Ngày 30-11, khoảng 2 triệu người Anh làm việc trong lĩnh vực công đã tiến hành cuộc đình công trên cả nước nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm 80 tỷ bảng Anh (130 tỷ USD) chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách.
Đây được xem là cuộc đình công lớn nhất kể từ năm 1926. Cuộc xuống đường diễn ra sau khi Chính phủ Anh kêu gọi mọi người phải đồng tâm hiệp lực, san sẻ khó khăn khi chính phủ quyết định cắt giảm việc làm trong các cơ quan dân chính và phúc lợi, tăng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 66, đồng thời giảm lương hưu… Mục đích của việc làm này nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách nhà nước đang tăng lên mức kỷ lục.
Nếu như lãnh đạo Anh cho rằng kế hoạch cải cách thể hiện sự “công bằng đối với những người đóng thuế”, thì giới lao động trong lĩnh vực công, chủ yếu gồm Nghiệp đoàn Dịch vụ Công cộng và Thương mại (PCS) và 3 nghiệp đoàn công chức, phản đối vì cho rằng các kế hoạch mới đồng nghĩa với việc họ phải lao động và đóng góp nhiều hơn để nhận khoản lương hưu bị cắt giảm. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron đã cảnh báo sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài quyết định cải cách vì hệ thống lương của Anh đang có nguy cơ “khánh kiệt”.
Lúc này, nền kinh tế xứ sở sương mù được dự đoán hoàn toàn có thể rơi vào suy thoái kép. Trong “Báo cáo mùa thu 2011” công bố ngày 29-11, Bộ trưởng Tài chính George Osborne cảnh báo nước Anh sẽ còn trải qua 6 năm khó nhọc nữa. Các gia đình sẽ tiếp tục nếm trải tình trạng thất nghiệp tăng, chi tiêu công tiếp tục bị cắt giảm và mức sống sẽ tiếp tục giảm sút…
Nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của Anh chỉ đạt 0,9% trong năm nay, so với dự báo 1,8% trước đó và sẽ xuống còn 0,7% trong năm tới. Trong báo cáo hàng năm này, Bộ trưởng Tài chính Anh cũng thừa nhận rằng chính phủ có thể sẽ phải vay thêm 111 tỷ bảng Anh vào năm 2016 do kinh tế suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng lên đến đỉnh vào năm tới là 2,8 triệu người.
Nếu như kế hoạch cắt giảm 80 tỷ bảng Anh đã khiến Liên minh cầm quyền do đảng Bảo thủ đứng đầu trở thành “tâm điểm trút giận” của người lao động trong khu vực nhà nước, thì báo cáo mùa thu của Bộ trưởng Tài chính Osborne một lần nữa đã nhấn xứ sở sương mù chìm sâu hơn trong gam màu xám. Bất chấp tranh cãi, Chính phủ Anh vẫn khẳng định đang tìm cách điều khiển một ngân sách xã hội lâu nay hoạt động ngoài vòng kiểm soát và cải thiện hiệu quả của dịch vụ công vốn bệ rạc sau 13 năm cầm quyền của Công đảng.
Mặc dù vậy, chắc chắn tương lai của chính phủ do Thủ tướng David Cameron đứng đầu sẽ vẫn phải phụ thuộc vào kết quả thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng, đặc biệt là khả năng huy động khu vực tư nhân lấp vào chỗ trống lao động bị cắt giảm.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao và khủng hoảng trong khu vực đồng EUR đang leo thang, nền kinh tế Anh được dự báo sẽ tiếp tục trì trệ trong năm 2012, thậm chí có thể rơi vào suy thoái kép vào cuối năm 2011 - đầu năm 2012.
Đó là chưa kể nếu giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) không giải quyết êm thắm cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone, tác động tiêu cực không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế trong khu vực trên, mà còn phủ bóng mây u ám lên các nước châu Âu không sử dụng đồng EUR, trong đó có Anh.
XUÂN HẠNH
- Thông tin liên quan:
>> 2 triệu người ở Anh đình công