1,5 tỷ trẻ em đang hít thở bầu không khí ô nhiễm nặng

Gần 1/7 trẻ em trên toàn cầu thở không khí ngoài trời bẩn gấp 6 lần so với tiêu chuẩn quốc tế cho phép. Trong đó, ô nhiễm không khí là yếu tố hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Đây là thông tin do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố ngày 31-10.
1,5 tỷ trẻ em đang hít thở bầu không khí ô nhiễm nặng

Gần 1/7 trẻ em trên toàn cầu thở không khí ngoài trời bẩn gấp 6 lần so với tiêu chuẩn quốc tế cho phép. Trong đó, ô nhiễm không khí là yếu tố hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Đây là thông tin do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố ngày 31-10.

Tương lai bị đe dọa

UNICEF công bố kết quả nghiên cứu này 1 tuần trước khi diễn ra cuộc đàm phán thường niên về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc, với vòng sắp tới được tổ chức tại Morocco từ ngày 7 đến 18-11.

Trẻ em ở Bắc Kinh, Trung Quốc thường xuyên đến trường trong bầu không khí ô nhiễm

UNICEF đang thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới có hành động khẩn cấp để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các quốc gia. Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake, nói: “Ô nhiễm không khí là yếu tố chính dẫn đến cái chết của 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm, đe dọa đến cuộc sống và tương lai của hàng triệu người mỗi ngày”.

Theo ông Lake, ô nhiễm gây tổn hại cho sự phát triển ở phổi của trẻ em, gây tổn thương não và do đó ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Theo hình ảnh vệ tinh mà UNICEF công bố, khoảng 1,5 tỷ trẻ em sống ở những khu vực bị ô nhiễm không khí ngoài trời có chất lượng không khí vượt quá tiêu chuẩn tối thiểu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định.

Nguyên nhân gây ô nhiễm nhiều nhất từ khí thải xe, nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu), bụi, đốt rừng làm rẫy và các chất ô nhiễm trong không khí khác. Khu vực Nam Á có số lượng trẻ em sống trong khu vực ô nhiễm lớn nhất, vào khoảng 620 triệu em, theo sau là châu Phi với 520 triệu em và Đông Nam Á - Thái Bình Dương với 450 triệu em.

Cần hành động khẩn cấp

UNICEF lưu ý rằng trẻ em nhạy cảm hơn người lớn trước tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời vì phổi, não của các em và hệ thống miễn dịch vẫn chưa hoàn thiện, hệ hô hấp của các em dễ thẩm thấu hơn. Dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của bệnh tật từ ô nhiễm không khí là trẻ em sống trong nghèo đói, vốn thường có sức khỏe kém hơn và ít được tiếp cận với dịch vụ y tế.

UNICEF kêu gọi có biện pháp mạnh mẽ hơn để giảm thiểu ô nhiễm, tăng cường tiếp cận của trẻ em với chăm sóc y tế, đồng thời giám sát và hạn chế tối đa tiếp xúc của trẻ em với không khí ô nhiễm. Tất cả các nước cần phải đảm bảo nguyên tắc chất lượng không khí toàn cầu của WHO để nâng cao sự an toàn và hạnh phúc của trẻ em.

Để đạt được điều này, các chính phủ nên áp dụng các biện pháp như cắt giảm quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe tổng thể của trẻ em, trong đó có các chiến dịch tiêm chủng và nâng cao kiến thức, quản lý cộng đồng, phát hiện kịp thời và chăm sóc cho bệnh nhi viêm phổi (nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi). Các nguồn ô nhiễm như nhà máy, xí nghiệp không nên nằm trong vùng lân cận các trường học và sân chơi của trẻ. Quản lý chất thải tốt hơn có thể làm giảm lượng chất thải mang ra đốt trong các cộng đồng.

“Chúng ta bảo vệ trẻ em bằng cách bảo vệ chất lượng không khí. Cả hai đều là trọng tâm cho tương lai của chúng ta”, UNICEF kết luận.

Mới đây, báo cáo “Thiệt hại do ô nhiễm không khí” của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hàng ngàn tỷ USD trong năm 2013. Báo cáo cho biết trong năm 2013, có khoảng 5,5 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, dẫn đến tổn hại nguồn lực lao động và làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế. Tình trạng này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 225 tỷ USD từ tổn thất về thu nhập của người lao động và hơn 5.000 tỷ USD từ thiệt hại phúc lợi xã hội.

KHÁNH MINH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục