Phản hồi loạt bài Đào tạo tiến sĩ: Trọng chất, không trọng lượng

Chuẩn đầu vào -  hành là chính 
Phản hồi loạt bài Đào tạo tiến sĩ: Trọng chất, không trọng lượng

Câu chuyện về những khuất tất đằng sau buổi bảo vệ luận án tiến sĩ như phản ánh qua 3 bài báo trên Báo Sài Gòn Giải Phóng vào tuần qua, có lẽ chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm trong quá trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Theo tôi thấy, điểm mấu chốt trong câu chuyện mà bài báo tường thuật là vấn đề đầu vào và quy trình đào tạo.

Chuẩn đầu vào -  hành là chính 
 

Đầu vào, hay cụ thể hơn là tiêu chuẩn nhận nghiên cứu sinh ở trong nước, nếu nhìn vào thủ tục và văn bản chính thức, ai cũng thấy khá chặt chẽ. Nào là phải thi vào, kể cả thi tiếng Anh, phải có đề cương nghiên cứu và đề cương phải được duyệt qua. Nhưng trong thực tế, đầu vào mang nặng tính hình thức và “hành là chính” chứ chẳng mang tính khoa bảng gì cả. Còn quy trình đào tạo, nếu đọc hết dự thảo “Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ” của Bộ GD-ĐT mới thấy có nhiều điều bất cập. Quy chế này có đến 50 điều, chia thành 7 chương, quy định về những chuyện nhỏ nhất (như số trang của một luận án) đến chuyện quan trọng nhất (như tổ chức đào tạo), nhưng nội dung khoa học lại không nhiều.

Hoạt động của nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Ảnh: CTV
Hoạt động của nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Ảnh: CTV

Qua những phản ánh trong loạt bài báo, tôi đoán rằng ý tưởng nghiên cứu của luận án có vấn đề, mà có lẽ tồn tại ngay từ đầu vào. Rất khó biện minh một công trình mang tính lặp lại ý tưởng của người khác (thuộc loại nghiên cứu “me too”) mà được chấp nhận cho nghiên cứu cấp tiến sĩ. Nhưng đây không phải là vấn đề của nghiên cứu sinh, mà có lẽ là vấn đề của người hay nhóm người hướng dẫn luận án.

 Quy trình đào tạo -  vẫn mãi là... nghiên cứu sinh

Theo ý kiến cá nhân, tôi thấy quy trình đào tạo tiến sĩ tại nhiều trung tâm và đại học ở trong nước chưa được hoàn chỉnh. Nhiều nghiên cứu sinh tự “bơi”, người hướng dẫn hầu như chẳng có giúp đỡ nào đáng kể và đó là sự vô trách nhiệm. Nghiên cứu sinh cũng chưa làm quen với văn hóa khoa học, không được khuyến khích công bố kết quả trên các tập san khoa học quốc tế, không có điều kiện tham dự các hội nghị chuyên ngành cấp quốc tế. Hệ quả là khi nghiên cứu sinh tốt nghiệp, đáng lẽ họ trở thành một nhà nghiên cứu độc lập thì họ vẫn còn là một… nghiên cứu sinh.

Luận án tiến sĩ ở trong nước thường được cấu trúc rất hời hợt và thiếu tính logic. Nhiều luận án chỉ có một nghiên cứu duy nhất, nhưng tác giả cố tình trình bày bằng vài chục biểu đồ và bảng số liệu để… cho đủ số trang. Tôi đã thấy luận án với 20 bảng số liệu và 20 biểu đồ, mà theo tôi là có thể tóm lược bằng 2 bảng và 20 biểu đồ. Một lần khác tôi xem một luận án tiến sĩ, trong đó tác giả lặp lại những gì trong sách giáo khoa toán thống kê chiếm gần phân nửa luận án. Và những kết quả trong đó phải nói là… không có kết quả gì. Họ làm như vậy để đủ số trang, chứ chẳng quan tâm đến nội dung khoa học. Khi tôi đề cập đến vấn đề này, người ta nói kiểu làm ở Việt Nam là như thế, làm khác đi rất nguy hiểm vì thầy cô có thể đánh rớt.

Hội đồng du di -  nhiều bất cập, lắm rủi ro

Câu chuyện còn đề cập đến một vấn đề lớn mà hình như ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra: thành viên trong hội đồng phản biện. Điều thú vị là cho dù nghiên cứu sinh không trả lời được phản biện, nhưng 5/7 thành viên trong hội đồng bỏ phiếu thông qua. Tại sao? Có thể câu hỏi của những người phản biện không quan trọng hay lạc đề (rất thường xảy ra) nên hội đồng bỏ qua những câu hỏi và câu trả lời đó. Nhưng cũng có thể vì nghiên cứu sinh không nắm vững vấn đề. Dù sao cũng bất bình thường, bởi vì nghiên cứu sinh đáng lẽ phải trả lời tất cả những câu hỏi, dù quan trọng hay không quan trọng của các chuyên gia phản biện.

Ở nước ngoài, nghiên cứu sinh có nhiệm vụ trả lời tất cả câu hỏi (không được trốn tránh), nhưng họ cũng có quyền phản bác quan điểm của các chuyên gia phản biện nếu hỏi tào lao.

Nói gì thì nói, “sự cố” này nói lên vấn đề bất cập trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Những vị nể, cảm tình, đường dây móc nối như phản ánh trong câu này: “Ngay ở hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn, mối quan hệ giữa người hướng dẫn và thành viên hội đồng đã có truyền thống “có đi có lại” theo kiểu “tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, sau này anh du di lại cho nghiên cứu sinh của tôi”. Sau khi “qua” cấp bộ môn, luận án coi như đã chắc ăn bởi uy tín của người hướng dẫn cũng đủ cho nghiên cứu sinh… an tâm”.

Ngoài ra, ở Việt Nam vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều người chưa bao giờ làm nghiên cứu khoa học độc lập, chưa bao giờ có công trình công bố quốc tế, nhưng lại ngồi trong các hội đồng chấm luận án tiến sĩ. Tôi cho đó là một bất cập cần phải chấn chỉnh càng sớm càng tốt.

Đối với đào tạo tiến sĩ, chúng ta không cần số lượng mà cần chất lượng. Chúng ta không cần phải có nhiều tiến sĩ mà cần những tiến sĩ thật sự xứng đáng với học vị đó, để khi ra nước ngoài tiến sĩ có thể tự hào về mảnh bằng “doctor” từ Việt Nam.

Lời đề nghị

Từ lâu, tôi đã đề nghị 3 điều liên quan đến việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước, như sau:

– Thứ nhất, (hơi cực đoan một chút) nên ngưng các chương trình đào tạo tiến sĩ, rà soát lại tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học. Hiện nay, nước ta có quá nhiều trung tâm (kể cả đại học) đào tạo tiến sĩ, nhưng nhiều trung tâm trong số này không có cơ sở vật chất đầy đủ để đảm bảo những nghiên cứu có chất lượng cao. Ngoài ra, nhiều giáo sư hướng dẫn nghiên cứu cấp tiến sĩ mà bản thân họ chưa bao giờ làm nghiên cứu khoa học độc lập, chưa bao giờ có những công trình được công bố trên các tập san quốc tế, chưa nắm vững những đề tài “nóng” trong các chuyên ngành trên thế giới. Có nhiều người thậm chí chưa thông thạo phương pháp nghiên cứu khoa học. Những giáo sư như thế không nên tham gia vào chương trình đào tạo tiến sĩ.

– Thứ hai, cần ra một quy định mới về đào tạo tiến sĩ. Việc tuyển sinh phải dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể và minh bạch. Cần soạn thảo hẳn một bảng tiêu chuẩn học về vị tiến sĩ đối với từng ngành. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng là nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trước khi viết luận án.

– Thứ ba, bỏ buổi lễ bảo vệ luận án. Buổi bảo vệ luận án hiện nay ở nước ta là hình thức, không giống ai, gây tốn kém tiền bạc cho nghiên cứu sinh và có khi gây tiêu cực. Thật vô lý khi một công trình nghiên cứu 3-4 năm mà chỉ được hỏi qua loa vài ba câu, có khi chẳng dính dáng gì đến nội dung luận án! 

GS NGUYỄN VĂN TUẤN

Đào tạo tiến sĩ – “Chất” và “lượng”

- Từ loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng”: Ngồi đúng người, đúng chỗ trong hội đồng

- Từ loạt bài Đào tạo tiến sĩ - “Chất” và “lượng”: Chất lượng, chất lượng và… không ngoài chất lượng

- Bài 1: Luận án - nghiên cứu hay… nâng cấp?

- Bài 2: Hội đồng du di!

- Bài 3: Tiến sĩ quan và mục tiêu… thiếu khả thi

Tin cùng chuyên mục