“Mỏi mắt” tìm công nhân

Lao động phổ thông cũng thiếu
“Mỏi mắt” tìm công nhân

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều công ty, doanh nghiệp (DN) tại ĐBSCL cật lực “săn” lao động phổ thông (LĐPT) nhưng tìm mỏi mắt không ra. Vì sao ở một địa bàn được coi là có lực lượng LĐPT khá dồi dào lại lâm vào tình trạng này?

Lao động phổ thông cũng thiếu

Một thực tế đang diễn ra là, trong khi các DN ngay tại ĐBSCL đang “khát” lao động thì hàng chục ngàn người lao động ở vùng đất này lại ly hương làm việc tại các KCN ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Đây là vấn đề mà các DN tại ĐBSCL cần nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân: tại mình hay tại người? 

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL như ngồi trên đống lửa vì không tìm đâu ra công nhân. Ông Huỳnh Thanh Tân, phụ trách phòng nhân sự  Công ty TNHH Tỷ Xuân (KCN Hòa Phú, Vĩnh Long) than thở: “Công ty cần tuyển dụng 3.000 công nhân sản xuất giày da với mức lương từ 1,5 – 1,7 triệu đồng/tháng, nhưng từ sau tết đến giờ chỉ tuyển được 500 lao động. Một số phân xưởng của Công ty Tỷ Xuân tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã đi “vét” lao động ở nhiều xã: Mỹ An, Mỹ Đông, Mỹ Quý… thậm chí sang Tiền Giang, Long An nhưng chưa đủ. “Trong thời gian sắp tới, công ty chúng tôi cho rao quảng cáo tuyển lao động trên truyền hình và tất cả các đài phát thanh trong huyện, xã.

Hiện nay, nhiều công ty tại KCN Hòa Phú và KCN Cổ Chiên (Vĩnh Long) có nhu cầu khoảng 7.000 LĐPT nhưng không tìm đâu cho đủ. Ông Huỳnh Kim Hoàng, Trưởng phòng Thị trường việc làm (Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) Vĩnh Long) cho biết: “Tình trạng thiếu LĐPT kéo dài từ năm 2008 đến nay. Hiện có 13 công ty đăng ký tuyển lao động tại trung tâm nhưng không tuyển đủ số lượng, dù đã hạ yêu cầu trình độ từ lớp 12 xuống chỉ cần lớp 9 là đủ”.

Tại ĐBSCL, lao động phổ thông trong ngành giày da, may mặc, chế biến thủy sản… đang thiếu nghiêm trọng.
Tại ĐBSCL, lao động phổ thông trong ngành giày da, may mặc, chế biến thủy sản… đang thiếu nghiêm trọng.

Các nhà máy chế biến thủy sản tại Cà Mau đang có nhu cầu tuyển dụng gần 1.000 LĐPT nhưng số lao động mới được tuyển rất thấp so với nhu cầu thực tế. Tại Bạc Liêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2009 phải giải quyết việc làm cho 12.000 lao động, nhưng đến nay số người có việc làm chỉ khoảng 2.000 người. Tại Long An, hàng trăm DN tại 10 KCN đang có nhu cầu tuyển khoảng 5.000 LĐ. Trong khi các DN dán thông báo tuyển dụng ngay tại trụ sở, Ban quản lý các KCN Long An cũng liên hệ với hệ thống TTGTVL ở ĐBSCL để “tiếp sức” nhưng tình trạng cũng không khá hơn.

Trong khi đó, các TTGTVL ở ĐBSCL đều ngán ngẩm khi nhận “đơn hàng” ủy thác tuyển dụng LĐPT của các DN. Giám đốc một TTGTVL bộc bạch: “LĐPT đến tìm việc không nhiều. Đã vậy, sau khi cán bộ các trung tâm dành thời gian tư vấn, cuối cùng không ít LĐPT chê công việc xa nhà, giờ giấc gò bó... nên không chịu đi làm”.

Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc TTGTVL Thanh niên TP Cần Thơ, nói: “Có rất nhiều DN đặt hàng tại trung tâm nhưng lực lượng LĐPT chỉ đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu tuyển dụng”. Đơn cử như Công ty TNHH Chế biến thủy sản Hoàng Long (Đồng Tháp), Công ty Đồ gỗ Đại Cồ, Công ty CP SXTMDV T&T (Cần Thơ) đặt hàng tại TTGTVL Thanh niên tuyển gần 3.000 lao động từ trước tết. “Nhưng qua 2 chương trình tuyển dụng đến nay, trung tâm chưa tuyển được người nào” - ông Vững ngậm ngùi.

Cần giải pháp căn cơ

Kết quả làm việc cuối năm 2009 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Liên đoàn Lao động các tỉnh phía Nam cho thấy, lương bình quân của người lao động từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng. Khi mức lương chưa tương xứng với công sức người lao động bỏ ra thì họ không mặn mà với công việc và doanh nghiệp không tuyển đủ là điều dễ hiểu. Một công nhân ngành chế biến thủy sản cho biết, sau gần 3 năm vào làm, thu nhập của chị mỗi tháng xấp xỉ 2,5 triệu đồng. Bạn bè cùng quê với chị làm công nhân ngành may thu nhập còn thấp hơn. Vì vậy, khi biết thông tin có nơi tuyển lao động với mức thu nhập cao hơn, một số bạn bè chị sẵn sàng bỏ chỗ làm cũ.

Tuy nhiên, một số nhà tuyển dụng lại cho rằng tiền lương chưa phải là vấn đề quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay. ĐBSCL với tiềm năng kinh tế dồi dào, người lao động có nhiều cách mưu sinh: làm ruộng, buôn bán… nên bức xúc việc làm không cao như các nơi khác. Ngoài ra, do tâm lý ngại xa gia đình, người lao động muốn tìm việc nhẹ nhàng có mức thu nhập khá, trong khi trình độ tay nghề không có. Mặt khác, làm việc ở các công ty, doanh nghiệp thường bị áp lực, họ chưa thích nghi với tác phong công nghiệp nên cảm thấy bị gò bó…  Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp chỉ tuyển lao động theo thời vụ mà không ký hợp đồng nhằm né tránh các khoản: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… khiến người lao động lo ngại và không mặn mà với công việc.

Theo Bộ LĐTB-XH, lực lượng lao động nước ta hiện nay có tới 73,5%, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn. Trong đó, ĐBSCL chiếm 21,49%  nhưng chỉ có 6,7% số lao động được sử dụng, làm việc trong các DN. Làm thế nào để tuyên truyền, tư vấn giúp thay đổi nhận thức, tâm lý của người lao động ĐBSCL về vấn đề hướng nghiệp, việc làm  là rất cần thiết. Người lao động có tay nghề chưa đủ, họ phải nhận thức về công việc để thích nghi với môi trường lao động và xu thế phát triển của xã hội. Muốn vậy, đi kèm với việc thay đổi nhận thức người lao động, các DN cần cải thiện chế độ lương, thưởng, hậu đãi nơi ăn, ở, vui chơi giải trí, du lịch… để mời gọi nhiều công nhân đến làm việc.

LÊ CHINH

Tin cùng chuyên mục