15 ngày tới là chuỗi ngày then chốt, ý nghĩa và thách thức

“Hiệu quả kiểm soát phòng dịch, ý thức chấp hành của người dân trong thời gian này sẽ quyết định các biện pháp áp dụng sau ngày 30-9”, đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình thông tin tại buổi họp báo
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình thông tin tại buổi họp báo

Tối 15-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Chủ trì họp báo có các đồng chí: Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM.

“Thẻ xanh Covid” chỉ triển khai trên một nhóm đơn vị

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình, TP đã xây dựng 8 bộ tiêu chí an toàn, trong đó có các tiêu chí nhỏ tùy từng ngành nghề, lĩnh vực. Ví dụ Sở Công thương sẽ có tiêu chí riêng cho từng ngành nghề, đánh giá đạt hay không đạt. Các doanh nghiệp, các đơn vị muốn tham gia hoạt động thì phải đánh giá kiểm tra xem có đạt theo các bộ tiêu chí không và báo cáo về ứng dụng do Sở TT-TT đang chủ trì. Sau đó, TP sẽ tổ chức kiểm tra.

Nguyên tắc thực hiện là chủ doanh nghiệp phải tự kiểm soát các yêu cầu, tiêu chí an toàn, các đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra giám sát. Chính người dân khi hoạt động trên địa bàn cơ sở này cũng phải kiểm tra các tiêu chí. Hiện Sở TT-TT đang phối hợp cùng 3 cơ sở hành chính (quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi) triển khai.

Đồng chí Lê Hòa Bình cho biết, số lượng các đơn vị sản xuất hoạt động lại và phương án sản xuất sẽ do Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA), Khu công nghệ cao đề xuất cụ thể. Khi các doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn và kiểm soát được dịch, sẽ hoạt động trở lại. Thực tế, vẫn có các đơn vị đang hoạt động thời gian qua. 

Dự kiến số lượng doanh nghiệp sẽ tăng lên do bộ tiêu chí an toàn mới ban hành dễ hơn. Trong tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của thành phố, các cơ quan y tế từ cấp thành phố đến y tế địa phương sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của nới lỏng chính sách. Nếu có vấn đề phát sinh, thành phố đã có phương án khắc phục.

Ngoài ra, TPHCM sẽ ban hành kế hoạch cho triển khai hoạt động du lịch tại Cần Giờ và Củ Chi. Hiện đang giao cho Chủ tịch UBND huyện Củ Chi và Cần Giờ phối hợp với Sở TT-TT thực hiện.

15 ngày tới là chuỗi ngày then chốt, ý nghĩa và thách thức ảnh 1 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo tối 15-9
Thông tin về việc triển khai “Thẻ xanh Covid”, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho biết, “Thẻ xanh Covid” được thí điểm tại quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (KCX-KCN-KCNC) nhưng không triển khai toàn địa phương hay tất cả các đơn vị đó.

Thẻ xanh chỉ triển khai theo lộ trình trên một nhóm đơn vị cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo đơn vị đó. Cụ thể, tại quận 7, thẻ xanh triển khai thí điểm ở 150 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu. Ở huyện Củ Chi và Cần Giờ, thực hiện thí điểm quản lý trên các cơ sở cung cấp thực phẩm, sản phẩm sản xuất nông nghiệp, du lịch tại địa phương.

Các địa bàn không thí điểm vẫn áp dụng phương thức di chuyển theo quy định cũ. Sau ngày 30-9, Sở TT-TT sẽ phối hợp cùng các sở ngành, địa phương tham mưu UBND TP và các sở ngành để có giải pháp phù hợp.

Về ứng dụng khai báo điện tử, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho biết, Sở TT-TT đang phát triển, đây là ứng dụng triển khai từ tháng 1-2021. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng dịch sau ngày 15-9, TP thống nhất áp dụng 1 ứng dụng duy nhất khai báo điện tử của TP, để người dân quản lý dữ liệu cá nhân hiệu quả nhất, giảm phiền hà cho người dân và cơ quan chức năng.

“Việc áp dụng ứng dụng của riêng thành phố đang phát triển là phù hợp với diễn biến về công tác phòng chống dịch của thành phố. Định hướng lâu dài, ứng dụng này sẽ áp dụng với từng người dân, phục vụ các tiện ích cho công dân sau khi thành phố trở về trạng thái bình thường mới, nhất là trong bối cảnh xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh”, Giám đốc Sở TT-TT thông tin.

Đánh giá từng giờ, từng buổi để đảm bảo yếu tố an toàn vì người dân

Phát biểu tại họp báo, đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ, TPHCM đã trải qua khoảng thời gian đầy thách thức, đã có những kết quả khả quan, đi đúng hướng nhưng thành phố không được phép chủ quan. Bất cứ sự chủ quan nào cũng khiến thành phố và người dân có thiệt hại tổn thất lớn.

15 ngày tới là chuỗi ngày then chốt, ý nghĩa và thách thức ảnh 2 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu kết luận tại buổi họp báo
Thời gian qua, Đảng bộ, Chính quyền TPHCM trăn trở, cân nhắc để ban hành những biện pháp phù hợp, phục vụ tốt nhất cho người dân. Đây là thời điểm đứng ở lằn ranh giữa việc đảm bảo an toàn cho người dân, kiểm soát dịch bệnh và việc đảm bảo điều kiện sống với nhu cầu thiết thân cho người dân.

Theo đồng chí, 15 ngày tới là chuỗi ngày then chốt, ý nghĩa và thách thức với TPHCM. “Nếu chỉ tập trung vào phòng dịch, tăng cường giãn cách xã hội thì đỡ thách thức hơn. Nhưng nay, TP phải vừa phòng dịch, không để ca nhiễm ca tử vong tăng cao, vừa phải mở cửa ở một số nơi cho người dân có điều kiện sống tốt hơn. Lực lượng chức năng sẽ vất vả hơn rất nhiều. Mong người dân thấu hiểu!”, đồng chí Lê Hải Bình lưu ý.

Theo đồng chí Lê Hải Bình, việc mở hay nới lỏng, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố được thành phố đánh giá từng giờ, từng buổi để đảm bảo yếu tố an toàn vì người dân. Đồng thời, hy vọng người dân sẵn sàng với tâm thế mới, đồng hành cùng Đảng bộ và Chính quyền thành phố.

“Hiệu quả kiểm soát phòng dịch, ý thức chấp hành của người dân trong thời gian này sẽ quyết định các biện pháp áp dụng sau ngày 30-9”, đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Về Công điện 1409 ngày 15-9 của Bộ Y tế về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, đồng chí Lê Hải Bình nhận định, sẽ có nhiều điều chỉnh theo nguyên tắc “nhỏ nhất có thể, nhanh nhất có thể và cơ động nhất có thể”. Tất cả đều hướng đến mục tiêu giảm phiền hà cho người dân.

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, TP quyết tâm đảm bảo những giải pháp "an toàn tới đâu mở cửa tới đó". Khi thực hiện giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi giãn cách. Phạm vi giãn cách hẹp nhất, nhỏ nhất có thể như thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố. TP xác định mục tiêu giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể trong vòng 14 ngày.

Tin cùng chuyên mục