Huỳnh Ngọc Sĩ được đề nghị giảm án

(SGGPO).- Chiều nay, phiên tòa  tiếp tục làm việc...công tố viên  đề nghị hội đồng xét xử xem xét một số tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Sĩ phạm tội do bị các quan chức của Công ty PCI dụ dỗ, mua chuộc; nguyên nhân sâu xa là cơ chế kiểm tra, giám sát của Nhà nuớc còn lỗ hổng; sau phiên xử sơ thẩm, gia đình bị cáo đã nộp 3 tỷ đồng trong số tiền thu lợi bất chính bị cáo bị tuyên phải nộp lại. Từ đó, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo Sĩ xuống còn 20 năm tù giam.
Huỳnh Ngọc Sĩ được đề nghị giảm án

(SGGPO).- Chiều nay, phiên tòa  tiếp tục làm việc...công tố viên  đề nghị hội đồng xét xử xem xét một số tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Sĩ phạm tội do bị các quan chức của Công ty PCI dụ dỗ, mua chuộc; nguyên nhân sâu xa là cơ chế kiểm tra, giám sát của Nhà nuớc còn lỗ hổng; sau phiên xử sơ thẩm, gia đình bị cáo đã nộp 3 tỷ đồng trong số tiền thu lợi bất chính bị cáo bị tuyên phải nộp lại. Từ đó, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo Sĩ xuống còn 20 năm tù giam.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ tại phiên tòa sáng nay, 30-8. Ảnh: Ái Chân

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ tại phiên tòa sáng nay, 30-8. Ảnh: Ái Chân

Hôm nay, 30-8, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TPHCM tiến hành xét xử phúc thẩm đối với Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông – Tây và Môi trường nước TPHCM – viết tắt là BQL dự án) về tội “Nhận hối lộ”.

Theo bản án sơ thẩm, Dự án Đại lộ Đông – Tây TPHCM được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. Với chủ trương kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, để được trúng thầu, ký hợp đồng thực hiện gói thầu tư vấn thiết kế và gói thầu tư vấn giám sát của dự án, đồng thời được tạo điều kiện thuận lợi và được chấp nhận các điều khoản có lợi khi đàm phán, thương thảo ký kết hợp đồng, các quan chức của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương Nhật Bản (viết tắt Công ty PCI) đã đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ.

Số tiền hai bên thống nhất đưa hối lộ là 10% giá trị của hợp đồng tư vấn thiết kế (tương đương 900.000 USD) và 11% giá trị hợp đồng tư vấn giám sát (tương đương 1.700.000 USD).

Ngày 28-5-2003, tại phòng làm việc của Huỳnh Ngọc Sĩ, các ông Sakano Tsuneo (Trưởng văn phòng đại diện Công ty PCI tại Việt Nam) và Takasu Kunio (nguyên Giám đốc điều hành Công ty PCI, Giám đốc Công ty Tư vấn thông tin kinh doanh tại Hồng Công) đưa cho Sĩ 262.000 USD – tương đương 4.043.184.000 VNĐ tại thời điểm đó. Đổi lại, bị cáo Sĩ đồng ý thực hiện nhiều nội dung có lợi cho Công ty PCI: nhanh chóng trả tiền tạm ứng của hợp đồng giai đoạn 1 và hợp đồng giai đoạn 2; đề nghị các cấp có thẩm quyền trả lương cho chuyên gia nước ngoài cao hơn đơn giá dự toán ghi trong Biên bản thảo luận ngày 28-10-1999 giữa Ngân hàng JBIC và Chính phủ Việt Nam; ký văn bản đề nghị chỉ định Công ty PCI thực hiện gói thầu tư vấn giám sát trái với Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 5-7-2000 của Chính phủ; ký hồ sơ yêu cầu thanh toán cho Công ty PCI khi chưa có biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành.

Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 10-2010, TAND TPHCM tuyên phạt  Huỳnh Ngọc Sĩ mức án tù chung thân. Sau đó, bị cáo Sĩ làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án, bà Phan Thị Lịch Sa (vợ bị cáo Sĩ) cũng kháng cáo yêu cầu hủy bỏ lệnh kê biên hai căn nhà để đảm bảo thi hành án với lý do đây là tài sản riêng của bà.

Trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa, bị cáo Sĩ khẳng định mình vô tội, không nhận hối lộ 262.000 USD từ các quan chức Công ty PCI và cũng không thực hiện hành vi nào có lợi cho Công ty PCI như bản án sơ thẩm đã quy kết. Chẳng hạn việc ký văn bản đề nghị chỉ định Công ty PCI thực hiện gói thầu tư vấn giám sát, theo bị cáo Sĩ là do để đảm bảo tiến độ thi công của dự án, vì nếu tổ chức đấu thầu thì dự án sẽ kéo dài thêm 8 tháng hoặc hơn nữa; và việc làm này không trái với Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 5-7-2000 của Chính phủ.

Thế nhưng, lời khai của ông Lê Quả (nguyên Phó Giám đốc BQL dự án, là nhân chứng trong vụ án này) tại cơ quan điều tra đã chứng minh ngược lại. Ông Lê Quả khai: “Trước khi ra Hà Nội họp, ông Sĩ quán triệt với tôi rằng làm gì thì làm, nói gì thì nói nhưng đến giai đoạn chọn nhà thầu đối với gói thầu tư vấn giám sát thì phải nói ý của Ban quản lý dự án là chỉ định thầu đối với nhà thầu PCI. Việc làm này là trái với Quyết định 622/QĐ-TTg”.

Đối với việc đề nghị các cấp có thẩm quyền trả lương cho chuyên gia nước ngoài cao hơn đơn giá dự toán ghi trong Biên bản thảo luận ngày 28-10-1999 giữa Ngân hàng JBIC và Chính phủ Việt Nam, bị cáo Sĩ chống chế rằng mức lương cao hơn này cũng chỉ tương đương lương chuyên gia nước ngoài trong các dự án khác. Để làm rõ vấn đề này, chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Quảng Đức Tuyên công bố lời khai của ông Lê Quả, trong đó ông thừa nhận rằng trong quá trình thương lượng về tiền lương đã “quên” Biên bản thảo luận ngày 28-10-1999 nên thay vì chỉ trả mức lương tối đa 2,5 triệu yên Nhật/người/tháng thì lại trả từ hơn 2,5 triệu yên Nhật đến gần 3,3 triệu yên Nhật/người/tháng.

Huỳnh Ngọc Sĩ được đề nghị giảm án ảnh 2

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ được đưa đến phiên tòa sáng nay, 30-8. Ảnh: Ái Chân

Trước khi thẩm vấn về việc ký hồ sơ yêu cầu thanh toán cho Công ty PCI khi chưa có biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành, chủ tọa phiên tòa nhắc nhở bị cáo Sĩ cần khai đúng sự thật, vì đây là cơ sở để hội đồng xét xử xác định việc bị cáo phủ nhận lời khai của các nhân chứng có đáng tin hay không. Dù vậy, bị cáo Sĩ vẫn khẳng định mình đã làm đúng theo quy định hoặc khai nại rằng sự việc xảy ra đã lâu nên không nhớ. Đến lúc này, chủ tọa phiên tòa công bố lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra: “tôi thấy việc ký xác nhận vào hồ sơ đề nghị thanh toán lần 2, lần 3 khi chưa có biên bản nghiệm thu công việc tư vấn hoàn thành là sai”. Điều này cũng thể hiện rõ qua lời khai của ông Lê Quả: “Việc thanh toán là trái quy trình. Nhưng ông Sĩ nói rằng PCI là công ty lớn, dù thiếu biên bản nghiệm thu công việc hoàn thành cũng không sao, không lo họ giựt tiền đâu”.

Chiều nay, phiên tòa  tiếp tục làm việc.Vào lúc 16 giờ 20 phút, phiên tòa bước sang phần tranh luận. Đại diện Viện KSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm cho rằng: những chứng cứ cấp sơ thẩm dùng để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo xuất phát từ hai nguồn là các cơ quan tư pháp của Nhật Bản cung cấp và cơ quan CSĐT – Bộ Công an thu thập tại Việt Nam, hai nguồn chứng cứ này phù hợp nhau cho thấy hành vi nhận hối lộ 262.000 USD của bị cáo Sĩ là có thật. Do vậy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Sĩ. Đối với kháng cáo của bà Sa, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận vì không có căn cứ cho thấy quyết định kê biên tài sản của cơ quan CSĐT – Bộ Công an vi phạm tố tụng.

Tuy nhiên, công tố viên cũng đề nghị hội đồng xét xử xem xét một số tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Sĩ phạm tội do bị các quan chức của Công ty PCI dụ dỗ, mua chuộc; nguyên nhân sâu xa là cơ chế kiểm tra, giám sát của Nhà nuớc còn lỗ hổng; sau phiên xử sơ thẩm, gia đình bị cáo đã nộp 3 tỷ đồng trong số tiền thu lợi bất chính bị cáo bị tuyên phải nộp lại. Từ đó, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo Sĩ xuống còn 20 năm tù giam.

Ngày mai 31-8, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

ÁI CHÂN

- Thông tin liên quan:

>> Huỳnh Ngọc Sĩ nhận án tù chung thân

>> Huỳnh Ngọc Sĩ bị đề nghị mức án tù chung thân

>> Xét xử sơ thẩm Huỳnh Ngọc Sĩ về tội “nhận hối lộ”: Huỳnh Ngọc Sĩ bác bỏ toàn bộ cáo trạng

Tin cùng chuyên mục