- Dừng phát hành bảo hiểm y tế tự nguyện là trái quy định của nhà nước
Vào khoảng cuối năm 2005 trở lại đây, loại hình bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện đang nóng lên xung quanh việc mất cân đối giữa thu và chi của quỹ. Để giải quyết biện pháp có tính chất tình thế nhất thời, BHXH Việt Nam đã hai lần điều chỉnh nâng mệnh giá mua thẻ cao dần, nhưng bài toán nguy cơ vỡ quỹ vẫn treo lơ lửng trên đầu khiến cơ quan quản lý lúng túng, bị động về nguồn tài chính phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho đối tượng.
Trước thực trạng đó, ngày 5-1-2007 BHXH Việt Nam đã chỉ đạo hệ thống BHXH các địa phương, yêu cầu tạm dừng việc triển khai thu phí BHYT và phát hành thẻ BHYT tự nguyện cho các đối tượng mới tham gia lần đầu.
Thế là người dân muốn tham gia BHYT tự nguyện (trừ trường hợp tái tục) đành phải chờ đợi mà chẳng biết đến bao giờ, vì được biết hiện tại BHXH Việt Nam đang dự kiến trình cơ quan chức năng thay đổi một số nội dung của Thông tư liên tịch số 22/2005/TTLT-BYT-BTC ngày 24-8-2005 của Liên Bộ Y tế – Tài chính “Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện”, theo đó chủ yếu đề nghị tăng mức phí và thu hẹp chi phí thanh toán trong một số trường hợp bệnh nhân sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn như công luận đã phản ánh thời gian qua.
Tìm giải pháp để vừa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho cộng đồng, vừa đảm bảo an toàn nguồn quỹ là hết sức cần thiết, nhưng không thể sốt ruột bội chi mà ngừng thực hiện BHYT tự nguyện bởi hoàn toàn trái với quy định của pháp luật, vì Thông tư số 22/2005/TTLT-BYT-BTC đương nhiên vẫn còn hiệu lực thi hành, BHXH Việt Nam không thể tự ý cắt giảm bất cứ yếu tố nào .
Chúng tôi đề nghị trong khi chờ đợi Liên bộ Y tế – Tài chính có văn bản chính thức bổ sung, sửa đổi Thông tư số 22/2005/TTLT-BYT-BTC, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải tiếp tục cho nhân dân tham gia BHYT tự nguyện, bởi đó là chính sách xã hội lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược mở rộng các loại hình BHYT tự nguyện, tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2010 như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra.
NGỌC TRANG (Lâm Đồng)
- Đào tạo nghề luật sư
Nên chăng phải thay đổi?
Mới đây, Bộ Tư pháp và Đoàn luật sư TPHCM vừa tổ chức buổi tọa đàm về việc đào tạo nghề luật sư (LS), trong đó đề cập đến một vấn đề tranh cãi là nên giao cho Học viện Tư pháp hay các Đoàn LS đào tạo. Chúng tôi xin đóng góp ý kiến là cần thiết nên thay đổi hình thức đào tạo, cũng như cơ quan đào tạo.
Hình thức đào tạo hiện nay rút ngắn xuống còn sáu tháng, học tập trung và chủ yếu về lý thuyết. Trong đó một số môn đã được đào tạo khá bài bản ở chương trình đào tạo cử nhân luật. Như vậy, có thể nói trong sáu tháng, được đào tạo không nhiều về kỹ năng hành nghề, chất lượng đào tạo có thể nói là thấp... để có chứng chỉ hành nghể LS xem ra chỉ đáp ứng yêu cầu…bằng cấp mà thôi.
Đã có rất nhiều ý kiến liên quan đến chất lượng đào tạo từ Học viện Tư pháp các khóa đầu tiên, các khóa gần đây cố gắng nâng cao, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tế, lẫn thu hút học viên. Rất nhiều người tham gia khóa học thừa nhận là vì muốn lấy chứng chỉ nên phải cố mà đến lớp, chứ những môn học hoặc không phù hợp với công việc hằng ngày, hoặc là quá nặng về… lý luận.
Các khóa trước quản lý lỏng lẻo nên tình trạng học viên không đến lớp, thuê người học thay, thậm chí là “thoả thuận” với cán bộ điểm danh để không bị đánh vắng mặt đã khiến cho chất lượng đào tạo chỉ mang tính hình thức.
Chúng tôi có thể đồng tình Học viện Tư pháp là nơi cấp chứng chỉ, còn đơn vị đào tạo nên giao cho các Đoàn LS, thậm chí là các văn phòng, công ty luật. Bởi đây chính là nơi thẩm định tốt nhất, đào tạo tốt nhất các kỹ năng hành nghề của LS. Sau một thời gian (không cần quy định là 18 tháng như hiện nay), người chịu trách nhiệm cao nhất nơi LS đang tập sự chỉ cần gửi bản đánh giá, thẩm định cho Bộ Tư pháp.
Sau đó, Học viện Tư pháp chỉ cần tổ chức các kỳ thi sát hạch một cách chất lượng, minh bạch, công khai. Nếu đạt yêu cầu thì cấp chứng chỉ hành nghề LS. Việc tổ chức các kỳ thi này không nên quy về hai đầu mối Hà Nội và TPHCM mà có thể tổ chức theo khu vực, vừa tiết kiệm thời gian, tiền của, lại vừa đảm bảo chất lượng LS để đáp ứng nhu cầu của hội nhập quốc tế.
NGỌC LỮ