Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20

Tranh cãi về “bức tường lửa” ngăn khủng hoảng nợ công

Mỹ yêu cầu tăng quỹ cứu trợ, EU bảo không
Tranh cãi về “bức tường lửa” ngăn khủng hoảng nợ công

Ngày 25-2, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Mexico với tâm điểm là tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang làm nền kinh tế của “lục địa già” trở nên suy yếu.

Khủng hoảng kinh tế khiến người lao động châu Âu phải tìm đến các hội chợ giới thiệu việc làm.

Khủng hoảng kinh tế khiến người lao động châu Âu phải tìm đến các hội chợ giới thiệu việc làm.

Mỹ yêu cầu tăng quỹ cứu trợ, EU bảo không

Theo hãng tin AFP, phiên khai mạc đầu tiên của Hội nghị G20 diễn ra trong bầu không khí căng thẳng vì nảy sinh những tranh cãi giữa Đức với các nước trong G20 như Mỹ, Canada, Nhật Bản về việc thiết lập một “bức tường lửa” tại châu Âu để ngăn nợ công lan rộng trong khu vực.

Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Mỹ, Canada, Nhật Bản cho rằng “bức tường lửa” sẽ hoạt động hiệu quả khi tăng tiền bổ sung cho Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) lên 750 tỷ hoặc 1.000 tỷ EUR. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố, châu Âu phải tăng kinh phí để quỹ này đi vào hoạt động nhằm đảm bảo với thị trường rằng EU đã chuẩn bị hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn nếu cần thiết. Các quốc gia ngoài eurozone sẽ hỗ trợ kinh phí giải cứu khủng hoảng nợ công châu Âu thông qua việc bơm thêm tiền cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Phía Đức không đồng ý với kế hoạch trên. Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Wolfgang Schaeuble nhấn mạnh, eurozone đã làm xong việc của mình. Ông cho rằng việc châu Âu tăng quỹ cho ESM cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề nợ công cũng như giúp nền kinh tế khu vực eurozone tươi sáng hơn. Từ nhiều tháng qua, việc tăng nguồn quỹ cứu trợ khủng hoảng nợ công châu Âu cũng đã gây nhiều tranh cãi trong eurozone và Đức là một trong số các quốc gia luôn lên tiếng phản đối.

Chưa có dấu hiệu khả quan

Trước thềm diễn ra hội nghị, Ủy ban châu Âu (EC) công bố bản báo cho thấy tình hình kinh tế của eurozone tiếp tục không có dấu hiệu khả quan. Cuộc khủng hoảng nợ công sẽ khiến phần lớn nền kinh tế thành viên eurozone rơi vào suy thoái nhẹ trong năm nay, bất chấp những dấu hiệu tích cực trên các thị trường tài chính.

EC dự báo trong năm 2012, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Âu sẽ giảm 0,3% thay vì tăng 0,5% như dự báo đưa ra hồi tháng 1-2011. Tốc độ suy giảm tăng trưởng GDP của Hy Lạp được dự báo là cao nhất với 4,4%, khiến nước này nhiều khả năng rơi vào vòng xoáy suy thoái trong năm thứ 5 liên tiếp. Phần lớn các nước, kể cả Bỉ, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan và Slovenia, chứ không chỉ riêng Hy Lạp và Bồ Đào Nha, có thể phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm nay.

Tình hình kinh tế khó khăn tại châu Âu không chỉ gây khó khăn cho chính phủ, doanh nghiệp khu vực này cũng chật vật với những món nợ khổng lồ và có nguy cơ phá sản. Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu lại do dự trong việc cho vay. Có nhiều mối lo ngại cho rằng doanh nghiệp sẽ không thể vay được số tiền họ cần và sẽ buộc phải đi đến hành động là tuyên bố phá sản, từ đó khiến cho nền kinh tế thêm bất ổn.

Trên thực tế, điều đó đã và đang diễn ra tại châu Âu. Số trường hợp không trả được nợ dự kiến sẽ tăng 12% trong năm nay so với năm ngoái tại eurozone. Các quốc gia gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia cũng sẽ có tỷ lệ vỡ nợ cao nhất trong khu vực.

Trong khi đó, các quốc gia mới nổi đã lên tiếng sẽ hỗ trợ giải cứu châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega khẳng định, các nền kinh tế mới nổi sẽ chỉ rót thêm tiền để góp phần làm dịu cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu nếu như họ được trao quyền quyết định lớn hơn trong IMF và châu Âu phải phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề nợ của chính mình trước khi các nước khác cấp thêm tiền cho IMF để giúp những nước bị kẹt tiền.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục