Xuất khẩu tăng trưởng cao ngay từ đầu năm

Xuất khẩu tăng trưởng cao ngay từ đầu năm

Chỉ trong tháng 1-2006, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Những gì các doanh nghiệp đang nỗ lực chuẩn bị cho thấy các hoạt động xuất khẩu sẽ có những bước đột phá mới trong năm nay.

  • Tăng tốc từ đầu năm

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2006, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 960 triệu USD, tăng 18%. Các nhóm hàng xuất khẩu công nghiệp có mức tăng trưởng khá như dầu thô tăng 14% về kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu tăng trưởng cao ngay từ đầu năm ảnh 1

Công ty cổ phần Bánh Lubico sản xuất nhiều loại bánh xuất khẩu qua Nhật Bản, Campuchia. Ảnh: Đ. TH.

Các nhóm hàng nông sản xuất khẩu cũng tăng khá. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM ước đạt 1,069 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 845,8 triệu USD, tăng 43,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 224 triệu USD, tăng 8,3%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực đều khẳng định, hoạt động sản xuất và xuất khẩu được chuẩn bị khá tốt từ những tháng cuối năm 2005 và triển khai nhanh ngay trong những ngày đầu năm 2006. Cụ thể như với ngành dệt may, ngay sau khi được thông báo cấp visa tự động với một số mặt hàng nóng, các doanh nghiệp đều đã ký hợp đồng xuất khẩu lớn, thậm chí vượt cả năng lực sản xuất.

Vấn đề còn lại là năng lực tổ chức thực hiện, nhập khẩu nguyên phụ liệu, triển khai sản xuất và giao hàng nhanh của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, những doanh nghiệp có tiềm lực đều có mức tăng trưởng kim ngạch khá cao ngay trong tháng đầu năm 2006. Các doanh nghiệp May Việt Tiến, Nhà Bè, Phương Đông, Dệt Thành Công, Hà Nội, Phong Phú… đều đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Chỉ riêng May Việt Tiến, trong tháng 1-2006 đã xuất khẩu đạt 5 triệu USD, bằng kim ngạch xuất khẩu của cả quý 1-2005.

Mặt hàng giày dép xuất khẩu sang EU đang phải đối mặt với vụ kiện bán phá giá, dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay nhưng tháng đầu tiên trong năm xuất khẩu khá tốt. Dường như các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu làm quen với các hoạt động ngoại thương quốc tế, chủ động tìm cách lách qua khó khăn bằng cách xuất khẩu các sản phẩm không bị kiện.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác trước đây khó khăn thì nay cũng đã tìm được thị trường xuất khẩu như giấy, bóng đèn, dầu ăn, nước hoa quả… Ông Đặng Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Daso cho biết, nhu cầu đặt hàng nước hoa quả chế biến, nhất là nước dứa, đang tăng rất cao.

  • Xuất khẩu sẽ có bước phát triển mới

Nhiều doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu trong năm nay sẽ có nhiều điểm đột biến. Chắc chắn rằng việc quản lý khai thác tốt hạn ngạch dệt may vào thị trường Mỹ sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tăng cao và hiệu quả. Những nỗ lực của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong việc tái cấu trúc lại tổ chức và hoạt động theo hướng chuyên môn hóa sẽ tạo điều kiện để nhanh chóng có nguyên liệu sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu.

Xuất khẩu tăng trưởng cao ngay từ đầu năm ảnh 2

Trong tháng 1-2006, Công ty Chế tạo động cơ Vinappro đã sản xuất 700 máy xay xát gạo, xuất khẩu qua thị trường các nước ASEAN. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch đầu tư hoàn thiện thiết bị và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng vải nguyên liệu và sản phẩm dệt may xuất khẩu. Ngay trong những ngày giáp Tết Bính Tuất, Tổng Giám đốc Công ty Phong Phú Trần Quang Nghị, đã làm việc với một tập đoàn hàng đầu về dệt vải nguyên liệu của Mỹ, nhằm chuẩn bị các điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vải nguyên liệu cao cấp cung ứng cho các doanh nghiệp may hàng xuất khẩu.

Nhiều dự báo cho thấy, giá cả một số mặt hàng nông sản có thể tiếp tục tăng cao, trong đó mặt hàng cà phê đang có xu hướng tăng, vì vậy cần tổ chức tốt việc thu mua dự trữ và cung ứng thông tin tốt để xuất khẩu mặt hàng này có hiệu quả. Trong năm nay cũng sẽ có một số mặt hàng xuất khẩu mới tăng khá như sản phẩm ngành nhựa, gia công và sản xuất phần mềm.

Các ngành hàng giấy, thuốc lá, dầu ăn, thiết bị cơ khí… sẽ đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Chính phủ cũng đang yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu như tìm kiếm thêm thị trường, tập trung xuất khẩu các mặt hàng đang có lợi thế để tăng kim ngạch xuất khẩu, chuẩn bị các điều kiện để đối phó với các vụ kiện phá giá, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, xây dựng các hệ thống phân phối, đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, xây dựng hệ thống thông tin của Chính phủ và hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai nhanh các ứng dụng trong giao dịch điện tử… cũng sẽ được tập trung triển khai.

Tháng 1-2006: Xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt 152 triệu USD

Bộ Thương mại cho biết, trong tháng 1 vừa qua, giá trị xuất khẩu 25 mặt hàng dệt may quản lý bằng hạn ngạch sang thị trường Hoa Kỳ đã đạt 152 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2005. Một quan chức Bộ Thương mại cho hay, tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt tốc độ cao trong tháng đầu năm là do cơ chế điều hành hạn ngạch năm 2006 đã có một số thay đổi quan trọng.

Đó là việc áp dụng song song hai hình thức cấp hạn ngạch: cấp theo đăng ký ký quỹ/bảo lãnh và cấp visa tự động, nghĩa là thương nhân có thành tích xuất sang Hoa Kỳ năm 2005 được quyền đăng ký ký quỹ/bảo lãnh tối đa 60% thành tích của mình và đồng thời được tham gia sử dụng visa tự động; thương nhân không có thành tích được tham gia cấp visa tự động - tối thiểu 40% tổng nguồn hạn ngạch.

Hiện nay, Bộ Thương mại lưu ý các doanh nghiệp cần chú ý yếu tố về giá gia công khi đàm phán với khách hàng nước ngoài để có mức giá tốt nhất.

VĂN MINH HOA

Tin cùng chuyên mục