
Qua nhiều năm cây mía liên tục mất giá, nông dân 2 xã Bình Lợi và Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh TPHCM muốn chuyển đổi cây trồng khác có hiệu quả hơn. Vào thời điểm cuối năm 2004, Trung tâm Khuyến nông thành phố, Trạm khuyến nông Bình Chánh tổ chức hội thảo tập huấn kỹ thuật và tuyên truyền vận động nông dân trồng dứa Cayene do phù hợp với đất đai ở đây và cho lợi nhuận cao. 18 hộ vay vốn ngân hàng để trồng dứa Cayene với ước mong cuộc sống được cải thiện tốt hơn, nhưng...
- Vay tiền tỷ, thu hoạch... rác
Nông dân đầu tư trồng dứa Cayene bình quân 45 triệu đồng/ha. Đến cuối năm 2005, gần đến vụ thu hoạch đầu tiên, bỗng dưng dứa Cayene chết hàng loạt. Ông Nguyễn Trọng Điểm ở xã Bình Lợi than rằng, gia đình ông chuyển 1ha trồng mía sang trồng dứa Cayene, 6 tháng đầu dứa xanh tốt nhưng sau đó lá héo úa, dù thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ trạm khuyến nông. Ông Biện Hữu Năm cũng mất trắng 1ha dứa Cayene.

Theo ông Lê Văn Hiền, Chủ nhiệm HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp xã Bình Lợi, 12 hộ nông dân ở xã này đã đầu tư khoảng 900 triệu đồng cho 20ha trồng dứa, nhưng chỉ vớt vát thu hoạch được một số trái đạt tiêu chuẩn để bán cho Công ty TNHH Tân Hoàng Phát (Đồng Nai) được 16 triệu đồng mà đến nay vẫn chưa được thanh toán số tiền ít ỏi này.
Phần lớn dứa Cayene chưa chết chỉ cho trái to bằng... lon bia, đem cho cũng chẳng ai thèm ăn nên phải đem đổ... rác. Còn ông Phạm Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân cho biết, 6 hộ nông dân xã này vay vốn trồng trên 7ha dứa Cayene đều bị chết sạch. Tính ra trên 1,2 tỷ đồng của 18 hộ nông dân ở 2 xã nêu trên đã đầu tư trồng 27ha dứa Cayene đều thất bại và lâm vào cảnh nợ nần ngân hàng.
- Có hỗ trợ lãi suất, vẫn khó trả nợ
Theo ông Phạm Văn Lỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, do dứa Cayene giống Thái Lan và Trung Quốc không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng này và cây giống nhiễm bệnh nên cây mới trồng được vài tháng đã bị bệnh vàng lá, rệp sáp… Ngay vụ thu hoạch đầu tiên (cuối năm 2005), cây dứa Cayene ra hoa không đồng đều, chỉ đạt 15%-20%, cây không đâm chồi hoặc đâm chồi rất yếu, cho trái nhỏ không đạt tiêu chuẩn.
Được biết, số cây giống được Công ty Giống cây trồng thành phố phân phối cho nông dân với giá cao: 600 - 650 đồng/chồi giống. Nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, dứa Cayene là loại cây trồng mới, đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ khâu xử lý đất, giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Do vậy, chỉ cần một khâu làm không tốt cũng bị ảnh hưởng đến kết quả.
Ông Lê Văn Hiền, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Lợi cho rằng, nhiều nông dân được tập huấn kỹ thuật, xử lý đúng hướng dẫn, chịu tốn kém nhiều công và của mà dứa vẫn không trổ hoa. Điều đáng nói là đến nay chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm. Cuối cùng nông dân trồng dứa Cayene lãnh đủ, lo lắng số nợ vay ngân hàng quá lớn không biết bao giờ trả nổi.
Vừa qua, UBNDTP có công văn (số 4064/UBND-CNN) chấp thuận hỗ trợ toàn bộ 100% tiền lãi vay từ khi giải ngân đến hết năm 2006 cho các hộ nông dân trồng dứa Cayene thất bại tại 2 xã Lê Minh Xuân và Bình Lợi. Tuy nhiên, nhiều hộ dân có nguyện vọng xin gia hạn thời gian trả nợ hoặc xóa một phần nợ để người dân có thể giữ lại đất để canh tác.
TRẦN THANH