Báo SGGP tổ chức tọa đàm

Xúc tiến thương mại – kinh nghiệm thực tiễn và những kiến nghị

Xúc tiến thương mại – kinh nghiệm thực tiễn và những kiến nghị

Sáng 8-11, tại Hội trường Hội Nhà báo TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp (CLB DN) do báo tổ chức.

Xúc tiến thương mại – kinh nghiệm thực tiễn và những kiến nghị ảnh 1
Dây chuyền may áo sơ mi xuất  khẩu ở Công ty may Việt Tiến.

Đồng chí Phan Xuân Biên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM đã đến dự và hoan nghênh báo Đảng đã mạnh dạn hình thành CLB DN, tạo nên một kênh thông tin cần thiết, giúp các nhà quản lý nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng cũng như những vấn đề bức xúc của DN để hoạch định chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Nhưng trên hết, thông qua các hoạt động của CLB DN sẽ giúp các nhà báo hiểu rõ hơn, đồng cảm hơn với doanh nghiệp, từ đó có những thông tin đúng mực và chính xác. Điều này rất cần thiết trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn trong tiến trình hội nhập. Các DN tham gia trong CLB mong muốn Báo SGGP cần có mục “ý kiến doanh nghiệp” để họ có chỗ thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề thời sự.

Ngay trong buổi ra mắt, CLB DN đã tổ chức buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề xúc tiến thương mại - đầu tư. Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM Trần Du Lịch đã đặt ra khá nhiều vấn đề trong công tác xúc tiến thương mại - đầu tư hiện nay vì sao chưa hiệu quả. Theo ông Trần Du Lịch, cần phải có những hoạt động xúc tiến theo hướng chuyên nghiệp, được thực hiện bởi nhiều tổ chức khác nhau.

Điều mà ông băn khoăn hiện nay là các doanh nghiệp ra nước ngoài thực hiện công tác xúc tiến lại không biết, không hình dung được đối tác, đối thủ của mình là ai vì thiếu thông tin. Đặc biệt trong công tác xúc tiến thương mại - đầu tư cần phân định rõ nhiệm vụ vai trò của nhà nước phải làm gì, doanh nghiệp cần làm gì.

Với kinh nghiệm của một thương hiệu đã được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng từ nhiều năm, ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Công ty Dệt Phong Phú chia sẻ: Với Phong Phú, xúc tiến thương mại còn được gói gọn trong “4 năng”: Khả năng cạnh tranh nội địa; năng động trong kế hoạch hợp tác trong và ngoài ngành; kỹ năng làm xúc tiến và năng nhặt chặt bị, tức DN không nên chê những hợp đồng có giá trị nhỏ vì đây chính là những DN có khả năng phát triển trong tương lai.

Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Công ty May Việt Tiến còn cho rằng, hiện nay chi phí để làm công tác xúc tiến chỉ dừng ở mức 10% trên tổng doanh thu là quá thấp. Quy định này đã “trói” các DN không thể đầu tư, phát triển thương hiệu của mình trong cộng đồng, nhất là tiến trình gia nhập WTO đang tới rất gần…Bên cạnh đó, công tác tổ chức các hội chợ cũng cần phải xem lại. Theo Việt Tiến, hầu hết các DN tham gia hội chợ mới chỉ nhắm vào doanh thu được bao nhiêu, còn đơn vị tổ chức hội chợ mới chỉ dừng ở mức cho thuê mặt bằng. Khâu kết nối của nhà tổ chức hội chợ với các đối tác trong và ngoài nước vẫn đang bị bỏ ngỏ….

Kết thúc buổi tọa đàm, thay mặt Ban biên tập, Phó Tổng biên tập báo SGGP Võ Hồng Sơn cảm ơn sự tham gia của các đại biểu, các DN trong buổi lễ ra mắt CLB DN. Xúc tiến thương mại là một vấn đề nóng bỏng, được nhiều DN quan tâm, do vậy những kinh nghiệm, băn khoăn của các DN sẽ được ghi nhận và đăng tải trong các số báo tới.

TH.L. - TH.H.

Tin cùng chuyên mục