Xuống biển Đồ Sơn bàn văn học

Sau hội thảo trên núi (Tam Đảo – 2002), nay lại hội thảo dưới biển (Đồ Sơn – 2006); Hội thảo Lý luận- phê bình văn học do 5 cơ quan đứng tên tổ chức (Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa-Thông tin, Liên hiệp Các hội VH-NT, Hội Nhà văn VN, Hội Văn nghệ Hải Phòng), chủ yếu do Hội Nhà văn VN lo liệu và điều hành. 300 đại biểu và khá nhiều báo, đài đã tham dự.

Buổi hội thảo vắng mặt khá nhiều nhà lý luận – phê bình quen biết, vì nhiều lý do: Hà Minh Đức, Trần Đình Sử, Phương Lựu, Phan Cự Đệ, Trần Thanh Đạm, Phan Hồng Giang, Lê Quang Trang, Vương Trí Nhàn, Dương Trọng Dật, Hoàng Ngọc Hiếu, Phạm Vĩnh Cư, Trương Đăng Dung, Phan Trọng Thưởng, Vũ Tuấn Anh… Hơn 60 tham luận đã được gởi tới hội thảo, dù là hội thảo được tổ chức và thông báo trong một thời gian rất gấp. Tuy thế, hội thảo trong một ngày rưỡi (4 và sáng 5-10) cũng diễn ra khá sôi nổi.

Thực ra thì hội thảo này cũng như hội thảo Tam Đảo lần trước, là một hội thảo về văn chương, văn hóa, chính trị-xã hội…, chứ ít có tính chất chuyên về lý luận – phê bình.

Chủ đề chính được hội thảo quan tâm và đề cập là: tự do sáng tác, tự do –dân chủ, quy chế luật pháp về việc cấm sách lưu hành, việc tổ chức hội “độc quyền” và vai trò của nó; các vụ việc văn học đã xảy ra trong quá khứ… Các tham luận của Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Quốc Hải, Hoàng Hưng, Từ Sơn, Bùi Ngọc Tấn, Ngô Thảo, Nguyễn Xuân Khánh… đề cập gần hoặc xa vấn đề này. Lại Nguyên Ân cho rằng “có thể xét phê bình văn nghệ trong tương quan với đời sống xã hội và đó là một loại hình văn hóa- xã hội.

Quy chế phê bình văn nghệ hiện nay nằm trong quy chế của chủ nghĩa xã hội cổ điển. Thời gian 1987-1988, phê bình vượt khỏi chính nó, luận bàn đủ thứ và trở thành chính luận. Nhưng “mùa xuân Hà Nội” còn ngắn ngủi hơn “mùa xuân Bắc Kinh”. Phê bình diễn ra trong cái chật hẹp, lỗi thời của độc tôn ý thức hệ, và đó là phê bình quyền uy và xu phụ trong một xã hội đơn cực. Phê bình văn nghệ phải nhờ vào “xã hội dân sự” mà lãnh đạo không khuyến khích.

Trong khi đó lại sính bằng cấp, quan liêu hóa của giới nghiên cứu, giới đại học; coi thường lý thuyết và thông tin là chân không. Về hội, thì duy nhất có một hội; bởi vì đặc điểm của xã hội là độc quyền và hội này đồng thời như một cơ quan có thẩm quyền - như C. Ianốt (Hungari) nói.

Các nhà xuất bản giữ quyền độc quyền bán sỉ và bán lẻ trong việc mua bán giấy phép, đời sống văn học, mỹ thuật, âm nhạc… nằm ngoài các tổ chức đó. Những khoản đầu tư lớn và nhỏ từ kinh phí nhà nước thành cho không, biếu không, hành xử theo thói cầu an. Đây là sự quá thời của hội độc quyền và sản phẩm của nó. Phải đưa về “xã hội dân sự” để phê bình văn nghệ có vai trò nâng bậc mình lên…”.

Có thể nói đây là những lập luận tiêu biểu cho nhiều tham luận về chủ đề “tự do”. Các tham luận khác cùng chủ đề, được đề cập bao quát hơn hoặc cụ thể vụ việc hơn, nhưng cũng cùng chung một ý. Chẳng hạn, Hoàng Hưng đòi phải tổ chức những phiên tòa để xử vụ cấm các cuốn sách lưu hành. Bùi Ngọc Tấn, tác giả “Chuyện kể năm 2000” đồng tình hoàn toàn với các ý kiến nêu vụ việc của mình và cho rằng không nên cấm để rồi sách được in lậu, lên mạng, ra nước ngoài…

Nhưng có một luồng ý kiến khác cũng khá đông, trong phát biểu của mình tại hội thảo, tỏ ra không đồng tình với các ý kiến nêu trên.

Đó là các ý kiến của Hữu Thỉnh, Hữu Đạt, Nguyễn Hòa, Bùi Bình Thi… Nổi bật nhất (vì gánh “trọng trách”) là Hữu Thỉnh. Trong lời Đề dẫn cũng như kết luận của hội thảo, nhà thơ này tỏ ra nắm chắc các vấn đề đặt ra trong lý luận và sáng tác.

Trả lời lại hầu như tất cả những vấn đề chính yếu đặt ra của trường phái đòi “tự do – dân chủ”, ông Hữu Thỉnh nhấn mạnh rằng chính Đại hội X của Đảng đã ghi trong Báo cáo chính trị của mình điều khoản bảo đảm quyền tự do sáng tác cho văn nghệ sĩ.

Nhưng bao giờ tự do sáng tác cũng nằm trong “nghĩa vụ công dân”; nằm trong những điều kiện nhất định của hoàn cảnh và lịch sử “Tự do” là khôn cùng và không phải chỉ biết “tự do tuyệt đối” đẻ ra sáng tác hay và lớn.

Ông cho biết, bà Anna, một nhà thơ nổi tiếng của Romanie, sang thăm Việt Nam (bà là một người “chống đối” và hiện là viện sĩ Viện Hàn lâm thơ thế giới, thơ tình của bà rất hay và đã có dịch sang tiếng Việt và nhiều thứ tiếng), đã nhận xét là VN cải cách kinh tế trước, rồi cải cách chính trị sau là đúng; không như nước bà.

Mặt khác, trước kia bà có bị hạn chế về tự do, nhưng thơ bà có độc giả và được đọc trên thế giới, ngày nay thừa thải tự do thì lại ít người đọc… Hóa ra, vấn đề chính là tài năng, tâm huyết, và như một tham luận nói: Thiên tài là nơi nhiều cơ duyên họp lại và sáng tạo là một việc phi thường.

Hiện nay, cũng chưa thể nói là đã đủ hoàn toàn các điều kiện cho tự do sáng tác, nhưng một chân trời tự do rộng lớn đã mở ra ngày càng bao la, nhưng tác phẩm hay chưa có nhiều.

Nhà phê bình Nguyễn Hòa thì cho rằng “Chuyện kể năm 2000” đến bây giờ in ra cũng không có mấy bạn đọc. Còn theo nhà văn Hữu Đạt, cái hiện đại được du nhập nhưng không tính đến hoàn cảnh xã hội – lịch sử, đồng thời có nguy cơ bỏ mất cả thành tựu đã đạt được.

Các cơ quan báo chí giữ an toàn cá nhân và “cái ghế” là cách xử lý bài vở của báo, đài. Phê bình báo chí 20 năm qua có tạo nên một sự thay đổi. Tuy nhiên, thiếu phê bình chuyên nghiệp, phê bình tụt hậu so với thế giới, so với chính mình.

Nó trở nên lung tung, không đáp ứng được biên độ thông thường… Nguyễn Đăng Mạnh, trong “Mấy ý kiến về tình hình phê bình văn học hiện nay”, cho rằng nó đang “xuống cấp” và phải tìm cách giải quyết.

Đã có 4 thế hệ đã đi qua trong phê bình và có 3 điều kiện để trở thành nhà phê bình: 1/ Có tài trong văn chương nghệ thuật. 2/ Thông thạo các lý thuyết thời đại mình. 3/ Phải có tư tưởng - ở đây không phải tư tưởng chính trị mà là yêu ghét của mình trở thành tư tưởng. Phải lao động, đọc nhiều, đọc kỹ, nắm được cái thần tác phẩm. Trước kia ý thức cộng đồng lấn át, nay cá nhân lấn át, ai cũng muốn khẳng định cá nhân mình, nhưng không nên đối lập với cộng đồng. Bởi vì tự cá nhân không thôi sẽ không có gì hết.

Nhà văn Vũ Hạnh từ TPHCM ra Đồ Sơn vào ngay chiều hôm trước hội thảo, đã trình bày tham luận về vấn đề bi kịch văn hóa – thảm kịch văn hóa – xâm lăng văn hóa.

Theo ông, xã hội Việt Nam đang đương đầu với một bi kịch văn hóa: từ suy thoái đạo đức, tham nhũng, giáo dục - khoa học trì trệ, xuống cấp; văn chương xuất bản do các “đầu nậu” nắm, chỉ in cái gì bán chạy có lời (in lại hầu hết các cuốn sách (trừ chống cộng) ở miền Nam thời trước). Nhà nước nên đầu tư thích đáng cho nền văn học, cho nhà văn, cho tác phẩm văn chương chân chính… thay vì chi hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ đồng vào những việc lãng phí, thất thoát, tham nhũng hoặc vô bổ. Văn hóa ngoại lai đang xâm nhập, và đi liền với văn hóa là những âm mưu chính trị, vi phạm chủ quyền độc lập của đất nước.

Nguyễn Hữu Nhàn (Phú Thọ), nhà văn chuyên viết về nông thôn có một tham luận khá hay, cụ thể và xúc động và nông thôn. Thật và dối. Đề cập những vấn đề bức xúc ở nông thôn, ông nói, nông dân vẫn chiếm 80% dân, đề tài nông thôn, nông dân rất quan trọng.

Nhưng văn học ta giờ có mấy ai viết nông thôn nữa không. Nông thôn đang đầy biến động. Đền bù có 10.000 đồng/m2 mà ra hàng triệu đồng, nông dân mất đất, mua xe, ăn nhậu rồi tay không? Viết về chống Pháp chống Mỹ chặng trước còn dễ viết hơn nông thôn bây giờ. Tuy đổi mới có 20 năm, có thành tựu lớn nhưng sự phân hóa là rất lớn.

Nguyễn Khắc Phê bàn về việc đừng giáo điều trói mình vào các phạm trù lý luận (chủ nghĩa) và phương pháp trong văn học.

Lâm Tiến nói về văn học các dân tộc thiểu số, thành tựu và tồn tại. Insaraxa nói về thơ, những biến đổi và triển vọng của thơ, các kiến thức mới về thơ cần giảng dạy trong nhà trường.

Nhưng “ngàn lời dẫu nói chẳng bao nhiêu”. Hội thảo chỉ xới ra rồi để đó, chờ hội thảo và hội thảo tiếp. Xem ra ở ta cũng như thế giới chưa nghĩ ra cách nào tốt hơn cách hội thảo thế này. Nó có tác dụng kích thích phong trào, thêm bề rộng và là dịp để công luận chú ý trong thoáng chốc. Các công việc thực sự thì có khi phải có người làm thật, làm chuyên, chân thành, say mê, tài năng…

Cho nên, diễn đàn Đồ Sơn nghiêng về những vấn đề chung “bản thể luận của văn học, nghiêng về xã hội – chính trị, ích thì cũng có ích, nhưng còn xa lắm, xa lắm để đi đến một cái gì thiết thực, mở đường, hứa hẹn…  

ĐOÀN NÙNG (tường thuật)

Tin cùng chuyên mục