Afghanistan càng bất ổn sau vụ đốt kinh Koran

Ngày 27-2, sau nhiều ngày biểu tình biến thành bạo lực đẫm máu lên án một binh sĩ Mỹ đốt kinh Koran, tình hình Afghanistan càng thêm phức tạp khi xảy ra vụ đánh bom liều chết nhằm vào một căn cứ của NATO khiến 9 người thiệt mạng, 10 người bị thương.
Afghanistan càng bất ổn sau vụ đốt kinh Koran

Ngày 27-2, sau nhiều ngày biểu tình biến thành bạo lực đẫm máu lên án một binh sĩ Mỹ đốt kinh Koran, tình hình Afghanistan càng thêm phức tạp khi xảy ra vụ đánh bom liều chết nhằm vào một căn cứ của NATO khiến 9 người thiệt mạng, 10 người bị thương.

  • Trả giá bằng tính mạng

Vụ tấn công xảy ra tại căn cứ NATO đóng tại sân bay Jalalabad, tỉnh Nangarhar ở miền Đông Afghanistan. Theo một người phát ngôn của Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế do Mỹ cầm đầu ở Afghanistan (ISAF), các nạn nhân trong vụ đánh bom xe này gồm 6 dân thường, 1 binh sĩ Afghanistan và 2 bảo vệ người địa phương. Sân bay này phục vụ cho những chuyến bay dân sự và quân sự quốc tế. Các nhân chứng tại hiện trường cho biết, có 4 chiếc xe tham gia vụ đánh bom đẫm máu.

Dân thường bị thương trong vụ đánh bom ở sân bay Jalalabad, tỉnh Nangarhar. Ảnh: AFP

Dân thường bị thương trong vụ đánh bom ở sân bay Jalalabad, tỉnh Nangarhar. Ảnh: AFP

Theo AFP, quân nổi dậy Taliban đã gửi email đến một số hãng truyền thông để xác nhận thực hiện vụ đánh bom trên và khẳng định đây là cách để trả thù việc một binh sĩ ở căn cứ không quân Bagram đốt kinh Koran.

Ngày 26-2, 7 lính Mỹ bị thương trong một vụ ném lựu đạn giữa lúc biểu tình căng thẳng tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở tỉnh phía Bắc Kunduz.

Trước đó, hai cố vấn quân sự người Mỹ thuộc NATO cũng đã bị sát hại ngay tại Bộ Nội vụ Afghanistan cũng vì nguyên nhân trên. Chính quyền Afghanistan đang ra sức truy lùng kẻ tình nghi là một cảnh sát tình báo của Afghanistan (khoảng 25 tuổi).

Chưa dừng lại ở đó, Taliban ngày 27-2 cũng đã lên tiếng xác nhận đứng sau âm mưu tẩm độc thực phẩm của liên quân NATO ở tỉnh Nangarhar, phía Đông Afghanistan sau khi NATO cho tiến hành điều tra về sự xuất hiện của chất độc trắng có trong trái cây và cà phê được chuẩn bị cho các binh sĩ này. May mắn là chưa có ai bị ngộ độc.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Đức cho biết đã rút hết nhân viên Đức và nhân viên nước ngoài dưới sự quản lý của bộ này khỏi các bộ ngành ở Afghanistan. Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Kabul cũng nhanh chóng rút những cố vấn nước này khỏi các cơ quan của Chính phủ Afghanistan để đảm bảo an toàn tính mạng cho họ.

  • Khó xoa dịu

Lầu Năm Góc ngày 27-2 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan đã quyết định hoãn chuyến thăm đến Washington tuần này trước sức ép phản đối Mỹ ngày càng gay gắt của người dân Afghanistan dẫn đến lo ngại việc bảo đảm tình hình an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, những nhà lãnh đạo này cũng thấy bị xúc phạm trước hành vi của binh sĩ Mỹ.

Mặc dù Tổng thống Mỹ B.Obama tuần rồi đã lên tiếng xin lỗi và khẳng định đây là vụ việc đáng tiếc, không có chủ ý nhưng vẫn không thể xoa dịu cơn tức giận của người dân Afghanistan.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp báo ngày 27-2 đã nói: “Chúng tôi thành thật lấy làm tiếc về sự cố trên và chúng tôi tin rằng bạo lực nên chấm dứt trong nỗ lực thiết lập an ninh tại quốc gia Trung Á này”.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng không nằm ngoài danh sách những lãnh đạo từ Mỹ phải lên tiếng xin lỗi. Ít nhất, đây là lần thứ 10 được ghi nhận kinh Koran bị xâm phạm.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai phát biểu trên truyền hình quốc gia cũng tỏ rõ sự đồng cảm với người dân, kèm theo đó là lời kêu gọi người dân bình tĩnh để tránh gây thiệt hại về sinh mạng. Tuy nhiên, lời kêu gọi này được cho là vô ích đối với lực lượng Taliban. Ông Hamid Karzai đã nhiều lần mời Taliban đối thoại trực tiếp với chính phủ của ông nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển.

Hiện ở Afghanistan có khoảng 130.000 binh sĩ đến từ 49 quốc gia đang đồn trú chủ yếu ở miền Đông và Nam. Số lính Mỹ chiếm đến 90.000 người. Mỹ sẽ rút quân khỏi đất nuớc này vào năm 2014. 

NHƯ QUỲNH (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục