TPHCM: 6.681 tỷ đồng chuẩn bị nguồn hàng tết

Ngày 8-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở ngành chức năng về công tác chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Theo dự báo, hàng hóa năm nay sẽ rất dồi dào, phong phú, ngoại trừ mặt hàng rau củ quả giá bán có thể biến động chút ít do thời tiết không thuận lợi, các nhóm hàng khác giá cả  tương đối ổn định.
TPHCM: 6.681 tỷ đồng chuẩn bị nguồn hàng tết

Ngày 8-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở ngành chức năng về công tác chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Theo dự báo, hàng hóa năm nay sẽ rất dồi dào, phong phú, ngoại trừ mặt hàng rau củ quả giá bán có thể biến động chút ít do thời tiết không thuận lợi, các nhóm hàng khác giá cả  tương đối ổn định.

Tăng lượng hàng 20%-30%

Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua  tăng chậm, các DN tuy còn lo lắng về khả năng tiêu thụ hàng hóa trong thời điểm tết nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch chuẩn bị cung ứng lượng hàng đầy đủ, cam kết giá cả ổn định, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến. Nhiều DN đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết tăng gần gấp 2 lần so với kế hoạch TP giao. Nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, có khả năng chi phối trên 50% nhu cầu thị trường như dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến…

Sản xuất xúc xích tại Công ty Vissan. Ảnh: KIM NGÂN

Sản xuất xúc xích tại Công ty Vissan. Ảnh: KIM NGÂN

Tổng nguồn vốn các DN chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau tết đạt 6.681,8 tỷ đồng, tăng 1.288,9 tỷ đồng so với năm cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa phục vụ  bình ổn thị trường là 3.436,4 tỷ đồng, tăng 605,7 tỷ đồng.

Cụ thể, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op - chuẩn bị lượng hàng tương ứng với nguồn vốn là 3.350,2 tỷ đồng, trong đó vốn chuẩn bị cho hàng bình ổn là 912,3 tỷ đồng. Công ty Vissan chuẩn bị nguồn hàng bình ổn tết 1.010 tỷ đồng. Công ty Phạm Tôn 814,5 tỷ đồng. Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn 231 tỷ đồng. Công ty Ba Huân 165,2 tỷ đồng…

Để đa dạng nguồn cung, Sở Công thương đã làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các DN sản xuất đồ uống, bánh kẹo, dầu ăn, DN chăn nuôi ở một số tỉnh thành lân cận để nắm bắt, theo dõi khả năng cung - cầu hàng hóa.

Tại các hệ thống siêu thị như Maximark, Big C, Citimart… cũng đã tiến hành đặt hàng cho dịp tết với số lượng tăng 2-3 lần so với tháng thường. Về cơ bản, các DN đều đã chuẩn bị lượng hàng tết tăng 20%-30% so với năm ngoái, đồng thời cam kết giữ giá bán ổn định.

Giám sát chặt cung - cầu

Nhìn nhận về công tác chuẩn bị hàng tết, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho rằng, sản xuất và chăn nuôi đang diễn ra khá tốt. Tuy nhiên, gần đây các bộ ngành cho nhập khẩu một số loại gia cầm có vấn đề về chất lượng, làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý tiêu dùng cũng như người chăn nuôi. Trong bối cảnh nguồn cung trở nên dồi dào, trong khi sức mua không tăng, cộng với hàng nhập khẩu giá rẻ đã kéo giá thịt gia súc, gia cầm ngày càng giảm. Tình trạng này kéo dài, sẽ rất khó cho công tác phát triển tổng đàn, phục vụ cho dịp tết sắp tới!

Theo ông Trung, để đảm bảo nguồn hàng, các DN tham gia chương trình bình ổn giá nên có hợp đồng thu mua trực tiếp với các đối tác, không nên thu gom hàng thông qua đầu mối để tránh rủi ro. Mặt khác, Sở NN-PTNT cũng sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá lại việc triển khai thực hiện các thỏa thuận liên tịch giữa TP với các tỉnh để nắm bắt khả năng cung ứng hàng hóa cho TP.

Hiện các tỉnh đang cung ứng 70% nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho TP. Nếu không hợp tác chặt chẽ, triển khai đến nơi đến chốn thì sẽ khó đảm bảo nguồn hàng cung ứng tết hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, còn 4 tháng nữa đến tết, bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn hàng, các sở ngành cần theo dõi và nắm bắt sát diễn biến thị trường, từ đó kịp thời triển khai việc hỗ trợ các thành phần kinh tế chuẩn bị hàng hóa cung ứng tết. Về cơ cấu các nhóm hàng, đặc biệt là hàng đặc trưng mùa mua sắm tết, nên căn cứ vào kết quả tiêu dùng của năm trước, từ đó xây dựng kế hoạch sát thực, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều trong khi mức cầu không tăng.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng  lưu ý, TP đã định hình được mạng lưới phân phối đa dạng và rộng khắp, ngoài hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, phiên chợ nông thôn, bán hàng lưu động, còn có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể… nhưng điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự kết nối tốt hơn giữa DN với người tiêu dùng. Nếu tổ chức mạng lưới bán hàng không tốt, qua quá nhiều tầng nấc trung gian sẽ làm đội giá bán. Do vậy, công tác phân phối hàng hóa năm nay phải được chú trọng đặc biệt. Để làm được, cần có sự kết nối giữa các sở ngành, quận huyện, với ban quản lý  các chợ trong việc xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa và quản lý, giám sát giá. Trong trường hợp chợ nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc để nạn hàng gian, hàng giả hoành hành thì ban quản lý nơi đó chịu trách nhiệm trước chủ tịch quận, chủ tịch quận chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Điều khác biệt của năm nay là sức mua giảm dẫn đến giá bán các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm giảm nên một số trang trại chỉ chăn nuôi cầm chừng. Trước tình hình này, TPHCM phải theo dõi sát tình hình, đồng thời khuyến khích DN trong chương trình bình ổn giá tăng tổng đàn, đảm bảo cung - cầu thị trường và ổn định giá, đặc biệt là vào dịp cao điểm mua sắm tết. Đây cũng là công tác trọng tâm của TPHCM từ nay đến cuối năm”.


THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục