Giá như

Ông Nguyễn Văn Chúc (ngụ phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) vừa phản ánh đến Báo SGGP về trường hợp căn nhà của ông tại số 730 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận (quận 12), bỗng dưng bị Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 ra quyết định “Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” do liên quan đến thi hành một bản án dân sự của người chủ cũ ngôi nhà đã sang nhượng cho ông từ tháng 7-2018.

Theo hồ sơ, ông Chúc mua lại căn nhà trên của ông Phạm Văn Hòa và đã ra công chứng, đăng bộ cập nhập thay đổi chủ sở hữu từ ngày 24-7-2018. Căn nhà nằm trên thửa đất có diện tích hơn 830m2, được ông Chúc tách làm 4 thửa. Khi ông Chúc đi công chứng chuyển nhượng một phần trong thửa đất này thì nhận được thông báo đã có quyết định với nội dung như trên của Chi cục Thi hành án dân sự quận 12.

Điều đáng nói là quyết định ký ngày 19-9-2018, tức sau gần 2 tháng ông Chúc đã hoàn tất việc sang nhượng căn nhà trên. Bức xúc với việc căn nhà trị giá hơn 10 tỷ đồng của mình bỗng dưng bị ngăn chặn chuyển dịch thiếu tính pháp lý, ông Chúc làm đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi, yêu cầu được làm rõ, trả lại quyền sở hữu căn nhà để ông thực hiện quyền sang nhượng theo pháp luật.

Phải mất thời gian dài kiểm tra, xác minh tính hợp pháp của căn nhà, ngày 6-5-2019, Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 mới ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng trên, trả lại tính hợp pháp cho căn nhà của ông Chúc.

Qua sự việc trên cho thấy, giá như chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 - trước khi ra quyết định tạm dừng việc thay đổi hiện trạng tài sản đối với căn nhà - thực hiện ngay bước xác minh nguồn gốc, tài sản của người thi hành án, thì đã không có sự “nhầm lẫn” đáng tiếc này.

Tin cùng chuyên mục