
Nếu các phóng viên viết dùng ngòi bút của mình để chuyển tải sự thật đến với độc giả thì phóng viên ảnh, họ “dệt” nên những tấm thảm về cuộc sống bằng sợi chỉ ánh sáng. Ngày 20-6 tới, tại Ngôi nhà nghệ thuật (Maison des Arts), 31A Văn Miếu, Hà Nội, 7 phóng sự ảnh báo chí của 6 phóng viên ảnh trong nước và quốc tế sẽ được trưng bày trong triển lãm mang tên “7 stories” - “7 câu chuyện”.
Ước mơ của người cầm máy
Với báo giới những cái tên như Na Sơn, Trọng Chính, Lâm Khánh, Trọng Tùng, Justin Mott, Justin Maxon không hề xa lạ. Họ đều là những tay máy tuổi đời còn trẻ song đã tạo dựng được cách thể hiện đầy cá tính mang dấu ấn riêng mà không phải nghệ sĩ ảnh nào cũng may mắn có được.
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, 21-6, các phóng viên ảnh cùng nhau tụ hội để kể câu chuyện bằng ánh sáng của mình. Một tác giả của triển lãm tâm sự: “7 câu chuyện các phóng viên ảnh giới thiệu tại đây là 7 khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Tuy cách xa nhau nửa vòng trái đất về địa lý, song chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, làm việc tại Việt Nam, và đặc biệt, cùng đem đến cái nhìn mới về ảnh báo chí”. Cái nhìn mới mẻ, chân thực qua lăng kính của 6 phóng viên ảnh đã dẫn dắt họ dũng cảm vượt ra ngoài khuôn khổ của những trang báo thiên về sự kiện hàng ngày để hướng tới những câu chuyện lắng đọng, giản dị của cuộc sống, chạm tới những góc khuất mà đôi lúc chính chúng ta đã bỏ quên.
Chuyện kể từ những bức ảnh

Chuyện trẻ em trên sông Hồng của Lâm Khánh.
Là người trẻ nhất trong nhóm, phóng viên ảnh Trọng Tùng cũng thổi vào triển lãm một góc nhìn mới dung dị nhưng hiện đại và đầy chất báo chí. Phóng sự ảnh mang tên “Thư gửi bố mùa thi” đã chiếm mất của Trọng Tùng hơn ba tuần lễ để tìm hiểu cuộc sống của Dạ Thương, cô học sinh ở Hải Dương lên Hà Nội trọ học ôn thi đại học. Anh theo cô bé đến lò luyện thi, đi chợ mua rau, đến phòng trọ để hiểu được nỗi vất vả của sinh viên tỉnh xa nhà. Bộ ảnh đã ngay lập tức gây được sự chú ý của bạn đọc.
Còn Justin Maxon, sinh viên Mỹ đã bỏ ra gần một tháng để “theo” chị Mùi mắc bệnh tâm thần nhẹ và bị nghi nhiễm HIV do người chồng đã chết vì AIDS và đứa con nhỏ của chị tại khu vực cầu Long Biên. Thời gian đi theo hai mẹ con, Justin Maxon, một thanh niên Mỹ cô đơn trong một xã hội công nghiệp có nhịp sống sôi động bậc nhất thế giới, đã cảm nhận được sự ấm áp của hạnh phúc từ chính những góc tối tăm của cuộc sống. Phóng sự ảnh “Tình yêu trong cảnh nghèo khó” đã ra đời. Phần thưởng cho sự lao động bền bỉ và trái tim nhân hậu của Justin Maxon là tác phẩm đã đoạt giải nhất ảnh đơn, thể loại ảnh đời thường của cuộc thi ảnh Báo chí thế giới (World Press Photo) năm 2007.
“Người của những sự kiện”, Na Sơn, phóng viên ảnh tự do đem tới triển lãm những góc máy đặc biệt về hiện trường vụ sập hai nhịp dẫn của cầu Cần Thơ và những khung hình cảm động ở một trại dưỡng lão tại miền Bắc. Nhẹ nhàng hơn một chút, Lâm Khánh (TTXVN) tham dự triển lãm với hành trang là những bức hình trong trẻo, thơ ngây về những trẻ em xóm chài ven sông Hồng. Được biết, bộ ảnh “Những đứa trẻ nhỏ trên dòng sông lớn” được trưng bày lần này đã mang về giải thưởng phóng sự ảnh trong cuộc thi dành cho các phóng viên ảnh trẻ của TTXVN năm 2008. Già dặn và bản lĩnh chinh chiến, tay máy Trọng Chính của TTXVN với vốn kinh nghiệm là rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế lại đến với triển lãm đề tài môi trường và cuộc sống. Bộ ảnh “Thợ luyện thép thủ công” được Trọng Chính thực hiện hết sức kỳ công, với nhiều khuôn hình đậm tính báo chí song không kém phần nghệ thuật.
Ấn tượng nhất có lẽ là những khuôn hình của Justin Mott, đại diện của hãng World Picture News, đang làm việc tại khu vực Đông Nam Á và Hà Nội. Đi nhiều, có nhiều bạn bè ở Việt Nam, anh đã được bạn bè dẫn đến Trung tâm chăm sóc Trẻ em ở Ba Vì, Hà Tây. Những em bé tàn tật mang di chứng của chất độc da cam đã ám ảnh Justin, anh tiếp tục quay lại trung tâm nhiều lần để thực hiện một bộ phóng sự ảnh, giới thiệu cho thế giới biết về những nạn nhân bé nhỏ ngây thơ của cuộc chiến tranh đã qua từ lâu.
Nhiều người đã ví 7 phóng sự ảnh chính là 7 câu chuyện về những số phận, những mảnh đời. Song, các tác giả ảnh lại không muốn chỉ dừng lại ở việc đưa tới cho người xem những khuôn hình ấn tượng mà hơn hết, họ đến triển lãm với một ao ước có thể góp phần làm thay đổi số phận. Vì thế, kết thúc triển lãm, một cuộc đấu giá, quyên góp sẽ được tổ chức. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được thông báo sau buổi đấu giá và được chuyển trực tiếp tới các trung tâm chăm sóc trẻ em nạn nhân chất độc da cam khu vực Hà Nội.
Mai An