Toàn TPHCM dự kiến có 265.000 chỗ làm việc trống, trong đó có 120.000 chỗ làm việc mới chờ đón người lao động trong năm 2015. Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào các ngành nghề: cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, dịch vụ - phục vụ, y tế, du lịch, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh… Riêng các KCX-KCN có nhu cầu khoảng 30.000 người.
Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại TPHCM tuyển dụng lao động.
Trong khi đó, sẽ có khoảng 330.000 người có nhu cầu tìm việc làm vào năm 2015, gồm: 70.000 người lao động chưa có việc làm năm 2014; 150.000 lao động tốt nghiệp các trường học có nhu cầu tìm việc làm; 70.000 người từ các tỉnh, thành khác đến tìm việc và 40.000 lao động đến tuổi song không học nghề mà có nhu cầu tìm việc làm ngay.
Năm 2015, thị trường lao động TP tiếp tục phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao ở các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với các năm trước. Đồng thời, thị trường lao động tiếp tục đối mặt với nhiều hạn chế: nguồn lao động TP, đặc biệt là sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường học thiếu các yếu tố (trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp và ngoại ngữ) cho quá trình hội nhập. Đây cũng chính là hạn chế phát triển nguồn nhân lực TP với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, việc phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế tiếp tục tạo mất cân đối cung - cầu lao động việc làm; việc thực hiện các chính sách lao động, tiền lương tại nhiều doanh nghiệp vẫn chưa là động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động; công tác dạy nghề khó phát triển mạnh do phần đông học sinh (gần 76%) và gia đình vẫn coi trọng việc học đại học. Tình trạng thiếu việc làm, nhu cầu tìm việc làm để tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống là yêu cầu bức xúc của người lao động chưa qua đào tạo nghề nhất là lao động nữ khu vực nông thôn, ngoại thành.
Thị trường lao động TP có sự cạnh tranh khá gay gắt giữa lực lượng lao động có kinh nghiệm - trình độ chuyên môn kỹ thuật và học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường. Người lao động có kinh nghiệm trong đang chiếm 85% trong tổng số lao động có nhu cầu tìm việc, tăng 40% so với năm 2013. Vì thế, số lao động là sinh viên mới tốt nghiệp sẽ gặp sự cạnh tranh không cân sức trong thị trường lao động khi thiếu kinh nghiệm làm việc, kiến thức chuyên ngành thực tế, thiếu về kỹ năng nghề. Điều này góp phần dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp, có nhu cầu kiếm việc đang chiếm gần 60% số lao động đang tìm việc.
| |
TRẦN ANH TUẤN
(Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM)