AEC - Cộng đồng của các cơ hội

Hôm nay 31-12, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, đánh dấu bước phát triển mới trong ASEAN và là động lực mới cho kinh tế toàn khối. Báo chí thế giới đã có nhiều thông tin về sự kiện lớn này.
AEC - Cộng đồng của các cơ hội

Hôm nay 31-12, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, đánh dấu bước phát triển mới trong ASEAN và là động lực mới cho kinh tế toàn khối. Báo chí thế giới đã có nhiều thông tin về sự kiện lớn này.

Khối kinh tế hứa hẹn

Tờ Wall Street Journal của Mỹ ngày 30-12 viết: 10 thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) khởi đầu một chương mới: tích hợp các nền kinh tế nhằm nỗ lực mang lại nhiều ảnh hưởng đối với toàn cầu và sự thịnh vượng cho 622 triệu người dân trong khu vực.

Theo bài báo, sau hơn một thập niên chuẩn bị, thị trường chung của AEC ra đời nhằm thống nhất khối kinh tế 2,6 ngàn tỷ USD, tăng sức cạnh tranh với Trung Quốc và Nhật Bản. “Theo lộ trình, các thành viên AEC có kế hoạch thúc đẩy quan hệ kinh tế bằng việc hạ thấp hơn nữa thuế quan và cho phép mở cửa thị trường tự do về lao động, dịch vụ và vốn trong khu vực trải dài 3.900 dặm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, bài báo viết.

Nhà máy sản xuất bao tay ở Malaysia

Còn tờ Financial Times nhấn mạnh vào khía cạnh tự do thương mại của AEC. Thương mại nội khối ASEAN hiện đang chiếm 25% tổng thương mại trong khu vực và sẽ tiếp tục tăng lên sau khi AEC hình thành. Ngoài ra, theo tờ báo này, việc tích hợp ngân hàng trong ASEAN (Asean Banking Integration Framework - ABIF), hướng tới mục tiêu tự do hóa dịch vụ ngân hàng toàn khu vực vào năm 2020 vẫn đang được xúc tiến. Xa hơn nữa là việc hội nhập thị trường chứng khoán trong khu vực. Báo Financial Times nhận định: Nếu ASEAN tích hợp nền kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đây sẽ trở thành khối kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050. Dân số ASEAN hiện gấp đôi dân số Mỹ, các nền kinh tế thành viên thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn lớn toàn cầu với tổng số vốn đầu tư 136 tỷ USD (năm 2014). ASEAN cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy quan trọng, nhất là về điện tử, ô tô và có sức tiêu dùng tăng nhanh.

Khó khăn vẫn còn phía trước

Bài báo trên tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN, cho rằng, việc hình thành AEC là “Cột mốc lớn của chúng tôi. Chúng tôi đã làm được rất nhiều việc” khi mà cách đây gần nửa thế kỷ nhiều thành viên trong ASEAN vẫn còn trong chiến tranh.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Lương Minh, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước phải vượt qua mới có thể thực sự đưa AEC trở thành thị trường và khu vực sản xuất chung. Điều đó òi hỏi cam kết mạnh mẽ về chính trị và sự ủng hộ từ tất cả các nhà lãnh đạo các nước thành viên trong ASEAN.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Tri Widodo, Trưởng ban Khoa học kinh tế tại Đại học Gadjah Mada, Indonesia, cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng khi AEC bắt đầu có hiệu lực từ ngày 31-12. Nguyên nhân là do cạnh tranh trong thị trường lao động tăng cao. Ngoài ra, cũng theo ông Tri Widodo, việc buôn lậu hàng hóa, nhất là hàng điện tử và dệt may cũng có thể tăng.

Ngoài ra, tình trạng chênh lệch về thu nhập và cấu trúc kinh tế của các thành viên có thể là cản ngại của AEC. Theo báo The Star của Malaysia, chỉ  xét trong nhóm ASEAN 6 (gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Philippines), GDP bình quân đầu người của Thái Lan năm 2014 là 5.519 USD, chưa bằng 1/10 so với Singapore là 56.286 USD.

Cũng theo báo The Star, cần giáo dục và tuyên truyền trong dân chúng về mục tiêu của AEC để đạt được đồng thuận cao, đó cũng chính là cách làm gia tăng sự tích hợp trong AEC. Các nhà hoạch định cũng nên học tập kinh nghiệm từ khối Eurozone trong việc ngăn chặn và xử lý khủng hoảng. Vì bản thân Liên minh châu Âu khi tích hợp không gặp khó khăn gì nhưng với Eurozone câu chuyện lại phát triển theo cách bất lợi khi khối này gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết khủng hoảng nợ của các thành viên.

 Trả lời phóng viên Báo SGGP, Tổng lãnh sự Malaysia tại TPHCM Sofian Akmal Bin Abd. Karim, nhận định AEC có tiềm năng to lớn mang lại lợi ích kinh tế cho các công dân của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. AEC sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo, cải thiện sức khỏe chung của các dân tộc ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng thương mại giữa ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các nước khác. Các lợi ích kinh tế mà AEC mang lại sẽ là động lực phát triển kinh tế hơn nữa, mang lại sự thịnh vượng cho tất cả các dân tộc ASEAN.

THỤY VŨ (tổng hợp)

 _______________________
 

Biểu diễn nghệ thuật chào mừng AEC

(SGGP).- Tối 30-12, tại Công viên 23-9, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM đã tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng ngày thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Đến dự có đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM và đại diện các ban ngành, đoàn thể, cùng đại diện ngoại giao đoàn và các tổ chức quốc tế tại TPHCM.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật chào mừng ngày thành lập AEC

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho rằng trong chặng đường gần 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, Việt Nam, trong đó có TPHCM, có những đóng góp quan trọng vào thành công chung của ASEAN. Với vai trò là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế - văn hóa của Việt Nam, TPHCM luôn là địa phương tích cực trong việc triển khai và thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác song phương, đa dạng với các nước thành viên ASEAN; không ngừng củng cố và mở rộng quan hệ kết nghĩa với các địa phương trong khối ASEAN; chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư, du lịch tại TPHCM cũng như tại các địa phương trong khu vực. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu khẳng định, TPHCM đã, đang và sẽ tiếp tục làm hết sức mình để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ và gắn kết mối quan hệ với các địa phương thuộc các nước thành viên ASEAN, góp phần củng cố vững mạnh AEC hướng tới những mục tiêu liên kết sâu rộng hơn.

Đại diện Tổng Lãnh sự các nước ASEAN tại TPHCM, Tổng Lãnh sự Malaysia tại TPHCM, nước Chủ tịch ASEAN 2015, ông Akmal Bin Abd. Karim, khẳng định: AEC hình thành là sự kiện quan trọng là kết quả nỗ lực gần 5 thập kỷ trong quá trình xây dựng cộng đồng kể từ khi Tuyên bố Bangkok được ký vào năm 1967. Tất cả người dân ASEAN nên tự hào về thành tựu quan trọng này. Malaysia sẽ kết hợp chặt chẽ với các thành viên trong ASEAN nỗ lực để tiếp tục hội nhập ASEAN trong tương lai, đáp ứng nguyện vọng của hơn 600 triệu người dân chúng ta. Tổng Lãnh sự Malaysia đánh giá cao đóng góp liên tục của Việt Nam trong việc hình thành AEC, đồng thời biểu dương lãnh đạo và nhân dân TPHCM đã tổ chức sự kiện đánh dấu việc hình thành AEC.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục