Giúp công nhân chủ động thích ứng với công nghệ mới

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM vừa phối hợp Trường Đại học Kinh tế mở lớp đại học vừa học vừa làm cho 67 công nhân trên địa bàn TP. 
Những sinh viên công nhân tại lớp đại học do LĐLĐ TPHCM tổ chức. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Những sinh viên công nhân tại lớp đại học do LĐLĐ TPHCM tổ chức. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Đây là mô hình hỗ trợ công nhân đầu tiên trong cả nước nhằm giúp công nhân chủ động nâng cao tay nghề, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, về những giải pháp giúp công nhân chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tính toán nhân rộng mô hình

° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, sau khi đến thăm lớp đại học vừa học vừa làm của công nhân TPHCM nói trên, ấn tượng của ông như thế nào? 

° Ông BÙI VĂN CƯỜNG: Việc LĐLĐ TPHCM tổ chức lớp học đại học dành cho công nhân lao động trực tiếp sản xuất là cách làm hay, rất thiết thực. Cách làm này theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, để người lao động nào cũng có việc làm khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra toàn diện trong thời gian tới. Để giúp công nhân nâng cao trình độ, chuyên môn, tay nghề, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì rất cần những lớp học như thế. Nghị quyết 11 của Công đoàn Việt Nam đề ra chương trình học tập nâng cao trình độ cho người lao động đã hơn 4 năm qua, tuy nhiên, những lớp học cụ thể như TPHCM đang tổ chức thì nhiều nơi chưa thực hiện được. Vì vậy, từ cách làm thiết thực của TPHCM và một số địa phương, chúng tôi sẽ tính toán để nhân rộng đến các tỉnh, thành khác.

° Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có những biện pháp, chương trình gì để giúp công nhân chủ động chuyển đổi, nâng cao tay nghề, thưa ông?

° Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều thách thức về lao động, việc làm. Những cánh tay rô-bốt, máy móc hiện đại đã được các doanh nghiệp đầu tư, áp dụng vào dây chuyền sản xuất. Nếu chúng ta không chuẩn bị tâm thế, chủ động nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động thì khi có sự chuyển đổi, sẽ có rất nhiều công nhân bị sa thải do không đáp ứng công việc.

Tổng LĐLĐ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người lao động. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang xây dựng quỹ học bổng, nguồn kinh phí hiện đã ổn định. Sắp tới, chúng tôi sẽ dành những suất học bổng toàn phần, học bổng bán phần để giúp những công nhân lao động có ý chí, nghị lực thực hiện ước mơ nâng cao trình độ, chuyên môn, tay nghề. Đây sẽ là một trong nhiều chương trình tạo cơ sở chuẩn bị lực lượng lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các chương trình đào tạo này sẽ giúp người lao động đạt được trình độ tay nghề cao của một cử nhân, kỹ sư. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp họ thích ứng với công nghệ mới hoặc tự tạo, tìm kiếm việc làm phù hợp.

Tổng LĐLĐ Việt Nam còn chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động xây dựng các quỹ học bổng để hỗ trợ công nhân lao động học tập, nâng cao tay nghề. Ngoài ra, những biện pháp tuyên truyền cũng phải được đổi mới để người lao động hiểu được các thách thức với họ khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra.

Thêm giải pháp hỗ trợ công nhân

° Dự báo sẽ có rất nhiều ngành nghề bị tác động trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt thứ tự quan tâm ưu tiên hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân ở những ngành nghề nào? 

° Vấn đề phóng viên đặt ra rất đúng. Do nguồn lực có hạn nên không thể cùng lúc chăm lo tất cả các ngành nghề, mà trước mắt sẽ tập trung vào ngành nghề bị tác động đầu tiên, lớn nhất. Chẳng hạn lĩnh vực dệt may đang là thách thức rất lớn. Trong lĩnh vực này, công nhân có trình độ thấp hơn các ngành khác và tay nghề cũng chỉ xoay quanh kỹ năng may mặc. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức công đoàn cần quan tâm việc nâng cao trình độ đối với công nhân ngành dệt may.

° Trên thực tế, dù công nhân có nhận thức được những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng do đời sống còn nhiều khó khăn nên họ chỉ lo việc mưu sinh trước mắt. Theo ông, để việc hỗ trợ nâng cao tay nghề cho công nhân đạt hiệu quả thì cần có sự chung tay của các ngành, các cấp, của xã hội ra sao? 

° Chúng tôi đang tính đến nhiều giải pháp, trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ để có những giải pháp, chính sách, hỗ trợ cụ thể đối với người lao động. Mặt khác, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng chung tay. Khi phát động, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ trên 4 tỷ đồng. Kết quả bước đầu này có ý nghĩa khích lệ quan trọng đối với việc hỗ trợ công nhân nâng cao tay nghề.

° Với vai trò Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông có lời chia sẻ gì với công nhân trước các thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?  

° Công nhân lao động là những người bị ảnh hưởng trực tiếp trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để giúp lực lượng lao động này chủ động thích ứng với công cuộc hội nhập, thời gian tới Tổng LĐLĐ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, nếu lực lượng công nhân lao động chịu đổi mới trong suy nghĩ, học tập nâng cao trình độ, thì họ sẽ chủ động thích ứng với công nghệ hoặc có thể tự tạo việc làm cho mình nếu bị mất việc. Còn nếu bản thân không chủ động để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển chung thì nguy cơ mất việc làm là chắc chắn.

Như vậy, bản thân từng người lao động phải ý thức được sự cạnh tranh khốc liệt, nguy cơ mất việc làm nếu không tự nâng cao trình độ, tay nghề ngay bây giờ. Bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức công đoàn, của doanh nghiệp, thì bản thân công nhân lao động phải chủ động tìm tòi, xác định hướng đi cũng như cách tiếp cận phù hợp để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

° Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục