(SGGPO). - Đây là thông tin được GS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho biết về việc 32 trẻ ở tỉnh Tiền Giang phải nhập viện sau khi được tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem. Tiền Giang là một trong số những địa phương đầu tiên của cả nước tiến hành việc tiêm trở lại vaccine Quinvaxem sau khi loại vaccine này bị tạm đình chỉ.
Theo Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã nhận được báo cáo của Sở Y tế Tiền Giang về hiện tượng 32 trẻ có phản ứng sau tiêm chủng vaccine Quinvaxem phải nhập viện vào cuối tuần qua. Trên cơ sở báo cáo của địa phương, các chuyên gia đã tiến hành phân tích cho thấy, đa số các trường hợp trẻ bị phản ứng phụ sau tiêm ở tỉnh Tiền Giang đều có phản ứng phụ nhẹ gồm: sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), sưng nóng đỏ đau tại chỗ tiêm.
GS Hiển nêu rõ, đây là phản ứng nhẹ thông thường vì vaccine Quinvaxem là loại có chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Hơn nữa, theo nghiên cứu của WHO, tỷ lệ bị phản ứng nhẹ sau tiêm vaccine Quinvaxem là trên 10% (thậm chí có khi lên tới 50%). Ngoài phản ứng nhẹ thường xảy ra như trên, vaccine Quinvaxem cũng có thể gây phản ứng nặng hơn một chút, với các biểu hiện tím tái, co giật nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Trong khi đó, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sau khi được đưa vào bệnh viện chăm sóc, đến nay sức khỏe các trẻ bị phản ứng phụ (sau tiêm vaccine Quinvaxem ở Tiền Giang) đều đã ổ định. Đến nay, ngoài Tiền Giang, một số địa phương đã thực hiện tiêm trở lại vaccine Quinvaxem như: Ninh Bình, Đà Nẵng…
“Trước khi tiêm trở lại vaccine này, chúng tôi đã tiên lượng các nguy cơ phản ứng có thể xảy ra trong và sau quá trình tiêm chủng. Tuy nhiên không phải cứ có phản ứng là ngừng tiêm vaccine vì ngừng hay không phải có hội đồng ở tỉnh và địa phương đánh giá”, TS Phu nêu rõ.
Trong thời gian tới, các địa phương còn lại sẽ tiếp tục cho tiêm trở lại vaccine Quinvaxem tùy thuộc vào lịch tiêm chủng của mỗi địa phương. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong tháng 11 tới cũng cho tiêm trở lại vaccine Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Do đó, bên cạnh việc ngành y tế tăng cường giám sát hoạt động tiêm chủng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ theo dõi diễn biến sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng, khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được tư vấn hoặc theo dõi.
Trước đó, ngày 25-10, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức tiêm ngừa vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau tiêm, đã có 32 trẻ bị phản ứng với biểu hiện sốt, sưng tấy, mẩn đỏ tại chỗ và đã được nhập viện theo dõi. Ngay trong tối 25-10, đa số trẻ đã được xuất viện và còn 6 trẻ đang được tiếp tục theo dõi.
Trước sự cố này, Sở Y tế Tiền Giang đã ra quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine Quinvaxem trong đợt tiêm chủng thường kỳ trên địa bàn, đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn theo dõi chặt số trẻ đã được tiêm ngừa vaccine Quinvaxem trong ngày đầu tiêm chủng.
Vaccine “5 trong 1” Quinvaxem có tác dụng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib (viêm phổi - viêm màng não) do Công ty Berna Biotech Korea Corporation sản xuất. Loại vaccien này được Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam từ tháng 6-2010 đến hết năm 2015. |
QUỐC LẬP
- Thông tin liên quan:
>> Tiêm trở lại vaccine Quinvaxem: Hiệu quả phòng bệnh vượt trội hơn nguy cơ tai biến?