Văn hóa từ chức

Sự cố mất điện trong lúc tàu điện ngầm đang hoạt động hôm 15-12-2011 tại Singapore đã khiến dư luận nước này phẫn nộ, buộc bà Saw Phaik Hwa, Giám đốc Điều hành Tập đoàn SMRT, đơn vị quản lý tàu điện ngầm phải từ chức.

Sự cố mất điện trong lúc tàu điện ngầm đang hoạt động hôm 15-12-2011 tại Singapore đã khiến dư luận nước này phẫn nộ, buộc bà Saw Phaik Hwa, Giám đốc Điều hành Tập đoàn SMRT, đơn vị quản lý tàu điện ngầm phải từ chức.

Sự việc cho thấy dư luận Singapore đánh giá sự cố này rất nghiêm trọng cho dù nó không gây chết người, chỉ làm hàng trăm ngàn người đi mua sắm và hành khách đi tàu ngột ngạt, hoảng sợ. Hơn thế nữa, sự cố xảy ra có thể làm quốc đảo này sụt giảm uy tín trong mắt bạn bè quốc tế vì từ lâu, Singapore được đánh giá là một trong những nơi có chất lượng sống cao nhất thế giới và là nơi kinh doanh lý tưởng nhất thế giới theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Sự cố này đã đe dọa sự an toàn của khu vực mua sắm nhộn nhịp nhất Singapore - Ochard Road. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Singapore Lui Tuck Yew phải điều trần trước Quốc hội và thông báo điều tra vụ việc. Có thể sắp tới, SMRT sẽ bị phạt khoảng 770.000 USD vì tội làm gián đoạn giao thông.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) Philipp Hildebrand đã phải từ chức sau khi không chứng minh được mình độc lập với vụ giao dịch tài chính của vợ khi bà này tung tiền franc của gia đình để mua nửa triệu USD trước khi SNB phá giá đồng franc. Thương vụ đã đem lại lợi nhuận vì sau đó bà vợ ông đổi trở lại tiền franc để mua bất động sản.

Điều đáng lưu ý, SNB vẫn tin tưởng vào ông Hildebrand sau khi xảy ra vụ việc. Ông từ chức phần nhiều vì danh dự cá nhân hơn là bị ép buộc. Hội đồng điều hành SNB ra thông cáo cho biết “Thụy Sĩ mất một chuyên gia ngân hàng tài ba với quan hệ quốc tế xuất sắc từng mang lại lợi ích lớn cho đất nước Thụy Sĩ”. Có thể quyết định của ông Hildebrand làm Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ mất một nhân lực, ông ấy đã cứu danh dự quốc gia và nhất là danh dự của cả một hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới về tính an toàn và minh bạch.

Hai vụ từ chức, một xảy ra ở châu Âu và một xảy ra ở châu Á ngay trong những ngày đầu năm 2012. Nhìn lại quá khứ, còn có rất nhiều vụ từ chức khác, trong đó có các vụ từ chức của một bộ trưởng giao thông Hàn Quốc vì cầu sập vốn rất được nhiều người dân ở châu Á biết tới, nhất là những nơi giao thông đang thành vấn nạn.

Vấn đề là những vụ từ chức như vậy phần lớn đều xảy ra trước khi có kết luận điều tra hoặc thậm chí ngay sau khi xảy ra sự cố. Trách nhiệm của những người từ chức sẽ được pháp luật nước sở tại xem xét nhưng trong khi chờ kết luận cuối cùng, có thể nói đó là những con người có lòng tự trọng và danh dự cá nhân.

Điều này bắt nguồn từ hệ thống giáo dục họ đã được đào tạo từ nhỏ. Văn hóa từ chức không phải là thứ quá xa xỉ và ngày càng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới khi trách nhiệm cá nhân ngày càng được đề cao. Ngược lại, nếu quy hậu quả của một vụ việc cho tập thể, chung chung, xử lý nội bộ, không ai chịu trách nhiệm trước công luận sẽ gây nhiều hiểm họa khó lường hơn. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục