Xúc động dự án học Văn qua những cánh thư viết tay của học sinh TPHCM

"Chỉ khi thật sự được chạm vào những góc khuất của cuộc sống, tuổi thanh xuân của các em mới trở nên trọn vẹn và nhiều ý nghĩa"...
Sáng 15-5, tại Hội trường Nhà Thiếu nhi TPHCM, thầy và trò Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đã tổ chức buổi báo cáo dự án "Học Văn từ cuộc sống" với chủ đề "Có thư trên bậu cửa".
Thầy giáo Đỗ Đức Anh, người sáng lập và chủ nhiệm dự án cho biết, với mục đích học văn để học làm người, thầy Đức Anh cùng các cộng sự đã tổ chức cho học sinh tìm hiểu cuộc sống, gặp và phỏng vấn trực tiếp cũng như viết một lá thư tay cho người mà các em ấn tượng, có nhiều tình cảm hoặc ngưỡng mộ.
Đó có thể là một người bạn thân, thầy, cô, bác bảo vệ ở trường hoặc là người thân trong gia đình, người mà các em vô tình gặp trong cuộc sống như chú bán kẹo bông gòn, cô bán trà sữa, bác đánh giày ở vỉa hè...  
Xúc động dự án học Văn qua những cánh thư viết tay của học sinh TPHCM ảnh 1 Thầy giáo Đỗ Đức Anh, người sáng lập và chủ nhiệm dự án "Học văn từ cuộc sống" tại buổi ra mắt sách "Có thư trên bậu cửa".

Trong quá trình tham gia dự án, học sinh sẽ nhận những bài học ý nghĩa từ cuộc sống, có những trải nghiệm thú vị để từ đó cảm nhận được cái hay, cái đẹp của môn văn.

Những bức thư sẽ được bí mật gửi đến cho các nhân vật với tất cả lòng yêu thương, sự trân trọng và tôn quý.

Người sáng lập dự án bày tỏ: "Trải lòng với những người thân yêu những điều khó nói bằng lời, đặc biệt là trải lòng với những người chỉ biết mà không hề quen là điều không dễ dàng. Nhất là trong thời đại công nghệ số, những bức thư tay được xem là cũ kỹ, có phần bị lãng quên. Nhưng thông qua những dòng chữ viết tay đó, người nhận đã cảm nhận được dư vị ngọt ngào rất ý nghĩa".
Nguyễn Trần Tấn Phát, học sinh lớp 11A11 cho biết, so với việc học văn thông qua sách vở, thường không khơi gợi được nhiều cảm xúc thì học văn bằng hình thức thực hiện dự án đã cho em rất nhiều trải nghiệm.
"Nhờ việc được bước chân ra ngoài tìm hiểu thực tế cuộc sống, em mới biết xã hội còn rất nhiều nghề lao động vất vả, những hoàn cảnh sống mà chỉ khi phải đối mặt mới biết được nghị lực sống của con người mạnh mẽ thế nào".
Xúc động dự án học Văn qua những cánh thư viết tay của học sinh TPHCM ảnh 2 Nhân vật Đoàn Ngọc Hải (ngoài cùng bên phải)  - cậu bé mắc hội chứng viêm đa cơ và mẹ xúc động đọc bức thư bày tỏ sự ngưỡng mộ về nghị lực vươn lên trong cuộc sống
Riêng đối với Hồ Xuân Mai, tác giả bức thư gửi đến nhóm hát rong từ thiện ở Sài Gòn, những ngày rong ruổi thực hiện dự án đã giúp em trưởng thành hơn qua những bài học bình dị từ cuộc sống. Chính việc được trải nghiệm, gặp gỡ, phỏng vấn và chia sẻ cùng nhân vật giúp tất cả thành viên tham gia dự án cảm nhận rõ nét hơn những gam màu khác nhau của cuộc sống, từ đó biết trân quý hiện tại và những gì các em đang có.  

Với những lời đề tựa hết sức dễ thương như "Ngài vệ sĩ học đường", "Thợ đánh giày và bầy yêu tinh", "Sư phụ dế mèn" hay "Những siêu nhân dưới ống cống", "Hoa hướng dương không cần mặt trời", ... 50 bức thư viết tay là 50 thanh âm trong trẻo giữa những hối hả của cuộc sống bộn bề.

Đó có thể là tình cảm dành cho bác bảo vệ ngày ngày thầm lặng làm công việc dẫn học sinh băng qua đường, là chú đánh giày bên vỉa hè sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh khốn khó, là sự biết ơn tấm gương thầm lặng hi sinh của những người lính cứu hỏa, hay nguồn cảm hứng vô bờ từ nghị lực vươn lên của những số phận không may khiếm khuyết...

Xúc động dự án học Văn qua những cánh thư viết tay của học sinh TPHCM ảnh 3 Học sinh Thiên Thanh, tác giả bức thư  "Những trái tim nồng nhiệt hơn cả ngọn lửa" giao lưu với một chiến sĩ phòng cháy chữa cháy
Được thực hiện tử 9-2017 đến nay, dự án đã nhận được hàng trăm thư viết tay của học sinh bày tỏ tình cảm với người thân hoặc những người không quen biết. Sau khi tập hợp và tuyển chọn, những người thực hiện đã chọn ra 50 bức thư đại diện cho 50 cung bậc tình cảm khác nhau in thành quyển sách với nhan đề "Có thư trên bậu cửa". Quyển sách đã nhận được sự đón nhận và yêu mến của học sinh nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM. 
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) chia sẻ, quyển sách đã có sức lan tỏa lớn trong giới học sinh, giúp các em bồi đắp tình cảm yêu thương, biết trân quý những nghề lao động vất vả.
"Chỉ khi thật sự được chạm vào những góc khuất của cuộc sống, tuổi thanh xuân của các em mới trở nên trọn vẹn và nhiều ý nghĩa", thầy Huỳnh Thanh Phú bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục