Điểm cộng cho truyền thông xã hội

Đợt bão, lũ lụt và sạt lở đất ở phía Tây của Nhật Bản vào tuần trước là đề tài chính trên mạng xã hội, giúp người dân thêm nhiều kinh nghiệm ứng phó với thiên tai cũng như nhận được sự trợ giúp kịp thời.

Chẳng hạn, ngay khi nước bắt đầu dâng, trên Twitter, Buzzfeed đã chia sẻ hướng dẫn những điều cần làm trong một trận lũ lụt, cách giữ cho mọi thứ được khử trùng trong trường hợp khẩn cấp và thậm chí cả thông tin về nhà vệ sinh...

Người dùng phương tiện truyền thông xã hội còn chia sẻ liên kết đến các hướng dẫn khác, bao gồm thông tin cho người nước ngoài. Một nhóm Facebooker chuyên giúp đỡ khách du lịch thậm chí đã lập cả một trung tâm thông tin. Trong những ngày cơn lũ hoành hành, ngày càng có nhiều thông tin có ích được đăng tải như những nơi các bà mẹ có con nhỏ nên đến trong quá trình di tản và các địa điểm mà mọi người có thể tiếp cận nguồn nước sạch hay hàng cứu trợ.

Điểm cộng cho truyền thông xã hội ảnh 1 Một khu vực bị tàn phá nặng nề sau đợt mưa lũ vừa qua tại Nhật Bản
Theo Japan Times, nói như vậy không có nghĩa là các đài truyền hình không thông tin kịp thời tình hình thiên tai. Nhưng ở tình huống diễn ra ở miền Tây Nhật Bản, tốc độ Internet và sự tiếp cận sát sao đến từng trường hợp quan trọng hơn truyền hình, chưa kể thông tin trên truyền hình vẫn có độ chậm hoặc sai sót.

Ngay trong giai đoạn mưa lũ, kênh truyền hình Nippon TV còn phát sóng một tập phim Ngày âm nhạc thay vì dành thông tin cho thiên tai. Nhiều người đã chỉ trích hành động này trên Twitter. Tuy nhiên, những lời chỉ trích đó vẫn chưa bằng sự phẫn nộ khi một clip video cho thấy một người quay phim của truyền hình Fuji vẫn tiếp tục ghi hình thay vì giúp một người đàn ông cao tuổi thoát khỏi một chiếc xe đang chìm.

Twitter trở nên rất quan trọng đối với nhiều người bị mắc kẹt do nước dâng cao. Họ đã sử dụng Twitter để liệt kê các địa điểm có người mắc kẹt do lũ nhằm thu hút sự chú ý của lực lượng cứu hộ. Cư dân mạng sử dụng Twitter như một cách để mọi người giữ liên lạc về tình hình ở các khu vực khó tiếp cận, trong khi số khác sử dụng nền tảng truyền thông xã hội để yêu cầu trợ giúp trực tiếp.

Hikakin, người dùng YouTube nổi tiếng nhất Nhật Bản đã tạo một video về việc tặng một số tiền lớn qua Yahoo! truyền cảm hứng cho những người khác cũng đóng góp tiền cứu trợ. Từ Hikakin, nhiều người dùng YouTube khác đã tạo các clip tương tự thông qua các video tải lên bằng tiếng Anh khuyến khích người xem lưu ý đến tình hình, đồng thời cung cấp các địa chỉ trong khu vực để đóng góp. Người khác chuyển tài khoản Twitter của mình thành một nơi để phổ biến thông tin và cập nhật hữu ích, từ hướng dẫn cách tránh lũ đến các cập nhật về thời tiết và đường sá.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã dùng mạng xã hội Twitter để theo dõi tình hình. Cũng qua mạng xã hội này, ông đã nhận được lời chia buồn của các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte... Và ông Abe cũng gửi lời cảm ơn đến các lãnh đạo này thông qua mạng Twitter.

Tờ Japan Times kết luận: Chính phủ của Thủ tướng Abe khéo léo sử dụng truyền thông xã hội như Twitter, Facebook, Instagram và các phương tiện khác để xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân thiên tai và đôi khi sử dụng các phương tiện này thay cho các phương tiện truyền thống. Một lần nữa, các trang mạng xã hội đã ghi điểm trong thảm họa.

Tin cùng chuyên mục