Xu hướng làm sách: Chạy theo hay dẫn đầu?

Có một thực tế trong ngành xuất bản của Việt Nam: Hễ đề tài nào đang “hot”, đang có nhu cầu hoặc độc giả đang tò mò, ngay lập tức, nhiều đơn vị làm sách cùng đổ xô khai thác. Để rồi qua một thời gian, dòng sách đó trở nên bão hòa rồi chững lại. 
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tên lên sách tặng độc giả trẻ - đối tượng tiềm năng của ngành xuất bản hiện nay
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tên lên sách tặng độc giả trẻ - đối tượng tiềm năng của ngành xuất bản hiện nay
Nở rộ rồi thoái trào
 Dù đã xuất hiện rải rác từ trước, nhưng phải đến khi Xách ba lô lên và đi của cô gái trẻ Huyền Chip ra mắt thì dòng sách du ký mới có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Ngoài câu chuyện của một cô gái trẻ quyết liệt với đam mê, lý tưởng sống thì Huyền Chip còn làm dậy sóng dư luận bởi “nghi án nói dối” trong cuốn sách của mình.
Câu chuyện của Huyền Chip khiến không ít người tò mò, trở thành “phát súng” khai mào cho làng sách ra mắt hàng loạt đầu sách thuộc thể loại này như: John đi tìm Hùng của Trần Hùng John; Ta ba lô trên đất Á của Rosie Nguyễn; Chân đi không mỏi và Quá trẻ để chết của Đinh Hằng… 
 Ngoài sách du ký, thị trường xuất bản của Việt Nam cũng từng chứng kiến những cơn sốt đến từ các dòng sách khác như: nuôi dạy con, hướng nghiệp, khởi nghiệp, ẩm thực, sách về Sài Gòn…
Đặc biệt, khoảng dăm năm trước, dòng sách ngôn tình, nhất là các tác phẩm được dịch từ Trung Quốc từng khuynh đảo giới trẻ, trở thành cơ hội kiếm tiền của không ít đơn vị làm sách.
Theo tiết lộ của đại diện một công ty sách, thời điểm đó chỉ cần bỏ ra 300 USD là có thể “mua đứt” bản quyền một tác phẩm ngôn tình từ Trung Quốc, sau đó muốn in bao nhiêu cũng được!
Từ việc bản quyền “rẻ như cho”, cộng thêm nhu cầu của giới trẻ đã tiếp tay cho dòng sách ngôn tình tràn ngập. Đến mức, vào năm 2015, trước sự tràn lan của dòng sách ngôn tình, Cục Xuất bản đã ra văn bản yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) không đăng ký các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ.
Chỉ đến lúc đó, một số NXB mới có động thái hạn chế những đầu sách ngôn tình có nội dung quá phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dù có vẻ trầm lắng nhưng dòng sách này vẫn đang được bày bán rầm rộ.
Theo Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sách TPHCM, chạy theo xu hướng thì dễ, tạo ra xu hướng mới khó. Vấn đề này phụ thuộc phần nhiều ở các đơn vị làm sách, đặc biệt là các NXB cần có sự định hướng trong việc xây dựng đề tài của mình. Bà cho rằng, việc định hướng cho độc giả hoàn toàn có thể làm được.
Đặc biệt, có thể sử dụng uy tín của những người nổi tiếng, có lượng bạn đọc hâm mộ lớn như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Anh Khang để định hướng nhu cầu, nhất là cho giới trẻ. Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, việc chạy theo xu hướng chỉ mang tính đoản kỳ: Cái gì đến cao trào rồi sẽ bão hòa.
“Tôi vẫn thấy lạc quan. Mọi người đừng lo lắng quá về việc này. Trào lưu có thể làm méo mó đi hình ảnh của người đọc, làm lệch đi nhu cầu của người đọc nhưng cũng giống như nền kinh tế thị trường, rồi tự thân sự phát triển của xã hội sẽ điều tiết”, bà Thu Nguyệt nói. 
Những người chọn lối đi hẹp 
 Vào tháng 5-2018, nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh của cặp vợ chồng Nguyễn Trí Dũng và Phạm Bích Ngọc, tất bật lo chuẩn bị cho các chương trình giới thiệu sách của mình tại sự kiện “Những ngày châu Âu” ở Đường sách TPHCM.
Anh Dũng là dịch giả tự do, còn chị Ngọc là biên tập viên của một NXB ngoài Hà Nội. Họ cũng là nhân sự chính của Công ty Sách hay Sao Bắc, nơi cho ra đời những cuốn sách có giá trị nhưng lại kén độc giả lẫn truyền thông.
Dù thành lập gần 10 năm và nếu tính cả số sách sắp phát hành trong tháng 12-2018 thì số lượng sách mà công ty đã thực hiện cũng chỉ ở con số 13. Tuy vậy, nhìn vào số sách mà Sách hay Sao Bắc đã xuất bản, hầu hết là những đầu sách có giá trị, đã được khẳng định bởi thời gian như: Thông thái và số phận, Văn học và cái ác, Đừng mơ từ bỏ sách giấy, Cái trống thiếc, Trí tuệ của hoa…
Thị trường xuất bản cũng ghi nhận một số đơn vị chấp nhận chọn lối đi hẹp, đôi khi là đi ngược với xu hướng nhưng lại mang đến những đầu sách hay, có giá trị và có thể giúp định hướng đọc cho độc giả như: Phanbooks, Anbooks, Khai Tâm, Tao Đàn…
Trong khi một số đơn vị làm sách lớn vẫn duy trì tốc độ một tháng xuất bản trên dưới 10 cuốn thì Anbooks ngược lại. Sau 3 năm, số lượng sách mà công ty này giới thiệu đến độc giả trong nước chỉ vỏn vẹn 12 cuốn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận giá trị mà những đầu sách của đơn vị này mang lại.
Đặc biệt, bộ sách Dạy con trong hoang mang của Tiến sĩ Lê Nguyên Phương do Anbooks xuất bản đã nhận được giải thưởng Sách hay 2018. Cùng với đó là sự yêu mến, trân trọng của độc giả lẫn đồng nghiệp. Đây có lẽ là món quà dành cho những người mạnh dạn đi ngược số đông, kiên trì với lý tưởng làm sách của mình dù khó khăn vẫn luôn chồng chất.
Bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks, chia sẻ: “Tôi nghĩ lựa chọn làm sách đã là chấp nhận khó khăn rồi. Tôi biết nhiều anh chị đã bán nhà, gom góp hết tài sản nhiều năm, thậm chí phải làm thêm nghề khác để bám trụ với ngành sách.
So với họ, cái khó của tôi cũng bình thường thôi. Chỉ có điều, bài toán kiên trì với giá trị của mình đòi hỏi phải tư duy linh hoạt hơn, tập trung sâu sắc hơn và giữ cho mình tĩnh lặng, nhất quán hơn.
Không chỉ khó về tiền vốn, tiền lưu động, lợi nhuận, chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và xây dựng đội ngũ. Tìm được người có thể hòa điệu, có thể cùng học, cùng lớn, cùng yêu thương hài hòa, là một đòi hỏi khó”.
Theo Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, trong những lần đi dự hội sách ở nước ngoài, có những đơn vị chỉ chuyên làm một dòng sách về tôn giáo, triết học, du lịch.
“Hiện nay, ở trong nước một số đơn vị mới thành lập, quy mô nhỏ cũng đang có sự dịch chuyển như vậy và họ chỉ chuyên làm một mảng sách như: kiến trúc, nghệ thuật, marketing. Đây chính là xu hướng sắp tới của ngành xuất bản và tôi cho đó là xu hướng tích cực. Điều này chứng tỏ trình độ dân trí cao hơn, trình độ đọc của độc giả cũng cao hơn, họ đọc chuyên sâu hơn”, bà Thu Nguyệt cho biết. 

Chạy theo độc giả hay tạo ra xu hướng mới cho độc giả? Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chuyển đổi (tức nội lực) của độc giả và nội lực của NXB. Tôi cho rằng, nội lực ở đây chính là ước muốn mãnh liệt về sự thay đổi và ý thức rõ rệt giá trị, cũng như điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Khi ước muốn đủ lớn và hiểu mình đủ rõ, các NXB sẽ biết mình nên làm theo lối nào để thuận với chính mình.

Bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Công ty sách Anbooks

Tin cùng chuyên mục