Ý thức công dân

Ý thức công dân

Chúng ta ai cũng hiểu rằng xã hội nào cũng vậy, phương thức sản xuất nào đi nữa thì yếu tố con người vẫn là quyết định. Con người không chỉ là về trí tuệ khoa học kỹ thuật, mà một điều cực kỳ quan trọng là ý thức công dân. Nhiều công dân có ý thức tốt thì xã hội đó sẽ tốt và đáng sống. Ý thức công dân trở thành đạo đức con người, đạo đức xã hội. Đây là vấn đề rất rộng lớn. Trong bài này người viết chỉ muốn đề cập đến hai vấn đề đang “nóng” hiện nay, đó là giữ vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Cứ sau những đợt nghỉ lễ, từ dưới biển đến các vùng rừng núi tới các công viên ngay trong các đô thị … rác rưởi đủ thứ tràn ngập, cây cỏ tả tơi. Vũng Tàu, Nha Trang, Đồ Sơn, Sầm Sơn là những bãi biển đẹp, thế mà sau những kỳ nghỉ xả hơi thì luôn ở trong tình trạng “người đi rồi, rác ở lại”. Người ta xả rác vô tội vạ và bãi biển trở thành bãi rác. Có người nghĩ rằng sóng biển sẽ cuốn đi, họ cho rằng cứ xả đi sẽ có người dọn dẹp... Tại Vũng Tàu, vừa qua chính quyền thành phố đã có những biện pháp kiên quyết để ngăn chặn tình trạng này nhưng rồi cũng chỉ giảm chút ít.

Minh họa: P.S

Tết vừa rồi, sau đêm bắn pháo hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm các bồn hoa tại công viên Lý Thái Tổ “tan tành mây khói”. Người ta vô tư giẫm đạp, xéo nát, thậm chí còn thi nhau hái cành, nhổ gốc mang về chưng ở nhà mình. Nơi tôn nghiêm như ngôi chùa ở núi Yên Tử rác thải đầy nơi tiền sảnh.

Một vấn nạn nữa đang ảnh hưởng lớn đến sự an toàn cuộc sống của con người hiện nay là an toàn vệ sinh thực phẩm. Ra chợ bây giờ mua mớ rau, trái cây, miếng thịt cứ lo ngay ngáy vì chất bảo quản, chất tăng trọng, chất độc… thử hỏi còn gì là ngon miệng nữa (?). Ý thức công dân ở đây không những xấu xí mà hết sức nguy hiểm. Người ta biết thừa rằng việc bảo quản trái cây, thịt cá, chăn nuôi gia súc… bằng các hóa chất độc hại là một tội ác và hoàn toàn không nên, nhưng vì lợi nhuận người ta vẫn cứ làm. Tại sao vậy?

Tôi nhớ lần đầu tiên sang Hà Lan học tập. Tôi ngạc nhiên trước vẻ đẹp của những vườn hoa tulip đủ màu sặc sỡ, những vườn hồng với những đóa hoa thật to và ngát hương tại các công viên, thậm chí ngay bên vệ đường… nhưng không một ai hái một bông nào. Nếu có bông hoa nào bị gục xuống người ta còn cúi xuống nâng lên nhẹ nhàng. Một buổi chiều mùa đông, khi tôi đang đứng trước cổng Đại học Quốc gia Utrectch, một loạt chim cu gáy sà xuống đỗ vào các cành cây trụi lá, con nào con ấy tròn quay. Chim dạn dĩ và thân thiện với con người, bạn có thể với tay vào người chúng được. Anh bạn tôi bảo: “Mọi người luôn bảo vệ lũ chim này, bây giờ có ai mà bắn một con, mọi người xung quanh và báo chí sẽ không để yên”. Những ngày sau đó tôi quan sát thấy rất nhiều túi lưới nhỏ bằng cỡ nắm tay đựng thức ăn như đậu, đậu phộng, vừng, kê, thậm chí có cả thóc gạo từ châu Á, châu Phi nhập về treo đầy vườn cho chim ăn, làm tổ cho chim ở và sinh sản, càng nhiều chim chóc đến vườn nhà mình thì họ coi đó là niềm hạnh phúc.

Đi về phía những vùng đất thấp (Hà Lan có nhiều vùng đất thấp hơn mặt nước biển) rất nhiều loài chim chóc và thú nhỏ sinh sống. Những đàn vịt trời le le hàng ngàn con núc ních vui đùa, cuộc sống của chúng thật bình yên. Tôi không hề thấy một tay súng nào lảng vảng ở những nơi này. Ngay giữa thủ đô Amsterdam những dòng kênh nước trong veo đưa du khách ngược xuôi mát rượi. Tôi cứ mơ ước giá mà sông Tô Lịch (Hà Nội), kênh Thị Nghè (TPHCM) cũng được như thế này… Tại các nước cận kề mình như Singapore, Malaysia… nhiều nơi cũng đã có môi trường thật thân thiện bởi con người rất có ý thức như vậy.

Vậy thì tại sao chúng ta lại phải đi sau họ? Có người biện bạch: “Tại chúng ta là một đất nước đi lên từ hơn 95% là nông nghiệp…”. Tôi không đồng ý về quan điểm này. Đừng đổ tội cho người nông nghiệp. Chúng ta thiếu văn hóa? Không phải! Chúng ta có một nền văn hóa truyền thống tốt đẹp và đang được chăm lo tốt. Vì chúng ta nghèo? Cũng không phải, rất nhiều “cậu ấm cô chiêu” con nhà giàu sinh hoạt cẩu thả, coi thường việc chấp hành vệ sinh môi trường trong các cuộc du hí và không ít người giàu có vì lợi nhuận đã bất chấp các việc làm có hại cho cộng đồng bởi nạn thực phẩm bẩn. Vậy thì tại sao? Có phải bởi một điều rất cơ bản là thiếu Ý THỨC CÔNG DÂN của một bộ phận không nhỏ trong chúng ta?

Một xã hội tốt đẹp không chỉ là có kinh tế phát triển, chính trị ổn định mà phải có một ý thức công dân tốt để xây dựng một nền văn hóa văn minh vì cộng đồng lành mạnh, hạnh phúc vì đất nước phát triển bền vững.

Hoàng Thạch

Tin cùng chuyên mục