Rượu độc bủa vây làng đại học, khu công nghiệp

Theo thống kê của Sở Công thương TPHCM, trên địa bàn TP hiện có hơn 600 hộ dân nấu rượu thủ công, tập trung ở quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi… 
Nam thanh niên vẫn vô tư sử dụng rượu không có nguồn gốc Ảnh: ĐẠI VIỆT
Nam thanh niên vẫn vô tư sử dụng rượu không có nguồn gốc Ảnh: ĐẠI VIỆT
Thời gian gần đây, số ca nhập viện vì ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Nhưng dường như tại các làng đại học, khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM, rượu không rõ nguồn gốc, pha cồn công nghiệp vẫn còn bày bán la liệt. Học sinh, sinh viên và các công nhân tạm trú nơi đây vẫn chưa thức tỉnh với tiếng chuông báo động liên hồi này.
Rẻ và dễ như mua rượu
Dạo một vòng quanh khu trọ công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1, 2 hay làng đại học (Thủ Đức), không khó để tìm thấy các cửa hàng cung cấp rượu sỉ, lẻ. Thậm chí, có cơ sở để tiện cho việc kinh doanh buôn bán đã tự pha chế để cung cấp cho khách hàng. Các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác bày bán la liệt, giá cả đa dạng vừa túi tiền của từng đối tượng khách hàng, nhưng chất lượng thì chỉ có… trời mới biết. 
Trên một đoạn đường ngắn từ đường Kha Vạn Cân đến đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), các điểm nhậu từ quán vỉa hè đến nhà hàng la liệt, với các “khách ruột” là những công nhân, sinh viên đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn. Tại một quán bán rượu trên đường Võ Văn Ngân (gần Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM), hầu hết các chai đựng rượu đều không có tem nhãn xuất xứ hàng hóa, tem kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Nhấp thử một chút rượu được chủ quán giới thiệu là loại 1, có cảm giác cay cay đầu lưỡi, nhưng khi trôi qua vòm họng thì sực lên mùi cồn, rượu trôi tới đâu nóng tới đó. 
Trong vai người đi mua rượu tại một quán cơm bình dân nằm trong làng đại học (quận Thủ Đức), người chủ quán đon đả giới thiệu với chúng tôi rượu trắng đựng trong chai nhựa loại 0,5 lít, có giá 15.000 - 20.000 đồng/chai. Khi được hỏi về nguồn gốc của rượu thì vị chủ quán này lại đánh lảng đi nơi khác và trả lời qua loa cho có đó là “rượu quê”, uống không gây đau đầu, còn “quê” ở đâu thì không được đề cập đến trên các nhãn mác. Bên cạnh đó, tại các quán cũng bán đủ các loại rượu không có nguồn gốc được pha chế và ngâm với các loại thực vật, động vật, từ táo mèo, đinh lăng, ba kích đến rắn, cá ngựa, bìm bịp… và có giá 30.000 - 50.000 đồng/chai 0,5 lít. Rất nhiều thanh niên lựa chọn loại rượu này. 
Tại khu vực làng đại học, chỉ trong  khuôn viên nhỏ của khu chợ đêm trước Trường Đại học Quốc tế có đến hơn 30 quán nhậu đủ các thể loại, hoạt động từ chiều tối đến khuya. Càng về khuya các quán nhậu càng nhộn nhịp, không khí sư phạm nơi đây mất hẳn, thay vào đó là một “làng nhậu” huyên náo với những tiếng cụng ly, chửi thề chát chúa mọc lên. Các quán nhậu luôn tấp nập sinh viên ra vào. Nhân viên thì vô tư đứng giữa đường chặn xe chèo kéo khách khiến khung cảnh ở đây trở nên nhốn nháo, mất trật tự.
Sẽ siết chặt hơn?
Theo thống kê của Sở Công thương TPHCM, trên địa bàn TP hiện có hơn 600 hộ dân nấu rượu thủ công, tập trung ở quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi… và phân phối khắp TP. Ông Nguyễn Trung Bính, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho rằng việc quản lý đối với hộ nấu rượu thủ công là không dễ, khi các lò rượu có quy mô nhỏ và hoạt động không có đăng ký kinh doanh. Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì các hộ tìm cách lẩn tránh. Hơn nữa, nhận thức pháp luật của hộ nấu rượu thủ công trên địa bàn chưa cao, sản phẩm làm ra không được kiểm soát theo quy định..., khiến công tác quản lý càng khó khăn. Ông Bính cho biết, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5-2017, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra những điểm nấu rượu tại các khu vực ngoại thành, phát hiện 101 vụ vi phạm, thu giữ hơn 5.500 lít rượu không rõ nguồn gốc, tạm giữ 39.050 viên men rượu không có hóa đơn, chứng từ, không rõ xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn, không dán tem rượu sản xuất trong nước.
Hiện nay, Ban Quản lý ATTP TPHCM đang ráo riết kiểm tra các cơ sở sơ chế, giết mổ, sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, vẫn còn nhiều thách thức trong công tác đảm bảo ATTP, đặc biệt là tình trạng ngộ độc rượu dẫn đến chết người đang diễn ra hết sức phức tạp. Vì vậy, dù đã nỗ lực nhưng cần phải quyết liệt hơn nữa. Vấn đề này đã tồn tại từ lâu, việc ngăn ngừa phải làm thường xuyên, liên tục. Tại các lò thủ công, điều kiện kiểm soát rượu chưng cất kém và có thể lẫn các độc tố trong quá trình sản xuất, nhưng nguy hiểm nhất vẫn là tình trạng pha cồn công nghiệp vào nước để thành rượu. “Giá thành một chai rượu loại này có khi còn rẻ hơn một chai nước, sử dụng loại rượu này cũng như đánh bạc với sức khỏe, tính mạng của mình”, bà Phong Lan nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục