
Năm 2011 khép lại với khá nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn trong lĩnh vực nhạy cảm, nhất là giáo dục - đào tạo. Vui vì hơn khi nào hết Đảng, Nhà nước và toàn xã hội xác định rõ “trồng người” là quốc sách, là ưu tiên phát triển hàng đầu. Song chúng ta cũng ưu tư, trăn trở trước sự chậm chạp trong triển khai các nhiệm vụ cụ thể của ngành chủ quản. Báo SGGP bình chọn 10 sự kiện giáo dục nổi bật trong năm qua.
1- Nghị quyết XI Đại hội Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Trong nền kinh tế tri thức, để đi tắt, đón đầu, thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ phải “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo...”.
Để xây dựng một xã hội học tập, nhằm thực hiện định hướng của Nghị quyết XI Đại hội Đảng, toàn ngành giáo dục đã triển khai nhiều chương trình hành động như đổi mới quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục. Song song đó là đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời.
2- Giáo sư Hoàng Tụy được trao giải thưởng Toán học quốc tế
Tháng 9-2011, Giáo sư Hoàng Tụy vinh dự là người đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Constantin Caratheodory do Hiệp hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục trao cho những đóng góp nền tảng trong lĩnh vực Toán tối ưu toàn cục. GS Hoàng Tụy là nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam, một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học Việt Nam mà tên tuổi đã được giới toán học quốc tế công nhận từ nhiều năm qua.

Giáo sư Hoàng Tụy. Ảnh: T.L.
3- Dự thảo Luật Giáo dục Đại học
Trước những bất cập trong giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đã được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Luật Giáo dục Đại học. Khi được công bố, dự thảo luật này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia, nhiều nhà quản lý giáo dục tham gia đóng góp xây dựng.
Ủy ban Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã tổ chức nhiều hội thảo để ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Dù còn nhiều điểm chưa hoàn chỉnh nhưng Dự thảo Luật Giáo dục Đại học được trình Quốc hội trong năm 2011 là tín hiệu lạc quan để chuẩn bị cho sự ra đời của Luật Giáo dục Đại học, nhằm tạo sự đột phá trong quản lý cũng như tạo hành lang pháp lý chuẩn hóa để đưa giáo dục đại học phát triển, hội nhập.
4- Nam Định nói không với bằng cử nhân ngoài công lập
Việc tỉnh Nam Định loại các ứng viên thi tuyển công chức có bằng tốt nghiệp của các trường đại học dân lập, tư thục hay hệ tại chức đã tạo nguồn dư luận trái chiều. Xét về lý (Luật Giáo dục, Luật Lao động) và tình, nhiều ý kiến cho rằng việc phân biệt đối xử cá biệt như thế là không nên và không coi trọng thực tài. Quan niệm này cổ súy cho việc coi trọng bằng cấp và phân biệt công - tư.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng xung quanh quyết định của tỉnh Nam Định đều có nguyên nhân và các cơ sở đào tạo cũng nên soi lại quá trình đào tạo của mình.
5- Phụ cấp thâm niên cho hơn 1 triệu nhà giáo
Ngày 4-7-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Nghị định này bắt đầu có hiệu lực và thực hiện từ 1-9-2011. Khi được hưởng phụ cấp thâm niên, ước tính thu nhập của nhà giáo bình quân tăng khoảng 465.000 đồng/người/tháng. Người được hưởng phụ cấp thâm niên còn được tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp, khi về hưu thì sẽ có mức lương hưu cao hơn hẳn so với đối tượng khác không có phụ cấp thâm niên.
Mục tiêu chính của phụ cấp thâm niên nhằm động viên, khích lệ nhà giáo trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu nhập còn thấp hiện nay, giúp nhà giáo yên tâm với nghề, nâng cao chuyên môn. Điều này cũng tạo sức hút những người giỏi vào nghề giáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
6- Giảm tải sách giáo khoa từ lớp 1 - 12
Năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT đã đưa ra hướng dẫn giảm tải sách giáo khoa (SGK) từ tiểu học đến THPT. Trong hướng dẫn này, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 nhóm nội dung giảm tải gồm: giảm tải những kiến thức được viết trong chương trình SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau; những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên; những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương.
Việc đưa ra hướng dẫn giảm tải bắt đầu từ năm học 2011-2012 là cần thiết để giảm bớt áp lực học tập và thi cử cho học sinh.

Các em học sinh chọn mua sách giáo khoa. Ảnh: Mai Hải
7- Thiếu trầm trọng giáo viên mầm non
Ngay từ đầu năm học 2011, tình trạng giáo viên mầm non nghỉ việc hàng loạt xảy ra ở nhiều địa phương. Tại Thanh Hóa, ngay trong ngày khai giảng năm học mới, nhiều giáo viên mầm non tại xã Mậu Lâm và Thanh Tân (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã nghỉ dạy để đề nghị tăng phụ cấp và một số khoản khác vì thu nhập hiện tại của các cô giáo quá thấp không đủ sống.
Tại TPHCM, cũng có hơn 400 giáo viên mầm non nghỉ việc. Tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc cũng xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do mức lương của giáo viên mầm non quá thấp mà công việc lại vất vả.
Cũng có tín hiệu vui là để giải quyết vấn đề thiếu trầm trọng trường mầm non, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đã bắt buộc các KCN-KCX phải xây trường mầm non để giải quyết chỗ học cho con em công nhân.

Giáo viên mầm non vẫn thiếu hụt trầm trọng. Ảnh: T.S.
8- Triển khai đại trà dạy và học ngoại ngữ
Ngày 19-10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến để tiếp tục triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Giai đoạn 2011-2015, Ban Quản lý Đề án xác định nhiệm vụ từng bước triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông, tăng cường dạy và học ngoại ngữ đối với các cấp bậc, trình độ đào tạo; triển khai dạy môn Toán bằng ngoại ngữ ở khoảng 30% các trường THPT tại các thành phố, đô thị lớn và một số địa bàn trọng điểm…
Đề án này đặt mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp từ trung cấp đến đại học sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp, học tập và làm việc.
9- Chính phủ sửa đổi Quyết định 61
Vấn đề chuyển đổi các trường đại học dân lập sang tư thục do Chính phủ chỉ đạo không chỉ không được thực hiện đúng chủ trương mà trong năm 2011 đã bùng phát những bất ổn như mâu thuẫn nội bộ, hội đồng quản trị và ban giám hiệu phân chia quyền lực. Nguyên nhân chính là Quyết định 61 (Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tư thục) và Thông tư 20 hướng dẫn chuyển đổi các trường dân lập sang loại hình trường tư thục chưa chặt chẽ, thiếu nhiều nội dung quan trọng.
Chính vì vậy, tháng 11, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 63 bổ sung và thay đổi một số nội dung của Quyết định 61. Quyết định này giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là vấn đề nóng bỏng nhất chính là việc phân định tài sản thuộc sở hữu chung. Theo đó, Bộ GD-ĐT cũng đang tiến hành chỉnh sửa Thông tư 20.
10- Cải tiến tuyển sinh
Năm 2011, Bộ GD-ĐT chủ động giao 6 đại học lớn được xây dựng phương án tuyển sinh riêng, đồng thời công bố nhiều dự kiến thay đổi trong đợt tuyển sinh năm 2012. Dù công bố những cải tiến áp dụng cho năm 2012 nhưng vẫn là chủ trương của năm 2011. Hơn nữa, chủ trương cải tiến tuyển sinh có tầm ảnh hưởng, liên quan đến toàn xã hội và hàng triệu thí sinh. Những thay đổi dù không lớn và chưa xóa sổ “3 chung” nhưng nó là tín hiệu tích cực nhằm tiến tới một kỳ thi nhẹ nhàng, hiệu quả và công bằng.
Ban Khoa Giáo