Đề văn về tiềm lực kinh tế: TS Hà Nội than “lệch tủ”, TS TPHCM rạng rỡ ra về

Sáng 25-6, thí sinh trên cả nước đã hoàn thành môn thi Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong khi nhiều thí sinh tại Hà Nội nhận định đề thi năm nay khá khó; "lệch tủ" thì nhiều thí sinh tại TPHCM rạng rỡ ra về sau 2/3 thời gian thi.

Tại Hà Nội, thí sinh  Nguyễn Minh Long, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho rằng, dù là học sinh chuyên Sử nhưng rất lạc quan với môn Ngữ Văn. Thí sinh tự chấm được 6-7 điểm dù đề thi nằm ngoài dự đoán của em. “Nhưng em vẫn rất lạc quan, vì dù không ôn trúng tủ nhưng đều là những tác phẩm hay của chương trình văn phổ thông" - Nguyễn Minh Long cho hay.

Với câu hỏi về đoạn trích “Đánh thức tiềm lực” cũng như yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay, thí sinh Nguyễn Minh Long cho rằng đó là một câu hỏi hay, sát với thời sự, với thực tế hiện nay, đánh thức được suy nghĩ của thể hệ trẻ. “Em thích đề văn này, dù với em là hơi khó”, thí sinh Long nhận xét.

Đề văn về tiềm lực kinh tế: TS Hà Nội than “lệch tủ”, TS TPHCM rạng rỡ ra về ảnh 1 Thí sinh Nguyễn Minh Long (Hà Nội) trao đổi với bạn sau buổi thi Văn. Ảnh: PHAN THẢO
Thí sinh Nguyễn Thanh Hảo, trường THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội thì cho rằng, đề ra vừa sức, không đánh đố học sinh, thú vị nhất là nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh viết khoảng 200 chữ nêu ý kiến bản thân về việc phát triển tiềm lực của đất nước.  Với câu hỏi này, thí sinh sẽ phải suy nghĩ đến vấn đề tiềm lực tự nhiên của đất nước và việc đánh thức tiềm lực ấy. Sự trăn trở về việc đánh thức tiềm lực quốc gia và khai thác có hiệu quả những nguồn lực đó. Nhắc nhở mỗi cá nhân tự vấn, tự hỏi về sự  đối lập giữa cuộc sống hiện tại còn nghèo khó và sự giàu có của tài nguyên đất nước.

Nhiều thí sinh ở trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội cho rằng do đã được thầy cô giáo ôn tập kỹ bài Chiếc thuyền ngoài xa Hai đứa trẻ, đặc biệt là dạng đề so sánh nên các em làm tương đối tốt.

Tuy nhiên, cũng nhiều thí sinh nói rằng mình “bị lệch tủ”, do không hề ôn tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
* Tại TPHCM, kết thúc giờ làm bài môn Ngữ văn, môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ghi nhận chung cho thấy có rất đông thí sinh nộp bài sớm ra về khi mới kết thúc 2/3 giờ làm bài. Nhìn chung, các em đều rạng rỡ, tươi cười vì cho rằng đề thi môn Văn không hóc búa, không yêu cầu thí sinh phải nhớ nhiều ngữ liệu trong chương trình.
Đề văn về tiềm lực kinh tế: TS Hà Nội than “lệch tủ”, TS TPHCM rạng rỡ ra về ảnh 2 Nhiều thí sinh tại TPHCM hoàn thành bài thi chỉ sau 2/3 giờ làm bài. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), từ 9 giờ sáng (thí sinh bắt đầu làm bài từ 7 giờ 35, thời gian làm bài thi môn Ngữ văn là 120 phút, như vậy giờ làm bài kết thúc vào lúc 9 giờ 35 phút) đã có khoảng 10 thí sinh nộp bài sớm và rời khỏi phòng thi.
Đề văn về tiềm lực kinh tế: TS Hà Nội than “lệch tủ”, TS TPHCM rạng rỡ ra về ảnh 3 Thí sinh tại TPHCM rạng rỡ sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thí sinh Phạm Hồ Ngọc Trâm, học sinh lớp 12A11, Trường THPT Phú Nhuận, thí sinh đầu tiên rời khỏi phòng thi tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận cho biết, đề thi môn Ngữ Văn năm nay bám sát nội dung các em đã được học và ôn tập trên lớp. Phần đọc hiểu văn bản lấy trích dẫn là 3 khổ thơ trong tác phẩm "Đánh thức tiềm lực" của tác giả Nguyễn Duy được Trâm đánh giá là dễ hiểu và không đánh đố. Riêng câu hỏi về nghị luận xã hội, đề thi yêu cầu thí sinh "trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay" được nhiều thí sinh cho là gần gũi, dễ trình bày quan điểm cá nhân nên các em không mất nhiều thời gian để suy nghĩ và phân tích.
Đề văn về tiềm lực kinh tế: TS Hà Nội than “lệch tủ”, TS TPHCM rạng rỡ ra về ảnh 4 Thí sinh tại điểm thi Bàn Cờ, quận 3, TPHCM thảo luận sau khi kết thúc môn thi. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Về câu hỏi nghị luận văn học, đề thi đưa ra hai hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa (tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu) và cảnh phố huyện lúc đêm khuya (tác phẩm "Hai đứa trẻ" của nhà văn Thạch Lam), yêu cầu phân tích sự đối lập với hình ảnh bạo lực trong gia đình làng chài và hình ảnh đoàn tàu trong đêm được nhiều thí sinh đánh giá là thuộc dạng đề tủ, thí sinh không cần thuộc nhiều dẫn chứng vẫn có thể phân tích trong bài làm.
Đề văn về tiềm lực kinh tế: TS Hà Nội than “lệch tủ”, TS TPHCM rạng rỡ ra về ảnh 5 Những thí sinh đầu tiên rời khỏi điểm thi THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) khi mới kết thúc 2/3 giờ làm bài. Ảnh: THU TÂM
Đồng quan điểm, Nguyễn Đức An Pha, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Phú Nhuận hớn hở cho biết, dù em đăng ký nguyện vọng khối A, môn Ngữ Văn không phải là thế mạnh của em nhưng với cách ra đề thi gần gũi, em đã rất thoải mái trình bày quan điểm của mình trong bài làm.
Pha cũng cho biết, đáp án đề thi có thể linh động vì tiềm lực đất nước có thể hiểu ở cả tiềm lực thiên nhiên và tiềm lực con người. Vì vậy, dù trình bày quan điểm theo khía cạnh nào, các bạn học sinh vẫn dễ dàng nêu dẫn chứng và dễ lấy điểm ở câu hỏi này.
Theo đánh giá của các thí sinh, điểm thi môn Ngữ văn năm nay nhiều khả năng sẽ cao hơn năm ngoái.
Đề văn về tiềm lực kinh tế: TS Hà Nội than “lệch tủ”, TS TPHCM rạng rỡ ra về ảnh 6 Thí sinh vui vẻ trao đổi sau giờ làm bài môn Ngữ văn tại điểm thi THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận). Ảnh: THU TÂM
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, buổi thi môn Ngữ Văn sáng nay tại 124 điểm thi trên địa bàn TP diễn ra bình thường, có tất cả 315 thí sinh vắng thi. 

Giáo viên Văn: đề Văn hay, bao quát, có tính phân loại học sinh cao

Nhận xét về đề thi Ngữ Văn sáng 25-6, cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên Văn trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho rằng, về cơ bản, cấu trúc đề thi bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT công bố ngày 24-1-2018, bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12. Trong đó, lượng kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% và lớp 12 chiếm khoảng 70% trong câu nghị luận văn học.
Đề thi gồm có 2 phần, phần đọc hiểu chiếm 30% tổng số điểm; phần làm văn chiếm 70% tổng số điểm bài thi.
Đề văn về tiềm lực kinh tế: TS Hà Nội than “lệch tủ”, TS TPHCM rạng rỡ ra về ảnh 7 Thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi môn Văn. Ảnh: CAO THĂNG
Cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần đọc hiểu có ngữ liệu đọc hiểu là một văn bản thơ, theo đó là 4 câu hỏi ở các mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến vấn đề có ý nghĩa.
Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi. Một là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá một mặt giấy thi). Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu. Vấn đề đánh thức tiềm lực đất nước khá gần gũi và thiết thực với học sinh, khơi gợi được trách nhiệm xã hội của người viết.
Với đề nghị luận xã hội học sinh cần có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề nghị luận, cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.
Câu hỏi còn lại của phần làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% trong câu nghị luận văn học. Phần liên hệ với tác phẩm lớp 11 khá cơ bản, không “đánh đố” học sinh nhưng không dễ, tạo nên sự phân hóa khá rõ đối với người làm bài. Phổ điểm sẽ ở mức 6, 7 điểm; số học sinh đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm trước.
Theo cô Phạm Thị Thu Phương, đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn phải thực sự hiểu được nội dung ý nghĩa của mỗi tác phẩm, đặc điểm phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả và cả yếu tố thời đại chi phối đến tác phẩm (tác phẩm Hai đứa trẻ ra đời vào thời điểm trước cách mạng 1945, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa ra đời vào đêm trước của thời kỳ đổi mới 1986).
“Nhìn chung với đề bài này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kỹ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú”, cô Phương nhận xét.
Vẫn theo cô cô Phạm Thị Thu Phương, một phần quan trọng nữa không kém là chúng ta cần phân bố thời gian hợp lý để làm bài. Thời gian luôn tỷ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, thí sinh cần dành khoảng 15-20 phút để làm; câu 1 phần làm văn cần dùng 20-25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lý cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt.
“Đây là một đề Văn hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh phải cố gắng hơn rất nhiều mới có thể đạt được điểm khá, giỏi”, cô Phạm Thị Thu Phương nói.

Chiều nay 25-6, các thí sinh tiếp tục bước vào giờ làm bài môn Toán. Thời gian làm bài là 90 phút.
Để thuận tiện cho việc đi lại của thí sinh ở xã đảo Thạnh An, điểm thi trường THPT An Nghĩa đã bố trí chỗ nghỉ tiểu trưa cho thí sinh tại cơ sở trường học An Nghĩa, cách điểm thi khoảng 30 mét. Tại đây các thí sinh còn có thể cũng nhau học nhóm và ôn lại kiến thức để sẵn sàng cho môn thi tiếp theo.
Tại đây, các em đã được các giáo viên chuẩn bị những phần cơm hộp đặt sẵn. Bên cạnh đó, một vài thí sinh vì nhà xa điểm thi nên được phụ huy mang đến tận nơi những hộp cơm ấm nóng. 
Đề văn về tiềm lực kinh tế: TS Hà Nội than “lệch tủ”, TS TPHCM rạng rỡ ra về ảnh 8
Đề văn về tiềm lực kinh tế: TS Hà Nội than “lệch tủ”, TS TPHCM rạng rỡ ra về ảnh 9  Các thí sinh tại điểm thi THPT An Nghĩa tranh thủ ăn trưa và giải đề toán chuẩn bị cho môn thi kế tiếp.
Sau buổi thi đâu tiên thí các em khá hào hứng, nhận xét đề phù hợp với khả năng của mình.Em Võ Nguyễn Thuỷ Tiên tại xã Long Hoà chi sẻ: “Em ôn khá kĩ bài Chiếc thuyền ngoài xa nên e nghĩ mình sẽ đạt điểm cao trong môn này”.
BÍCH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục