Tướng Khổng Minh Dụ với văn chương

Lần đầu tiên ông gây ấn tượng nhất đối với tôi là vào một buổi tối ở Cà Mau độ tháng 9-1998. Sau buổi liên hoan do công an tỉnh tổ chức là hoạt động văn nghệ mừng các đại biểu về dự cuộc hội thảo khoa học về Kế hoạch phản gián CM-12. Người đàn ông tầm thước, trán hói quá đỉnh đầu, mắt như lúc nào cũng cười, sôi nổi hát một bài dân ca Lào tình tứ. Ông lại còn múa lăm vông rất dẻo với những chàng trai, cô gái Cà Mau!
Tướng Khổng Minh Dụ với văn chương

Lần đầu tiên ông gây ấn tượng nhất đối với tôi là vào một buổi tối ở Cà Mau độ tháng 9-1998. Sau buổi liên hoan do công an tỉnh tổ chức là hoạt động văn nghệ mừng các đại biểu về dự cuộc hội thảo khoa học về Kế hoạch phản gián CM-12. Người đàn ông tầm thước, trán hói quá đỉnh đầu, mắt như lúc nào cũng cười, sôi nổi hát một bài dân ca Lào tình tứ. Ông lại còn múa lăm vông rất dẻo với những chàng trai, cô gái Cà Mau!

Không lâu sau đó, tôi đã được đọc bài thơ Về Cà Mau, quê em trên một tờ báo văn nghệ. Bài thơ có đoạn: Nghe trong con sóng triều dâng/ Xôn xao biển trời ai hát/ Bâng khuâng giữa chiều Đá Bạc/ Tôi về nhớ mãi Cà Mau.

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ.

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ.

Ông đã nổi tiếng về “xuất bản miệng”, một cán bộ hay được các học viện, các trường đại học, nhiều cơ quan, ban ngành ở trung ương và địa phương mời nói chuyện hay là truyền đạt nghị quyết của Đảng hoặc các chuyên đề của cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng.

Nhiều người nhận xét ông có trí nhớ rất siêu và cách nói chuyện cũng rất dí dỏm, dễ nghe, dễ vào lắm. Nhưng cái tài làm thơ nhanh của ông thì đến bấy giờ tôi mới được biết. Tôi đã đến Cà Mau và hòn Đá Bạc nhiều lần, chính vậy rất dễ “cảm” những câu thơ mộc mạc của ông. Và tôi nghĩ thầm, ông này hay thiệt!

Con người nổi tiếng đó là Khổng Minh Dụ, một vị tướng an ninh dạn dày trận mạc trên mặt trận thầm lặng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhưng cũng nặng nợ với văn chương!

Và một buổi chiều thu Hà Nội, tôi vinh dự có dịp được cùng ông hàn huyên. Giọng ông khàn khàn như người nghiện thuốc lào nhưng lại rất lôi cuốn người nghe. Khổng Minh Dụ là một con người cởi mở, chân tình và nồng nhiệt. Có lẽ vì vậy mà ông trở thành bạn bè của nhiều văn nghệ sĩ.

Cuộc đời binh nghiệp của ông đi qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước trong hai lực lượng vũ trang: quân đội và công an. Thời chiến, ông là một sĩ quan tình báo quân đội hoạt động ở chiến trường Nam bộ ác liệt suốt chục năm liền. Thời bình, người sĩ quan tình báo quân đội bỗng rẽ ngoặt sang lĩnh vực an ninh, mà lại là lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ đến văn chương.

Anh thanh niên xứ Đoài, Khổng Minh Dụ, lên đường nhập ngũ năm 18 tuổi. Thông minh, nhanh nhẹn và tận tụy, chỉ sau hai năm, Khổng Minh Dụ được giao trọng trách Trung đội trưởng của một đơn vị pháo binh đóng ở Mộc Châu, Sơn La. Sau đó, ông được cấp trên chọn cho đi học để đưa đi công tác nước ngoài của Văn phòng Trung ương Đảng.

Năm 1965 Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc một cách ác liệt, đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam. Khổng Minh Dụ xung phong tái ngũ và là một trong số ít học viên của lớp được cơ quan tình báo quân đội tuyển chọn đào tạo để đưa vào hoạt động bí mật trong lòng địch.

Với vẻ bề ngoài già trước tuổi, ông được mang cái tên giả là Đỗ Văn Nga, sinh năm 1936 (nhiều hơn tuổi thật tới 7 năm!) có căn cước của chế độ Sài Gòn cấp hẳn hoi. Đã có kinh nghiệm trong quân đội, ông được cơ quan tình báo quân đội khoác cho một cái lý lịch ngụy trang là đã từng đi lính pháo binh quân đội ngụy thời Pháp ở Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương.

Khi vào miền Nam, đáng lẽ “Đỗ Văn Nga” được tung vào hoạt động hợp pháp trong lòng địch tại Sài Gòn, nhưng cấp trên nhận thấy thời điểm đó tình thế không thuận lợi và quyết định để anh công tác tại cụm tình báo chiến lược có bí số B48, thuộc Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (trước gọi là Cục 2, nay là Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng).

Ông hoạt động tại địa bàn Bình Dương, Biên Hòa. Đến năm 1969 ông lại được điều động về công tác ở cụm H67 và chuyển tới Bến Tre. Ông được phân công làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, tiến hành các cuộc gặp gỡ, thu thập tài liệu, nghiên cứu, làm báo cáo và làm cơ yếu…

Đến năm 1974, ông được điều động về công tác ở Lộc Ninh, lúc đó là “thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau đó không lâu, có một bước ngoặt lớn trong đời Khổng Minh Dụ. Tháng 9-1975, ngành công an chọn ông về làm việc ở Cục Bảo vệ cơ quan văn hóa sau khi đã “tìm hiểu lý lịch” và phẩm chất, năng lực và cả sở trường văn chương của sĩ quan tình báo Khổng Minh Dụ.

Thế là Khổng Minh Dụ lại vui vẻ bước vào mặt trận mới, mặt trận không tiếng súng, chiến tuyến không rõ ràng, hơn thế lại rất phức tạp và không ít cam go. Tuy nhiên, Khổng Minh Dụ vốn đam mê văn chương, coi thi ca là điểm tựa của cuộc đời.

Khổng Minh Dụ làm thơ, viết văn và viết báo. Ông viết không thật nhiều lắm, nhưng đã để lại những dấu ấn riêng. Trong số không nhiều các cây bút công an, Khổng Minh Dụ nổi lên không chỉ vì cương vị công tác hay sau này lên tướng mà bằng những bài thơ, truyện ngắn, bút ký... Ông còn viết những bài báo về các đề tài đấu tranh bảo vệ an ninh văn hóa trên lĩnh vực văn học nghệ thuật rất sắc sảo.

Tôi đã được ông cho xem những tập bản thảo viết tay giấy đã ố vàng, cả những tập giấy pơluya chi chít những dòng chữ của ông thời còn chiến tranh. Khổng Minh Dụ đam mê văn chương từ nhỏ như nhiều chàng trai xứ Đoài văn hiến. Tác phẩm văn học đầu tay của ông được in vào năm 1967 là truyện ngắn Pháo bắn xuyên qua làng. Sau này, Khổng Minh Dụ đã cho in một số tập truyện ngắn như Miền quê yêu dấu, Trong tiếng sóng biển xa và các tập thơ Nối dài thương nhớ, Màu nhớ, Lặng thầm, Năm tháng đi qua.

Văn chương không cứ phải có giải thưởng là tác phẩm hay, nhưng các giải thưởng vẫn là những dấu son chất lượng được thừa nhận rộng rãi. Khi còn là một chiến sĩ hoạt động trong chiến trường, Khổng Minh Dụ đã viết văn. Tất nhiên là bằng bút danh vì yêu cầu bí mật. Ông có bút danh Thái Dương. Năm 1972, truyện ngắn “Vùng tử địa” của Thái Dương được giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Năm 1998, Khổng Minh Dụ lại được tặng giải thưởng “Cây bút vàng” của Hội Nhà văn và Bộ Công an trao tặng với truyện ngắn Ngỡ ngàng ngõ phố.

Nếu có một sự phân chia, có thể coi văn chương của Khổng Minh Dụ được hình thành hai mảng khá rõ nét. Một mảng viết về đề tài chiến tranh chống Mỹ, dù viết trước hay sau năm 1975 đều gắn với mảnh đất anh hùng Bến Tre hay là vùng chiến khu miền Đông Nam bộ. Mảng thứ hai là viết về đề tài an ninh, xã hội trong thời bình.

Ông viết bằng lý trí, quan sát, trải nghiệm, cảm xúc và ký ức với tấm lòng yêu thương nhân hậu. Ông ngợi ca nhưng không một chiều, và phê phán nhưng lại nhẹ nhàng mà sâu sắc. Văn chương Khổng Minh Dụ không đao to búa lớn, không lên gân lên cốt mà vẫn giàu tính chiến đấu, giàu tính Đảng.

Có lúc, ông cũng bộc bạch những suy tư của mình qua những trang văn, câu thơ đầy tâm trạng. Cầm bút làm thơ, viết văn, ông đã thấm: Cái nghiệp văn chương là như thế/ Số phận nhân gian số phận mình/ Ước chi mãi được là con trẻ/ Để khỏi đau đời, đau kiếp văn (Tự bạch 2)… Là một vị tướng, người có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa, văn nghệ và chính trị, có lúc trước những thách thức của thời đại, ông cảnh báo: Bạc đầu sóng thần hung dữ/ Tan tác những con tàu/ Bao làng mạc, vạn chài/ Bỗng chốc hóa hư vô/ Sóng trong lòng người/ Nào đâu thấy được/ Mà có khi sụp đổ cả cơ đồ...

Truyện ngắn và ký sự của ông có giọng điệu riêng. Văn của Khổng Minh Dụ không quá trau chuốt, làm dáng mà ngồn ngộn chất liệu của cuộc sống. Và nếu đôi lúc nhấn nhá, rào đón, cũng rất thật lòng, thẳng thắn kiểu… Khổng Minh Dụ. Thậm chí có chi tiết rất bình thường, có nhiều câu nói tự nhiên, dân dã của nhân vật, dù ở miền Nam hay ở miền Bắc. Đọc truyện của Khổng Minh Dụ, chúng ta cảm thấy các nhân vật, bối cảnh, tình tiết… giống như trong cuộc sống, như đời thực.

Trong tập truyện Miền quê yêu dấu hay những truyện ngắn, tạp văn sau này đã thể hiện rõ điều đó. Truyện ngắn thời bình của ông có chất tư tưởng, triết lý sâu sắc hơn. Tiêu biểu là Ngỡ ngàng ngõ phố. Một tướng an ninh đã từng ở chiến trường trở về Hà Nội với tấm lòng nhân hậu, lễ nghĩa, coi chú như cha, tận tụy nuôi dưỡng và lo toan khi ông cụ mất đi dù hoàn cảnh kinh tế của mình chẳng khấm khá gì. Nhưng ông vẫn bình tĩnh, nhẫn nhịn khi người con trai bất hiếu của ông chú mắng mỏ, gây khó dễ. Cái kết của câu chuyện vẫn là theo luật nhân quả, nhưng không quá nặng nề. Khổng Minh Dụ cũng là một người chung thủy.

Sau khi nghỉ hưu, ông đã dành những trang viết giàu ân tình về những người thầy, người đồng chí mà ông kính trọng. Đó là những vị danh tướng an ninh, tình báo như Trung tướng, PGS Dương Thông, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Thiếu tướng Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh và Trung tướng Nguyễn Như Văn, Cục trưởng Cục Tình báo quân đội; hay là những cán bộ lãnh đạo như Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, cán bộ lãnh đạo ngành thể thao Hoàng Vĩnh Giang, nhà khoa học Nguyễn Chí Bền…

Thơ Khổng Minh Dụ không thiên về tài hoa, vần điệu, âm sắc và tuy không thật nổi trội, nhưng lại giàu tình cảm. Ai đó nói thơ là tiếng lòng, với thơ của Khổng Minh Dụ đúng như vậy. Những cung bậc của một tâm hồn nhạy cảm được thể hiện một cách tự nhiên, không hoa mỹ nhưng không thiếu sự sâu sắc, triết lý.

Nhắc ký ức tuổi thơ, Khổng Minh Dụ dành cho mẹ: Con đi biền biệt trăm nơi/ Quên sao nỗi cực cuộc đời mẹ ơi (Ký ức tuổi thơ). Ông dễ đồng cảm với nỗi gian truân của người chiến sĩ khi nghe một cô ca sĩ hát bài Hoa sim biên giới: Cảm ơn em – người hát bản tình ca/ Về biên giới, về loài hoa sim tím/ Em yêu hoa hay thương người lính chiến/ Mà lời ca êm ái, mượt mà (Em đưa tôi về biên giới). Có một bài thơ của Khổng Minh Dụ có tứ thơ lạ và hình tượng lạ. Đó là là bài Mộ tím. Tác giả đã từng đi qua những chặng đường khốc liệt Trường Sơn và đã phát hiện: Chẳng qua được cơn sốt rét rừng, bạn nằm lại với Trường Sơn/ Đồng đội bẻ hoa rừng – cắm lên mộ bạn/ Rồi lại hành quân đi về phía bom rơi lửa đạn/ Đem theo cuộc đời hình ảnh mộ tím bằng lăng…

Thơ của Khổng Minh Dụ viết về nhiều đề tài khác nhau, về những vấn đề khác nhau nhưng vẫn giữ được một phong cách chân thật, nghĩa tình và luôn luôn hướng tới điều thiện, mong muốn tương lai con người, đất nước, nhân loại tốt đẹp hơn. 

NGUYỄN KHẮC ĐỨC

Tin cùng chuyên mục