Đầu tư cho dạy nghề

Hiện nay ĐBSCL có khoảng 85.000 cơ sở sản xuất, hàng trăm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, mỗi năm cần số lượng rất lớn lao động qua đào tạo, có tay nghề. Tuy nhiên, toàn vùng chỉ giải quyết được việc làm cho khoảng 170.000 người nhưng công tác tuyển dụng hiện đang rất khó khăn.

Môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân tài của ĐBSCL, chậm cải thiện, chưa đủ mạnh và thiếu đồng bộ giữa các địa phương. Đã vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của ĐBSCL mới đạt 20,8% (bình quân cả nước là 25%) và có sự chênh lệch giữa các tỉnh. Chẳng hạn, tại Cần Thơ, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 35,2% trong khi Bến Tre chỉ 11,4%, Hậu Giang 13,1%... Quy mô dạy nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề chỉ chiếm 10,3% (cả nước là 18%). Đáng lưu ý là tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất thiếu thốn, năng lực quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nên chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện.

Để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL lên 38% vào năm 2010 và 65% vào năm 2020, việc đầu tư cho giáo dục, dạy nghề cần được chú trọng. Cần tăng tỷ lệ đầu tư cho GD-ĐT, dạy nghề, trong đó ưu tiên cho dạy nghề khoảng từ 10% đến 12% trong tổng chi ngân sách cho GD-ĐT. Song song đó, phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm; chú trọng phát triển cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn và thành lập thêm 4 trường trung cấp nghề, trong đó có ít nhất một trường của người dân tộc. Ngoài ra, để khuyến khích người dân không ngừng học tập, nâng cao tay nghề, khi tuyển dụng lao động các doanh nghiệp nên ưu tiên tuyển những người đã qua đào tạo nghề. Làm như thế mới khuyến khích những người không chịu đi học thay đổi nhận thức, đầu tư cho việc học nghề. Thêm vào đó, các trường khi đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với nhu cầu thị trường, để lao động sau khi đào tạo có việc làm phù hợp, tránh lãng phí cho xã hội.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục