26% cơ sở kinh doanh vàng trang sức vi phạm

Chiều 5-12, Bộ KH-CN đã công bố kết quả cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2016 với nội dung “Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ”.
26% cơ sở kinh doanh vàng trang sức vi phạm

(SGGPO).- Chiều 5-12, Bộ KH-CN đã công bố kết quả cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2016 với nội dung “Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ”.

Cuộc thanh tra này được triển khai trong 3 tháng (tháng 7, 8 và 9-2016), với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố, sự phối hợp có hiệu quả giữa Bộ KH-CN với các bộ, ngành, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo sở KH-CN, sự nỗ lực cố gắng của các đoàn thanh tra chuyên ngành.

Thanh tra kinh doanh vàng trang sức.

Theo Bộ KH-CN, cuộc thanh tra chuyên đề năm 2016 đã đạt được những kết quả tích cực, phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, ngăn ngừa, răn đe các tổ chức, cá nhân còn có ý định không chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng và vàng trang sức, mỹ nghệ, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Tổng cộng có 2.942 cơ sở bị thanh tra trong cuộc thanh tra chuyên đề năm 2016. Các địa phương tiến hành thanh tra nhiều cơ sở như: Vĩnh Long 151 cơ sở, Đồng Nai 109 cơ sở, Thanh Hóa 100 cơ sở, Bình Định 99 cơ sở, Lâm Đồng 92 cơ sở… Tổng số cơ sở phát hiện được hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính là 761 cơ sở (chiếm tỷ lệ 25,9% số cơ sở được thanh tra). Trong đó số cơ sở bị xử phạt cảnh cáo là 132 cơ sở, xử phạt bằng tiền là 629 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 4,2 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Bộ KH-CN, hành vi vi phạm phổ biến phát hiện được qua cuộc thanh tra chuyên đề năm nay là hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (47% số lượt hành vi vi phạm); tiếp đến là vi phạm về đo lường (19% số lượt hành vi vi phạm). Đáng chú ý là, mặc dù cuộc thanh tra cũng đã được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng số lượt hành vi vi phạm không đạt chất lượng (không đạt về tuổi vàng) cũng chiếm đến 15%.

Thanh tra Bộ KH-CN cho biết, một số địa phương đã xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm như: Đồng Nai xử phạt 60 cơ sở với tổng số tiền là 1,4 tỷ đồng, TPHCM xử phạt 35 cơ sở với tổng số tiền là 387.886.227 đồng, Hà Nội xử phạt 44 cơ sở với tổng số tiền là 280.889.000 đồng, Hải Phòng xử phạt 31 cơ sở với tổng số tiền là 257.000.000 đồng, Đắk Lắk xử phạt 28 cơ sở với tổng số tiền là 182.800.000 đồng, An Giang xử phạt 15 cơ sở với tổng số tiền là 161.998.000 đồng, Tiền Giang xử phạt 23 cơ sở với tổng số tiền là 112.500.000 đồng, Thanh Hóa xử phạt 30 cơ sở với tổng số tiền là 101.800.000 đồng…

Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc khắc phục về ghi nhãn hàng hóa; buộc công bố, công bố lại hàm lượng vàng; buộc định lượng lại khối lượng vàng trước lúc đưa vào lưu thông; buộc kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng.

Trong tổng số 761 cơ sở vi phạm với 1.060 lượt hành vi vi phạm, Trong đó có: 495 lượt hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa, chiếm 47% tổng số lượt hành vi vi phạm; 201 lượt hành vi vi phạm quy định về đo lường, chiếm 19% tổng số lượt hành vi vi phạm (trong đó cân không có chứng chỉ kiểm định hoặc đã hết hiệu lực kiểm định là 141 lượt, chiếm 13% tổng số lượt hành vi vi phạm; Khối lượng vàng không đạt theo giá trị công bố là 60 lượt, chiếm 6% tổng số lượt hành vi vi phạm); 161 lượt hành vi vi phạm không đạt chất lượng, chiếm 15% tổng số lượt hành vi vi phạm; 125 lượt hành vi vi phạm không công bố tiêu chuẩn áp dụng, chiếm 12% tổng số lượt hành vi vi phạm và 78 lượt hành vi vi phạm khác (Không trang bị bộ quả cân chuẩn sử dụng kèm với cân; Phạm vi đo, độ chính xác của cân không phù hợp với khối lượng vàng cần đo, Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ), chiếm 7% tổng số lượt hành vi vi phạm.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục