Xung đột Nga - Ukraine gây khó ngành du lịch

Theo mạng thông tin chuyên ngành L’Écho Touristique của Pháp, các công ty lữ hành ở châu Âu chuyên tổ chức các chuyến đi đến Nga đang gặp khó khăn do cuộc xung đột tại Ukraine. 
Saint Petersburg, một điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích
Saint Petersburg, một điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích

Tại Pháp, hiện có khoảng 30 công ty du lịch chuyên khai thác thị trường Nga và các nước Đông Âu. Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ kéo theo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, hầu hết các tour đi Nga lần lượt bị hủy bỏ. Theo nghiệp đoàn các công ty lữ hành SETO, từ trung tuần tháng 3 cho tới ngày 7-4, các công ty du lịch Pháp buộc phải hồi hương tất cả hành khách đang đi tour tại chỗ, đồng thời hủy bỏ việc tổ chức các chuyến tham quan cho tới khi có thông báo mới. Các công ty lữ hành Pháp lâm vào thế kẹt, khi cùng lúc có nhiều khách đòi bồi hoàn tiền, trong khi các công ty này đã phải thanh toán trước các khoản đặt cọc với bên Nga. Bên cạnh đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng Nga. Đối với một số công ty lữ hành như Pouchkine Tours hay Tsar Voyages, với hơn 80% doanh thu hàng năm nhờ tổ chức các tour du lịch tại Nga, chiến sự tại Ukraine là một cú sốc rất mạnh khiến các doanh nghiệp này điêu đứng. 

Có thể nói, ngành du lịch đang nín thở theo dõi các diễn biến hàng ngày tại Ukraine, không chỉ riêng ở châu Âu mà ngay cả tại Bắc Mỹ. Theo Công ty CAA Travel có nhiều chi nhánh trên lãnh thổ Canada, du khách Bắc Mỹ thường thích đi tham quan châu Âu vào mùa hè. Trong số này, nhiều khách thích đi thăm các nước vùng Baltic bằng du thuyền trên biển, với chặng dừng không thể thiếu là TP Saint Petersburg của Nga. Mặc dù các chuyến tham quan này diễn ra vào mùa hè, nhưng chiến sự tại Ukraine đang khiến cho nhiều tour du thuyền bị hủy bỏ.  Sở dĩ khách hủy bỏ ngay từ bây giờ các tour du thuyền dự trù diễn ra vào mùa hè 2022 vì theo hợp đồng, việc hủy bỏ tour trước đầu tháng 4-2022 không bị tính thêm phí. Một số khác duy trì các tour châu Âu nhưng chuyển hướng sang các nước miền Nam châu Âu, như Italy, Hy Lạp, Malta, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. 

Nhìn chung, dù các công ty lữ hành có cố gắng trấn an cách mấy, họ vẫn khó giảm bớt được nỗi lo nơi khách hàng. Chính nỗi bồn chồn ấy đang tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch. Nếu số khách đặt tour hay mua vé máy bay giảm mạnh, các nhà khai thác tour cũng như các hãng hàng không dân sự đành phải giảm một số chuyến bay. 

Giá vé máy bay cũng bắt đầu tăng lên theo giá xăng dầu trên thị trường toàn cầu. Ông Eamonn Brennan, Giám đốc điều hành Cơ quan châu Âu về An toàn hàng không (EuroControl), từng lưu ý giá nhiên liệu động cơ phản lực đã tăng 33% chỉ trong 1 tuần (tính từ ngày 3-3 đến 10-3) và các ngày sau đó vẫn đang trên đà đi lên. Theo mạng thông tin Air Journal, xung đột tại Ukraine đang buộc các hãng hàng không dân sự tăng các khoản phụ phí nhiên liệu. Việc ra lệnh đóng cửa không phận Nga cũng buộc các công ty hàng không phương Tây cũng như châu Á phải bay vòng, đường bay dài hơn, và vì thế tốn kém hơn. Trước mắt, các công ty như Emirates ở Dubai, Japan Airlines hay All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản, cùng một số hãng hàng không Trung Quốc, đều tính thêm các khoản phụ phí nhiên liệu trên giá vé.

Tin cùng chuyên mục