Trào lưu trở về quê hương làm phim của Việt kiều

Sức hấp dẫn của nền văn hóa lạ...
Trào lưu trở về quê hương làm phim của Việt kiều
Trào lưu trở về quê hương làm phim của Việt kiều ảnh 1

Hai diễn viên Việt kiều Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn trong bộ phim “Dòng máu anh hùng” của đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn.

Vài năm gần đây, số lượng Việt kiều về nước làm phim, đóng phim đang ngày một gia tăng. Điều này đã góp phần làm cho diện mạo của điện ảnh nước nhà có thêm màu sắc mới…

Sức hấp dẫn của nền văn hóa lạ...

Văn hóa Việt Nam chưa thực sự được biết đến nhiều trên thế giới. Một trong những loại hình nghệ thuật có khả năng giới thiệu tốt nhất, sâu rộng và ấn tượng nhất về hình ảnh của một đất nước chính là điện ảnh. Suốt một thời gian dài, những bộ phim Việt Nam mang ra nước ngoài tham dự các liên hoan phim, giao lưu văn hóa, hầu hết là những bộ phim về thời chiến. Điều này khiến cho bạn bè quốc tế nhìn nhận về đất nước và con người Việt Nam có phần đơn điệu.

Đáng mừng là dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, nhiều nghệ sĩ mang trong mình dòng máu Việt vẫn luôn hướng về quê hương với một niềm tự hào sâu sắc. Đó chính là lý do thôi thúc họ trở về và làm phim về quê hương, đất nước, đặc biệt là về văn hóa truyền thống của dân tộc. Những bộ phim đó đã góp phần cho thấy một Việt Nam mới lạ và ấn tượng trong con mắt của bạn bè quốc tế. Nét chung có thể nhận thấy từ những bộ phim là sự lắng đọng trong cảm xúc, là tâm hồn đậm chất Việt Nam. Chính việc nắm bắt tâm lý người Việt nói riêng, tâm lý Á Đông nói chung và gắn với phong tục tập quán riêng của dân tộc đã cho các bộ phim những yếu tố mới lạ, hấp dẫn. Đó chính là điều mà khán giả phương Tây muốn thấy ở những bộ phim Việt.

Trào lưu trở về quê hương làm phim của Việt kiều ảnh 2

Diễn viên Trương Ngọc Ánh trong phim “Hạt mưa rơi bao lâu” của đạo diễn Việt kiều Đoàn Minh Phượng.

Một vùng đất nơi cuộc sống người dân phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên được đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh thổi vào từng thước phim “Mùa len trâu”. Cũng thế, với những góc máy mô tả đời sống tinh thần của người dân vùng Bắc bộ, Việt Nam dưới ống kính của Hồ Quang Minh trong “Thời xa vắng”, của Đoàn Minh Phượng – Đoàn Thành Nghĩa trong “Hạt mưa rơi bao lâu”. Những ngôn ngữ điện ảnh lột tả sâu sắc tâm lý nhân vật trong “Ba Mùa” (Tony Bùi), “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Mùi đu đủ xanh” (Trần Anh Hùng)… khiến người xem phải nao lòng. 

Đạo diễn Việt kiều có ưu thế là được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có điều kiện về trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, được tiếp cận với dòng chảy của điện ảnh thế giới, tất cả những điều đó kết hợp với nền tảng văn hóa dân tộc đã cho họ chất liệu làm nên những bộ phim đặc sắc. “Mùi đu đủ xanh” đoạt giải Camera vàng tại LHP Cannes và đề cử giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất, “Mùa hè chiều thẳng đứng” được tuyển chọn dự thi LHP Cannes, “Ba mùa” đoạt giải Grant Prize tại LHP Sundance, “Thời xa vắng” đoạt giải âm nhạc tại LHP Thượng Hải, giải diễn viên nữ tại LHP Singapore, “Mùa len trâu” đoạt 5 giải thưởng lớn tại các LHP quốc tế…

Không phải đạo diễn Việt kiều nào cũng thành công

Có thể nói, ngoài những nghệ sĩ chuyên nghiệp có niềm đam mê với điện ảnh, chất chứa trong lòng những nỗi niềm đối với quê hương thì vẫn còn những người vì nhiều lý do khác để về Việt Nam làm phim. Thị trường điện ảnh Việt Nam là một trong những nơi có chi phí sản xuất, nhân công rẻ trong con mắt của những nhà làm phim quốc tế nói chung và trong mắt những nhà làm phim Việt kiều nói riêng. Một sinh viên là Việt kiều học điện ảnh ở nước ngoài về nước làm phim tốt nghiệp. Một số người có niềm đam mê nhưng chưa từng có chút kinh nghiệm cũng về Việt Nam bỏ tiền làm phim… Do đó, không thể đòi hỏi một người làm phim không chuyên nghiệp, một sinh viên vừa mới ra trường có thể cho ra một tác phẩm xuất sắc. Nếu có một cái nhìn đúng đắn, cảm thông hơn thì những “Sài Gòn tình ca” của Ringo Lê, “1735km” của Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn, “Thập tự hoa” của Vương Quang Hùng, “Sài Gòn nhật thực” của Othello Khánh… thất bại cũng là điều dễ hiểu.

Những lát cắt không đơn giản

Trào lưu trở về quê hương làm phim của Việt kiều ảnh 3

Tôn Nữ Yên Khê, Lê Khanh và Như Quỳnh (từ trái qua phải) trong phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng.

Đạo diễn phim “Sài Gòn nhật thực” đưa vào phim một dàn diễn viên không chỉ có Việt kiều mà cả ngoại kiều. Ý đồ của ông là mở rộng mạng lưới phát hành phim ở nước ngoài. Điều đáng tiếc nhất là do khác biệt về văn hóa, khán giả Việt khi xem phim đã cảm thấy mình bị xúc phạm! Phim “Dòng máu anh hùng” có thể xem là một phim phát hành thành công nhất trong dòng phim của Việt kiều. Cho đến nay, phim vẫn tiếp tục trụ ở một số rạp của thành phố với kỷ lục kéo dài trong gần 6 tháng. Dưới góc độ phim hành động Việt Nam, “Dòng máu anh hùng” là một phim xuất sắc nhưng điểm thất bại nhất của phim là đài từ của diễn viên. Bộ phim về con người Việt Nam nhưng các nhân vật chính đều nói tiếng Việt lơ lớ, đơn giản vì họ đều là diễn viên Việt kiều. Thậm chí có phim lời thoại còn ngô nghê, buồn cười giống như kiểu những người nước ngoài nói tiếng Việt (phim “Sài Gòn tình ca”).

Ngay những phim được xem là thành công về mặt nghệ thuật cũng  vấp phải lỗi “tây hóa”. Trong “Hạt mưa rơi bao lâu” vì mục đích đề cao bản năng con người, giải phóng thân phận của phụ nữ Việt Nam thời phong kiến, đạo diễn đã để nhân vật nữ của mình ngủ với cùng lúc 4 người đàn ông khác nhau, và biến những người đàn ông này từ bạn trở nên thù địch. Trong “Áo lụa Hà Đông” những chi tiết diễn tả tâm lý nhân vật bị đẩy đến mức xa lạ với chính người Việt Nam.

Điện ảnh Việt Nam đang ngày một phát triển. Hòa vào dòng chảy chung ấy, những người con ở xa quê luôn muốn được đóng góp điều gì đó cho dân tộc mình. Những bộ phim dù thành công hay thất bại, chắc chắn sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu cho thế hệ những nghệ sĩ tiếp theo, đang và sẽ trở về quê hương làm phim. Khán giả Việt Nam luôn chờ đợi, đón nhận luồng gió mới này.

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục