầu vẫn còn nhiều ngổn ngang, băn khoăn trong thực hiện.

Xuất hóa đơn điện tử tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex Petrol, đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xuất hóa đơn điện tử tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex Petrol, đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Doanh nghiệp kêu khó

Qua ghi nhận, băn khoăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến nay vẫn là vấn đề chi phí. Đại diện Công ty CP Xăng dầu và dịch vụ hàng hải STS tính toán, với 20 cửa hàng, mỗi năm doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 11,8 tỷ đồng cho việc tạo lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Công ty đã triển khai từ tháng 8-2023 và dự kiến hoàn thành vào 30-6-2024 cho việc xuất hóa đơn điện tử trong ngày bán hàng. Tuy nhiên, để phát hành hóa đơn điện tử sau khi bán hàng chỉ có thể thực hiện trong ngày, chứ chưa thể thực hiện được yêu cầu “ngay sau khi bán hàng” theo quy định.

Trong khi đó, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai, cho rằng, muốn triển khai hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp tư nhân phải có tài chính, hạ tầng công nghệ số quốc gia tương thích. Do đó cần có lộ trình, thành phố làm trước, nông thôn làm sau, vùng miền núi, hải đảo làm sau cùng. Ước tính, một trạm xăng nhỏ lẻ phải bỏ ra khoảng 70 triệu đồng để đầu tư việc triển khai hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, ông Phụng đặt vấn đề là cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm, hóa đơn do các doanh nghiệp tự đầu tư hay do cơ quan Nhà nước cung cấp và trong trường hợp bị trục trặc kết nối thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) phản ánh, tình hình kinh doanh của công ty đang rất khó khăn, sau 11 tháng lỗ 4,5 tỷ đồng. Để xuất hóa đơn điện tử theo quy định thì mỗi cửa hàng phải đầu tư 400-700 triệu đồng cho phần cứng, chưa kể phần mềm và các chi phí khác.

Tại các cuộc hội họp gần đây liên quan đến xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu theo từng lần bán hàng, các doanh nghiệp tư nhân đã kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ về tài chính cũng như chính sách, xây dựng hạ tầng đồng bộ, tương thích để từng bước thích nghi. Đó là gia hạn thêm thời gian để các nhà cung cấp phần mềm, phần cứng hoàn thiện sản phẩm, hạn chế rủi ro khi phát hành hóa đơn điện tử liên tục. Ngoài ra, đối với khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì cho phép doanh nghiệp xăng dầu được xuất hóa đơn gộp một lần vào cuối ngày để tiết kiệm chi phí, thay vì phải xuất hóa đơn cho tất cả lượt khách hàng.

Sẽ xử lý theo quy định

Việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng được quy định rõ tại Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, kể từ ngày 1-7-2022, tất cả các ngành nghề kinh doanh đều phải chuyển sang hình thức hóa đơn điện tử. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Nghị định 123 quy định thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán hàng.

Hiện trên địa bàn TPHCM có 240 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu với 548 cửa hàng và 4.277 cột bơm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2 doanh nghiệp là Saigon Petro và Petrolimex với 89 cửa hàng đã áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Ngày 22-12 vừa qua, Cục Thuế TPHCM tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp xăng dầu về việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, kết nối doanh nghiệp xăng dầu với các nhà cung cấp giải pháp, dịch vụ hóa đơn điện tử. Trước những băn khoăn của doanh nghiệp về lộ trình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, việc triển khai là bắt buộc, sau tháng 12 doanh nghiệp vẫn không thực hiện thì buộc phải xử lý theo quy định.

Trước băn khoăn về chi phí quá cao, cũng tại buổi tập huấn nói trên, nhiều đơn vị cung cấp giải pháp, dịch vụ hóa đơn điện tử đã đưa ra nhiều gói dịch vụ với giá không cao như doanh nghiệp xăng dầu tính toán. Chẳng hạn, có những gói hóa đơn điện tử chỉ 9.000 đồng/ngày, không kể số lượng hoặc những gói dịch vụ chi phí chỉ 100 đồng/hóa đơn… Với đề xuất của doanh nghiệp về việc xuất hóa đơn gộp một lần cho các trường hợp khách hàng không lấy hóa đơn, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết sẽ tổng hợp và báo cáo lên Tổng cục Thuế, nhưng trước mắt vẫn phải thực hiện theo đúng quy định.

Chia sẻ với những băn khoăn của doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho rằng: “Chúng ta phải đi rồi mới đến được, dù khi đi có thể gặp những trục trặc”. Về chi phí, ông Mai Sơn cho biết nếu doanh nghiệp mua nhiều sẽ có giá từ 20-60 đồng/hóa đơn, ít thì 100 đồng/hóa đơn; càng xã hội hóa thì mức độ cạnh tranh càng lớn, mang lại nhiều lợi ích. Ông Mai Sơn cũng cho biết việc thực hiện hóa đơn điện tử triển khai ở mọi ngành, mọi lĩnh vực; trước khi ban hành đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp và sau khi ban hành cũng đã cho thời gian dài để chuẩn bị. Lãnh đạo Tổng cục Thuế phân tích, xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng mang lại nhiều lợi ích, về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn, giảm chi phí vận hành.

Hiện trên toàn quốc có hơn 17.000 cửa hàng xăng dầu. Đến nay mới chỉ 2 doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng là Petrolimex và Saigon Petro, với trên 2.700 cửa hàng (chiếm khoảng 16% số cửa hàng trên cả nước).

Tin cùng chuyên mục