Hàng Việt rộng cửa vào thị trường Úc

Theo nhận định của Bộ Công thương, danh mục hàng hóa xuất khẩu vào Úc tương đối đa dạng. Một số mặt hàng thâm nhập thị trường khá thuận lợi nhờ nhu cầu tiêu dùng tốt.
Úc là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu lớn về hàng hóa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng đang được chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến chế tạo, giảm dần tỷ trọng hàng nguyên liệu thô và sơ chế. 
100% dòng thuế sẽ được cắt giảm vào năm 2020
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết theo lộ trình Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc/New Zealand (AANZFTA) đã ký kết thì đến năm 2018, Úc sẽ cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa và đến năm 2020 thì 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0%.
Hàng Việt rộng cửa vào thị trường Úc ảnh 1 Giày dép là một trong những mặt hàng được xuất khẩu nhiều vào thị trường Úc. Ảnh: CAO THĂNG
Hiệp định cũng thiết lập một cơ chế hợp tác chặt chẽ nhằm đảm bảo các biện pháp phi thuế quan (như cơ chế cấp phép, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm) sẽ không tạo thành những rào cản thương mại trong khu vực. Những cam kết này nhằm giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, còn người tiêu dùng thì được hưởng lợi từ việc mua hàng giá rẻ. Nếu biết tận dụng ưu đãi trong AANZFTA, Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Úc. 
Số liệu thống kê cho thấy, sau 6 năm thực hiện AANZFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc tăng trung bình 4,7%/năm. Năm 2016, kim ngạch 2 chiều giữa 2 nước tăng 6,5% so với năm 2015, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 480 triệu USD (xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Úc đạt 2,87 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Úc khoảng 2,39 tỷ USD). 
Theo nhận định của Bộ Công thương, danh mục hàng hóa xuất khẩu vào Úc tương đối đa dạng. Một số mặt hàng thâm nhập thị trường khá thuận lợi nhờ nhu cầu tiêu dùng tốt.
Điển hình là hàng thủy sản. Kim ngạch nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam của Úc trong 6 năm qua tăng từ 15,5 triệu USD (năm 2011) lên 183,7 triệu USD (năm 2016). Hiện mặt hàng thủy sản Việt Nam đang xuất khẩu nhiều nhất sang Úc là tôm sơ chế đông lạnh (Việt Nam là nước sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, người tiêu dùng Úc khá ưa chuộng tôm sú to). Kế đó là hạt điều, kim ngạch nhập khẩu hạt điều Việt Nam của Úc tăng từ 138,6 triệu USD (năm 2011) lên 168,7 triệu USD (năm 2016; chiếm 73,6% trong tổng số hạt điều nhập khẩu của Úc).
Ngoài ra, Úc cũng đã cho phép nhập khẩu trái vải tươi, xoài, thanh long, nhãn của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á (Bộ Công thương), Úc có vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ thương mại với nước ta. Đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam, như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng... 
Doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn
Ông Nguyễn Phúc Nam chia sẻ thêm, Úc là thị trường ít dân nên yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa rất cao. Do đó, khá nhiều nhà bán lẻ ở Úc kinh doanh theo phương thức hoàn trả lại tiền, hoặc đổi hàng nếu hàng hóa có vấn đề về chất lượng, hoặc nếu người mua thay đổi ý định mua hàng. Vì vậy, nhà nhập khẩu Úc không chấp nhận những sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng của họ. Đồng thời, họ giữ mối quan hệ lâu dài với các đối tác quen thuộc để đảm bảo việc kinh doanh được liên tục.
Đặc biệt, các nhà nhập khẩu nước này không thích mặc cả. Họ sẵn sàng thương thảo (nhưng không mặc cả) để có mức giá giảm từ 20% trở lên. Nếu nhà cung cấp đưa ra mức giá không thực tế, nhà nhập khẩu Úc thường sẽ không xem xét đến đơn chào hàng. Do vậy, khi báo giá cho nhà nhập khẩu Úc, điều quan trọng nhất là đưa ra mức giá hợp lý và thường phải thấp hơn mức giá chào cho người mua hàng tại Mỹ và châu Âu, với tỷ lệ mặc cả không quá 3% - 5%. 
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu vào thị trường Úc, ông Brian Oreilly, Giám đốc Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (Auscham), khuyến cáo về việc phải đảm bảo hàng hóa được dán nhãn phù hợp, gồm ít nhất các thông tin về nước sản xuất và xuất xứ, miêu tả chính xác về hàng hóa, địa chỉ người xuất khẩu và người nhập khẩu. Nhãn phải được viết bằng tiếng Anh, gắn liền với hàng hóa, ở vị trí dễ nhận biết và dễ đọc. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu và chuẩn bị trước các rủi ro có thể gặp phải khi xuất khẩu (về tỷ giá hối đoái, vận chuyển, kiểm dịch và vấn đề pháp lý…). Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần đặt mình vào các tiêu chuẩn quốc tế, để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và cạnh tranh được với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác. 

Tin cùng chuyên mục