92% thương tật và 1 giấc mơ

Với tỷ lệ 92% thương tật nhưng Nguyễn Lê Hoàng Trung (thí sinh quê ở Bình Phước) vẫn hoàn thành xuất sắc 12 năm học phổ thông và đang nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Năm 2010, Trung là một trong số hơn 200 tấm gương về khuyết tật, trẻ mồ côi tiêu biểu trên toàn quốc.

Chúng tôi tìm đến nơi Trung ở trọ chờ ngày thi. Đó là một thanh niên gầy gò đang miệt mài ôn bài, đôi chân vắt qua một bên rất khó nhọc, cánh tay trái chống xuống để đỡ toàn thân, cánh tay phải lật giở từng trang sách. Chốc chốc Trung lại nằm nhoài ra hoặc tranh thủ ngả lưng vì đau mỏi. Nhìn gương mặt trắng trẻo, thư sinh với ánh mắt buồn lúc nào cũng nhìn xuống khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Năm lên 4 tuổi, trong một cơn cùng quẫn vì ghen tuông, ba Trung đã đâm mẹ và Trung, sau đó tự vẫn nhưng không thành. Do vết thương quá nặng, mẹ mất ngay trên đường đi cấp cứu, Trung bị đâm vào cột sống, tuy được cứu sống nhưng kể từ đó em trở thành đứa trẻ khuyết tật còn ba thì bị án chung thân.

Từ đó, ông ngoại vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là đôi chân cùng em trên mọi nẻo đường. Với tỷ lệ 92% thương tật, Trung mất đi mọi cảm giác từ bụng trở xuống, thậm chí đại tiểu tiện em cũng không tự kiểm soát được, mọi sự di chuyển, sinh hoạt của em đều phụ thuộc vào đôi tay yếu ớt cùng sự hỗ trợ của ông ngoại.

Những ngày đi học, ông ngoại ẵm Trung đến lớp rồi tới trưa lại đón về, đều đặn mỗi ngày hai lần. Lớn lên một chút thì ông chở Trung bằng chiếc xe máy cũ, khi sức không bế nổi cháu nữa thì nhờ bạn bè, thầy cô đưa cháu vào lớp. Khi Trung lên cấp 3 nhà cách trường 15km nên hai ông cháu Trung thuê nhà trọ gần trường để tiện việc đi lại, học tập.

Suốt 12 năm liền là học sinh xuất sắc, là thủ khoa đầu vào lớp 10 chuyên Lý của Trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước). Và ngay trong năm học này, em được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi Vật lý quốc gia. Em luôn là tấm gương về học tập, được thầy cô và bạn bè quý mến. Thế nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài được lâu vì phải ngồi cả ngày học và làm bài thi nâng cao nên vết thương cũ nơi cột sống của cậu ngày càng trở nên đau nhức, do vậy em đành rút khỏi đội tuyển. Trung tâm sự: “có những lúc quá mệt mỏi, lại tự ti về bản thân, em đã nghỉ học một tháng rưỡi nhưng nhờ sự động viên của bạn bè, thầy cô và  nhất là nghĩ đến người ông đã chăm lo cho mình suốt 14 năm nay nên em lại tiếp tục đến trường”.

Trung tâm sự: “Em muốn thi vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên bởi em được biết ngành này chỉ cần đôi tay khỏe mạnh và sự cần mẫn học hỏi, mà thứ đó thì em đang có”. Trung cũng cho biết khi đăng ký dự thi em không khai mình thuộc thí sinh đặc biệt để được hưởng ưu tiên mà em chỉ muốn được coi như các thí sinh bình thường khác, tham gia thi với đúng năng lực của mình.

Qua ánh mắt Trung, chúng tôi thấy cả một trời nghị lực. Sự kiên cường có được từ những năm tháng tự lập và nỗi khát khao tri thức sẽ giúp Hoàng Trung mở toang cánh cửa vào giảng đường đại học.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục