Châu Âu - khủng hoảng nợ lan rộng

Người dân Ireland giận dữ
Châu Âu - khủng hoảng nợ lan rộng

Theo tờ Financial Times, đề cương chi dùng gói cứu trợ 85 tỷ EUR (113 tỷ USD) mà Ireland đề xuất được nhận từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được công bố ngày 28-11 với hy vọng phần nào làm lắng dịu thị trường tài chính châu Âu đang có quá nhiều rối ren, xáo trộn trong xã hội Ireland.

Người dân Ireland biểu tình phản đối chính phủ nhận gói cứu trợ. Ảnh: AFP

Người dân Ireland biểu tình phản đối chính phủ nhận gói cứu trợ. Ảnh: AFP

Người dân Ireland giận dữ

Để có được gói cứu trợ 85 tỷ EUR này, Chính phủ Ireland buộc phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng chặt và mạnh với người dân nước mình. Cụ thể, theo nội dung được nội các của Thủ tướng Ireland Brian Cowen soạn thảo, Ireland cam kết giảm chi để tiết kiệm 15 tỷ EUR trong vòng 4 năm tới nhằm kéo tỷ lệ thâm thủng ngân sách từ 32% hiện nay xuống 3% so với GDP.

Một trong những biện pháp cụ thể chính là cắt giảm 25.000 việc làm trong khu vực nhà nước, đồng thời thắt chặt chính sách lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội.

Tại thủ đô Dublin của Ireland, khoảng 15.000 người dân đã xuống đường vào cuối tuần qua để phản đối việc Ireland lên kế hoạch nhận cứu trợ từ EU và IMF để dẫn đến những hệ quả bất lợi cho người dân. Các tổ chức công đoàn và người dân Ireland cho rằng việc thắt chặt ngân sách để đổi lấy gói cứu trợ EU-IMF khiến Ireland bị bẽ mặt, đồng thời cáo buộc các nhà đầu cơ, chủ ngân hàng và nhà đầu tư là thủ phạm kéo sập nền kinh tế nước này.

Nguy cơ về làn sóng phá sản ngân hàng

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Evolution Securities tại London vừa qua đã lên tiếng cảnh báo, hệ thống ngân hàng châu Âu có thể rơi vào tình trạng phá sản nếu đồng EUR bị phá giá so với 16 đồng tiền khác. Ông Arturo de Frías, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngân hàng tại Evolution cho rằng: “Nếu đồng EUR suy yếu mạnh, chúng ta sẽ thấy các đồng tiền như lira, peseta, escudo, drachma… quay trở lại”. Theo ông, đồng EUR bị phá giá đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ thống ngân hàng châu Âu sẽ bị phá sản.

Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang lan rộng sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, làm dấy lên lo ngại quỹ cứu trợ của châu Âu được thành lập hồi tháng 5 vừa rồi vẫn chưa đủ lớn. Các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 28-11 đã buộc phải lên tiếng bác bỏ thông tin do một tờ báo của Đức tung ra rằng Bồ Đào Nha đang bị áp lực của các nước khu vực đồng EUR yêu cầu phải xin cứu trợ để ngăn chặn làn sóng vỡ nợ lan sang Tây Ban Nha. Thế nhưng theo một cuộc khảo sát của Reuters, 34 trong số 50 nhà phân tích đều cho rằng Bồ Đào Nha sẽ phải xin cứu trợ.

Pháp, Đức và các ngân hàng Anh có thể sẽ mất 360 tỷ EUR nếu đồng EUR bị sụp đổ, riêng các ngân hàng của Đức sẽ phải chịu tổng thiệt hại 120 tỷ EUR, bằng gần một nửa tổng số vốn cho vay của Đức.

Hồi tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các nước thành viên lập cơ quan quản lý các ngân hàng có vấn đề, cho phép các ngân hàng rơi vào khủng hoảng có thể phá sản một cách có trật tự, tránh dùng tiền đóng thuế của người dân để trả nợ cho ngân hàng. Theo ý tưởng ban đầu của EC, cơ quan này sẽ do cơ quan quản lý tài chính và cơ quan quản lý phá sản của các nước thành viên liên kết với nhau, phụ trách xử lý các ngân hàng bị khủng hoảng. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan này có thể buộc các ngân hàng thay quản lý mới, bán tài sản hoặc bố trí bên thứ ba mua lại. Một phần quan trọng của ý tưởng này là thành lập quỹ cung cấp kinh phí cần thiết cho các ngân hàng để việc phá sản có trật tự.

Hà Nhi

Tin cùng chuyên mục