Xuất khẩu năm 2012: Tận dụng cơ hội với FTA

Xuất khẩu năm 2012: Tận dụng cơ hội với FTA

Ngày 22-12, tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM, gần 100 đại sứ và tham tán, đại diện các cơ quan chức năng và gần 400 doanh nghiệp (DN) của 30 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã về dự hội nghị tham tán thương mại thường niên năm 2011. Đây là dịp để các các bên cùng gặp gỡ, thảo luận các vấn đề còn vướng mắc, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác thị trường ngoài nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2012.

Nhiều khó khăn, lắm cản ngại

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, tính đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2011 đã đạt 96,3 tỷ USD, tăng hơn 33% so với năm 2010; kim ngạch nhập khẩu đạt 105,8 tỷ USD, tăng 24%. Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ của VN được đánh giá cao ở thị trường quốc tế. Việc giá trị xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Để đạt được những thành quả này, các tham tán, cơ quan đại diện VN ở nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng. Họ là những người kết nối sản xuất trong nước với thị trường tiêu thụ ngoài nước, thông qua việc cung cấp thông tin, giúp DN kịp thời nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ở từng thị trường, cũng như kết nối với những hệ thống bán buôn, bán lẻ trên thế giới.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một trong những mặt hàng xuất khẩu của TPHCM được nước ngoài ưa chuộng. Ảnh: CAO THĂNG
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một trong những mặt hàng xuất khẩu của TPHCM được nước ngoài ưa chuộng. Ảnh: CAO THĂNG

Năm 2011 mặc dù kinh tế trong nước và thế giới khó khăn nhưng xuất khẩu VN vẫn gặp nhiều thuận lợi trong việc tăng giá, cộng với sức mua tương đối ổn định. Tuy nhiên, năm 2012, xuất khẩu sẽ trở nên khó khăn hơn vì nhiều nguyên nhân như nợ công gia tăng tại nhiều nước, tình trạng thất nghiệp tăng, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, có kim ngạch cao như Hoa Kỳ, EU… Mặt khác, để bảo hộ sản xuất, đồng thời hướng đến những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, nhiều nước tiếp tục dựng lên ngày càng nhiều các hàng rào kỹ thuật.

Ông Trần Công Thực, Tham tán thương mại VN tại EU, cho biết, năm 2011 kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng 48%, nhiều mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, hàng linh kiện điện tử máy tính… đã được bạn hàng châu Âu chấp nhận.

Nhưng theo ông Thực, năm 2012 EU sẽ thay đổi một số chính sách liên quan đến vấn đề ưu đãi cho các nước đang phát triển, thay vì họ quy định cho những nhóm hàng thì nay họ có thể quy định thị phần hoặc chia nhỏ số lượng hàng xuất khẩu của từng quốc gia vào EU. Với cách làm này, nhiều khả năng một số mặt hàng của VN sẽ bị đẩy ra khỏi danh sách được hưởng quy chế ưu đãi như trước đây. Theo đó, quy định kiểm tra về động thực vật sẽ trở nên gay gắt hơn. Mặt khác, EU cũng đang dự thảo về quy định dán nhãn mác vào sản phẩm nên buộc các DN cần nghiên cứu kỹ hơn về các luật lệ thì mới có thể tăng lượng hàng xuất khẩu vào EU.

Khai thác tốt các ưu đãi thuế quan

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhìn nhận, EU là thị trường đáng quan ngại nhất trong năm 2012 vì những tranh chấp về đồng tiền chung – riêng và từ nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, chỉ riêng ở mặt hàng gạo, VN sẽ gặp khó khăn do giá gạo xuất khẩu đang giảm do Ấn Độ và Myanmar bán rẻ hơn vào EU. Theo đó, EU cam kết nhập khẩu gạo từ Thái Lan, Campuchia nhưng lại chưa ký kết với VN.

Theo ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ,  nước này đang thực hiện đạo luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đây các đạo luật về ATVS là bị động, chạy theo các sự cố đã phát sinh thì đến đạo luật này sẽ chủ động ngăn ngừa từ bên ngoài, bằng cách xây dựng các biện pháp giám sát, truy suất nguồn gốc, lưu trữ hồ sơ, cho phép các cơ quan chức năng được phép thu hồi sản phẩm ngay khi vụ việc xảy ra. Với đạo luật mới này, các DNVN xuất khẩu nông sản phẩm phải đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp đạo luật mới thì mới tránh nguy cơ bị tiêu hủy hoặc trả về.

Thành tích tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc năm 2011 còn có sự đóng góp rất lớn từ các hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương. Nếu các DN khai thác tốt hơn nữa từ việc ưu đãi thuế quan từ các hiệp định, chắc chắn hàng VN sẽ có cơ hội hiện diện nhiều hơn tại thị trường các nước. Đại sứ VN tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn chứng minh, nếu năm 2008 kim ngạch 2 chiều Hàn Quốc – VN đạt 10 tỷ USD, năm 2010 là 13,3 tỷ USD, thì đến năm 2011, kim ngạch vọt lên 18,1 tỷ USD, tăng tới 36,5%. Với đà này, nhiều khả năng năm 2012, kim ngạch 2 chiều sẽ đạt 20 tỷ USD.


THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục