20 năm ca mổ Việt – Đức: Thành công của sự hợp tác và tình hữu nghị

Ca mổ Việt-Đức
20 năm ca mổ Việt – Đức: Thành công của sự hợp tác và tình hữu nghị
20 năm ca mổ Việt – Đức: Thành công của sự hợp tác và tình hữu nghị ảnh 1
Đại diện tổ chức Nhật Bản chúc mừng Nguyễn Đức tại lễ kỷ niệm. Ảnh: LÃ ANH

(SGGP 12G).- Sáng nay, 4-10, tại TPHCM, Làng Hòa Bình Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thực hiện ca mổ tách rời cặp song sinh Việt-Đức – một sự kiện mang tính đột phá cho ngành y khoa Việt Nam.

Tham dự lễ kỷ niệm, ngoài sự có mặt của hầu hết các thành viên của ê kíp gồm 70 y, bác sĩ mổ tách rời hai cháu vào ngày 4-10-1988 và đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh, y tá đã chăm sóc Việt – Đức từ khi tiếp nhận hai cháu, còn có sự tham dự đặc biệt của đoàn khách gồm 60 người đại diện các tổ chức, báo đài…  của Nhật Bản tham dự. 

20 năm ca mổ Việt – Đức: Thành công của sự hợp tác và tình hữu nghị ảnh 2
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (giữa) và vợ chồng Nguyễn Đức. Ảnh: LÃ ANH

Đánh giá về sự kiện này sau 20 năm, Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng: Thành tựu của ca mổ tách rời Việt – Đức ngày 4-10-1988 không đơn thuần là những thành tựu về kỹ thuật mà còn là ca mổ quy tụ được trí tuệ, tình người. Sau ca mổ, một làn sóng nhân đạo được dấy lên trong và ngoài nước nhằm giúp đỡ trẻ em khuyết tật.

Theo Giáo sư – Viện sĩ Dương Quang Trung – nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, bài học kinh nghiệm lớn nhất từ cuộc phẫu thuật Việt – Đức đối với ê kíp mổ năm xưa chính là bài học về sự hợp tác, hợp đồng chuyên khoa. 70 y bác sĩ năm ấy không chỉ trung thành với sứ mạng ngành y mà còn mang trong lòng suy nghĩ, thái độ lao động cần cù, thông minh, sáng tạo. Họ xứng đáng là tinh hoa cho ngành y thời điểm ấy.

Nhân lễ kỷ niệm 20 năm ca mổ, Làng Hòa Bình Bệnh viện Từ Dũ đã xuất bản tập sách “Việt Đức tình người & sau 20 năm” điểm lại toàn bộ quá trình thực hiện ca mổ này và những thành tựu đạt được sau ca mổ.

Một điểm đáng nói khác sau thành tựu này là sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, nhân dân Nhật Bản cho Việt – Đức. Hai năm trước ca mổ, khi sức khỏe Việt – Đức lâm nguy, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản đã tài trợ đưa 2 cháu sang Tokyo chữa bệnh, nhân dân Nhật đã quyên góp trên 22 triệu yên giúp Việt – Đức. Trước ca mổ một tháng, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản cũng liên tục gửi đến bệnh viện các trang thiết bị cần thiết cho ca mổ, trị giá trên 10 tỷ đồng Việt Nam. Nhật cũng đã thành lập Hội Negaukai (Hội vì sự phát triển của Việt – Đức).

Ca mổ Việt-Đức

Vào ngày 4-10-1988, tại BV Từ Dũ ê kíp gồm các bác sĩ Trần Đông A (trưởng kíp mổ), Trần Thành Trai, Văn Tần, Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng nhiều giáo sư, bác sĩ khác đã mổ tách rời 2 bé song sinh Nguyễn Đức và Nguyễn Việt thành công.

Ca mổ kéo dài khoảng 12 giờ. Vào thời điểm bấy giờ, đây là ca mổ tách trẻ dính liền thành công đầu tiên tại Việt Nam và là ca mổ song sinh thứ 7 trên thế giới. Ca mổ thành công đã gây chấn động giới y khoa trong và ngoài nước.

Trước đó, vào năm 1981, một phụ nữ ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, hạ sinh cặp song sinh dính liền Việt - Đức do bị ảnh hưởng của chất độc hóa học.

Năm 1987, các bác sĩ phát hiện Việt bắt đầu bị viêm não và ngày càng nặng hơn. Vì vậy, một nhóm bác sĩ thuộc các chuyên khoa sản, ngoại, nhi được thành lập để tiến hành ca mổ, với sự hỗ trợ của các bác sĩ Nhật về trang thiết bị và kỹ thuật.

Sau ca mổ, Đức phát triển bình thường, khỏe mạnh còn Việt bị teo não và mất rất nhiều bộ phận, phải sống đời sống thực vật.

1g30 ngày 6-10-2007, Nguyễn Việt đã ra đi ở tuổi 26.

Kim Liên

Tin cùng chuyên mục