Sức mua giảm, kinh doanh gặp khó

Ghi nhận tại các chợ TPHCM cho thấy sức mua trong 7 tháng đầu năm các ngành hàng tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ. Lượng hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp (DN) ngày càng lớn. Riêng các siêu thị, doanh thu có tăng nhưng chủ yếu do giá tăng, trong khi lợi nhuận giảm.
Sức mua giảm, kinh doanh gặp khó

Ghi nhận tại các chợ TPHCM cho thấy sức mua trong 7 tháng đầu năm các ngành hàng tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ. Lượng hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp (DN) ngày càng lớn. Riêng các siêu thị, doanh thu có tăng nhưng chủ yếu do giá tăng, trong khi lợi nhuận giảm.

  • Giảm đều!

Từ đầu năm đến nay, người tiêu dùng TPHCM đã chứng kiến không ít siêu thị điện máy phải đóng cửa hoặc công bố phá sản do không bán được hàng. Theo giới kinh doanh các nhóm hàng điện máy, công nghệ thông tin, điện thoại tại TPHCM, đây là năm kinh doanh tồi tệ nhất đối với các sản phẩm công nghệ cao! Theo số liệu công bố không chính thức của một số trung tâm kinh doanh điện máy, điện thoại, so với quý 1-2011, đến thời điểm này, sức mua giảm 20% - 50% tùy ngành hàng, trong đó nhóm hàng máy lạnh giảm mạnh nhất.

Cảnh vắng vẻ tại các gian hàng bán lẻ hiện nay khá phổ biến. Ảnh: THANH TÂM
Cảnh vắng vẻ tại các gian hàng bán lẻ hiện nay khá phổ biến. Ảnh: THANH TÂM

Tại hầu hết các cửa hàng kinh doanh quần áo cũng liên tiếp tung ra các đợt giảm giá ít nhất một lần, còn lại từ 2 - 3 lần để đẩy mạnh tiêu thụ. Thống kê tại một DN sản xuất hàng thời trang có gần 40 cửa hàng, đại lý bán lẻ trên cả nước cho thấy lượng hàng tồn tính đến cuối tháng 7-2011 chiếm khoảng 60% tổng lượng hàng sản xuất. Tại thời điểm này, chỉ cần 100.000 đồng, người tiêu dùng có thể mua được vài sản phẩm thời trang.

Không chỉ giảm ở ngành may mặc thời trang, ngay các DN tham gia bình ổn giá đối với nhóm hàng đồng phục học sinh, sức mua cũng giảm rất mạnh. Anh Hải - cửa hàng trưởng cửa hàng giới thiệu sản phẩm Công ty cổ phần May Sài Gòn 2 (Sanding) trên đường Nguyễn Trãi cho rằng, doanh thu bình quân đối với các loại đồng phục học sinh chỉ đạt từ 8 - 10 triệu đồng/ngày. Nếu năm ngoái, phụ huynh mua từ 3 - 4 bộ đồng phục cho con em thì nay chỉ mua khoảng 2 bộ, thậm chí có phụ huynh chỉ mua áo hoặc quần.

Tương tự, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cũng cho biết, đến ngày 30-7, Saigon Co.op chỉ mới tiêu thụ được khoảng 40% lượng hàng phục vụ cho mùa khai trường. Theo đó, mức tăng trưởng ngành hàng may mặc chung của Co.opMart chỉ đạt khoảng 20% so cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá và mở thêm các siêu thị mới, xem như không tăng.

  • Lợi nhuận ít

Bà Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc siêu thị Hà Nội cho biết, do sức mua đang có dấu hiệu giảm, trong khi các chi phí cho kinh doanh (như tiền điện từ 70 triệu đồng/tháng nay tăng lên 130 triệu đồng/tháng; lương nhân viên tăng…) tăng cao nên lợi nhuận của siêu thị ngày càng giảm. Hiện mức lãi trung bình trong 3 tháng gần đây của siêu thị Hà Nội chỉ ở mức 3%, trong đó chủ yếu nhờ các nhà cung cấp cho trả chậm, còn nếu phải vay vốn ngân hàng để kinh doanh thì mức lãi trên chỉ còn một nửa.

Hệ thống siêu thị TPHCM góp phần điều tiết giá cả thị trường. Ảnh: CAO THĂNG
Hệ thống siêu thị TPHCM góp phần điều tiết giá cả thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Ngoài lợi nhuận giảm, các nhà kinh doanh cũng liên tục tổ chức khuyến mãi để thu hút khách. Nếu trước đây, việc giảm giá tại các siêu thị chủ yếu do các nhà cung cấp thực hiện và siêu thị chỉ chấp nhận giảm một phần chiết khấu thì nay tự thân các siêu thị phải hoạch định chiến lược khuyến mãi riêng cho cả năm chứ không đơn thuần khuyến mãi theo thời điểm, mùa vụ như trước. Với cách làm này, có những mặt hàng phải bán hòa vốn, thậm chí lỗ.

Tại hệ thống siêu thị Co.opMart, việc chi cho khuyến mãi đã tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lãi gộp không chỉ riêng của Co.opMart mà tất cả các siêu thị ngày càng giảm.

Kinh doanh siêu thị đã khó, với tiểu thương tại các chợ bán lẻ tình hình còn khó hơn rất nhiều. Hiện chỉ còn ngành hàng thực phẩm tươi sống, tiểu thương vẫn có thể sống được nhờ sức mua chỉ giảm khoảng 15% - 20%, còn lại các ngành hàng khác như vải sợi - may mặc, công nghệ phẩm, thủ công mỹ nghệ, giày dép, đều giảm 30% - 50%. Tại nhiều chợ như Văn Thánh, Bà Chiểu, Tân Định… dù vào giờ cao điểm mua sắm trong ngày cũng không tránh khỏi tình trạng người bán đông hơn người mua.

Trước tình hình sức mua trên thị trường giảm, lượng hàng tồn kho nhiều, Bộ Công thương đang xây dựng chiến lược hỗ trợ một phần vốn cho các DN tiếp tục sản xuất để tránh tình trạng ngưng trệ, đề phòng mất khả năng cung cầu khi sức mua tăng trở lại. Việc hỗ trợ cũng kèm theo điều kiện, khi mức cầu tăng, các DN phải bán với giá do cơ quan nhà nước điều phối để ổn định thị trường. Với các DN sản xuất, kinh doanh, giải pháp tối ưu hiện nay vẫn là tiết kiệm chi phí, tìm mọi cách đẩy nhanh lượng hàng tồn, đảm bảo doanh thu và duy trì sản xuất chờ qua cơn bĩ cực.

THÚY HẢI

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2011 ước đạt 1.065,8 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,6%. Mức tăng 4,6% này có phần đóng góp đáng kể của gần 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích mới khai trương từ đầu năm đến nay.

Bình luận về mức tăng này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, mức tăng như thế vẫn rất thấp so với mức trung bình khoảng 15% - 20% của những năm trước đây. Kinh tế khó khăn trong khi giá nhiều mặt hàng thiết yếu, đặc biệt lương thực thực phẩm tăng cao nên người dân phải thắt chặt chi tiêu.

Tin cùng chuyên mục